Giữ rừng bằng… hương ước

09:04, 07/04/2017

Nhận thức sâu xa mối nguy hại của "nhân tai" đến với những cánh rừng, đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Suối Thông A2 (xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương) đã quyết tâm giữ lại màu xanh giữa đại ngàn thông qua hương ước...

Nhận thức sâu xa mối nguy hại của “nhân tai” đến với những cánh rừng, đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Suối Thông A2 (xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương) đã quyết tâm giữ lại màu xanh giữa đại ngàn thông qua hương ước...
 
Thôn Suối Thông A2 được những cánh rừng che chở, bảo vệ. Ảnh: Đ.Tú
Thôn Suối Thông A2 được những cánh rừng che chở, bảo vệ. Ảnh: Đ.Tú
Xã Đạ Ròn nằm ở phía Tây của huyện Đơn Dương với diện tích tự nhiên 1.228 ha, trong đó có đến 1.084 ha đất có rừng. Rừng ở địa phương Đạ Ròn chủ yếu là rừng phòng hộ xung yếu, là “lá chắn thép” giữ sự bình yên của thôn xóm trước mưa lũ, sạt lở đất và giữ nước cho hồ Dròn để phục vụ hơn 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của địa phương cùng với thị trấn Thạnh Mỹ. 
 
Thấy rõ tầm quan trọng của những cánh rừng, người dân thôn Suối thông A2 đã đề ra hương ước để bảo vệ rừng. Trong đó, nêu rõ việc bảo vệ rừng là công việc của tất cả người dân trong thôn. Công tác quản lý, bảo vệ rừng là truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác, chính vì vậy người dân trong thôn không được chặt phá, ken cây làm cây chết, không được đốt lửa trong rừng, hộ dân khi đi làm nương rẫy nếu nấu nướng phải tiến hành ở chòi, nếu không có chòi thì phải chọn khoảng đất ở giữa rẫy để nấu nướng. Sau khi nấu xong phải dập tắt tuyệt đối ngọn lửa, trẻ con khi chăn thả gia súc vào rừng không được mang theo lửa, phát hiện đối tượng lạ mặt vào rừng thì phải báo ngay cho chính quyền địa phương…
 
Ông Kon Sơ Ra Bi - Trưởng thôn Suối Thông A2 tâm sự: “Từ thời còn là một đứa trẻ tôi đã được cha mẹ của mình dạy rằng, con cháu phải biết bảo vệ rừng. Vì rừng là một điều hết sức thiêng liêng đối với dân làng, con người sinh ra cũng từ rừng, mất đi cũng về với rừng, rừng xanh chính là cha, ông, là tổ tiên của chúng ta”.
 
Với đặc điểm là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thôn Suối Thông A2 có 400 hộ dân với 2.015 nhân khẩu; trong đó có 200 hộ dân sống ven rừng và nhiều gia đình có nương rẫy tiếp giáp với rừng phòng hộ nên việc cam kết bảo vệ rừng là một việc làm hết sức quan trọng. 
 
“Hiện toàn thôn có khoảng 300 hộ dân đã ký cam kết bảo vệ rừng, không lấn chiếm đất rừng, còn việc tuân thủ hương ước của thôn xóm thì 100% hộ dân đều nhất trí, có sự đồng thuận cao từ già đến trẻ” - Ông Kon Sơ Ra Bi, Trưởng thôn Suối Thông A2 nói.
 
Là gia đình có 5 sào đất trồng cà phê tiếp giáp với khu vực rừng phòng hộ, vợ chồng anh Ha Thell và chị Kon Sơ Lê A khi đi làm nương rẫy họ rất cẩn trọng trong việc nấu nướng. Chị Kon Sơ Lê A tâm sự: “Qua các đợt tuyên truyền và vận động của thôn và chính quyền địa phương, chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, thời điểm hanh khô rừng rất dễ bắt lửa, nếu mình nấu nướng mà không cẩn thận thì hậu quả sẽ không lường trước được. Chính vì vậy, vợ chồng tôi luôn cố gắng thức dậy sớm để lo cơm nước ngay tại nhà, tránh nấu nướng ngay tại chòi rẫy của mình. Vả lại, thôn xóm đã có hương ước, mình phải tuân thủ nghiêm chỉnh”.
 
Ông Bùi Ngọc Cận - Chủ tịch UBND xã Đạ Ròn cho biết, thời gian qua, một số người dân sinh sống ven rừng tại thôn Suối Thông A2 vẫn còn vi phạm về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Chính vì vậy, trong năm 2016, UBND xã tổ chức 7 buổi họp dân để tuyên truyền pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng cũng như công tác phòng cháy chữa cháy rừng vào mùa khô ngay tại hai thôn Suối Thông A1, Suối Thông A2 với hơn 500 lượt người tham dự. Nhờ vậy, ý thức của người dân nơi đây được nâng lên rõ rệt. Và, điều đáng mừng nhất, đó là thôn Suối Thông A2 đã có hương ước nêu rõ những quy định về việc bảo vệ rừng.
 
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng là việc được chính quyền xã Đạ Ròn hết sức quan tâm. Nhưng, để những cánh rừng mãi xanh thì cần lắm những hương ước bảo vệ rừng do người dân tự đặt ra để tự giác thực hiện như người dân Suối Thông A2.
 
ĐỨC TÚ