(LĐ online) - Ngày 21/4, tại Đà Lạt đã diễn ra Hội nghị quán triệt thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, tập huấn về công tác kiểm tra năm 2017 do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
(LĐ online) - Ngày 21/4, tại Đà Lạt đã diễn ra Hội nghị quán triệt thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, tập huấn về công tác kiểm tra năm 2017 do Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) tổ chức.
|
Toàn cảnh hội nghị |
Tham dự có đồng chí Thuận Hữu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch HNBVN, đồng chí Nguyễn Thái Thiên – Cục phó Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện các cục, vụ trung ương, các liên chi hội và chi hội trực thuộc Trung ương; hội nhà báo các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh đạo đức báo chí đang trở thành một vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Bởi sự tha hóa, suy thoái về đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận những người làm báo Việt Nam đã đến mức báo động, gây ảnh hưởng xấu đến vai trò, uy tín của người làm báo. Bởi vậy, việc thành lập Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo là nội dung rất quan trọng cần đưa vào thực hiện.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thái Thiên đã báo cáo tóm tắt về tình hình hoạt động báo chí hiện nay. Đồng thời trao đổi, phân tích với các đại biểu những vấn đề trọng tâm, những điều cần lưu ý trong Luật Báo chí năm 2016.
Tại điều 8 Luật Báo chí năm 2016 đã xác định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam, trong đó có nhiệm vụ quan trọng: Xây dựng, ban hành và thực hiện quy định đạo đức người làm báo Việt Nam.
Dịp này, PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ HNBVN cũng đã phân tích cụ thể về 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và những giải pháp nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Theo báo cáo của Ban Kiểm tra (BKT) HNBVN, năm 2016, có 6 vụ nhà báo, phóng viên bị cản trở tác nghiệp. Ngay sau khi xảy ra các vụ việc, HNBVN đã có công văn gửi đến các cơ quan chức năng, các cơ quan bảo vệ pháp luật nhanh chóng vào cuộc, khẩn trương chỉ đạo và làm rõ vụ việc. Ngoài ra, các vụ việc của các cơ quan báo chí bị xử phạt vi phạm hành chính vì đăng tin sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cũng được đề cập cụ thể.
Bên cạnh chỉ thị thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, HNBVN còn thành lập Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo cấp trung ương và quy chế hoạt động của Hội đồng cũng được ban hành để: bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên; theo dõi ngăn chặn và xử lý những hành vi của hội viên vi phạm Điều lệ Hội và 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Trên cơ sở đó BKT cũng đã tập huấn, hướng dẫn để các cấp Hội Nhà báo thành lập hội đồng xử lý vi phạm đạo đức cấp tỉnh và tương đương ở địa bàn sinh hoạt của mình.
N. Thu – N. Ngà