Hơn 116 ngàn đầu sách và đĩa CD được chuyển về cơ sở

11:04, 11/04/2017

(LĐ online) - Sáng 11/4, đồng chí Trần Văn Hiệp - UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn công tác Trung ương do đồng chí Vũ Trọng Lâm - Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật dẫn đầu về việc khảo sát Đề án sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

(LĐ online) - Sáng 11/4, đồng chí Trần Văn Hiệp - UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn công tác Trung ương do đồng chí Vũ Trọng Lâm - Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật dẫn đầu về việc khảo sát Đề án sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
 
Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Theo Ban Tuyên giáo (BTG) Tỉnh ủy, qua gần 8 năm triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho xã, phường, thị trấn của BTG Trung ương trên địa bàn tỉnh đã góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên cấp xã, cũng như việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Đề tài sách trong Đề án đã bám sát yêu cầu của cơ sở, cập nhật những thông tin mới nhất về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến pháp luật phục vụ kịp thời cho việc giải quyết những vấn đề đang bức xúc, thường xảy ra ở cơ sở như: quản lý đất đai, quản lý dự án đầu tư cấp xã, về tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; hướng dẫn nhà nông làm giàu... 
 
Sau khi có chủ trương về thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát huy “văn hóa đọc” trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Theo đó, từ năm 2011 đến nay, Lâm Đồng đã tiếp nhận hơn 116 ngàn đầu sách và đĩa CD được chuyển tới các cấp, các đối tượng theo quy định. Tùy theo điều kiện cụ thể, các địa phương tiếp nhận, quản lý và sử dụng sách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của cán bộ, nhân dân trên địa bàn.
 
Tuy vậy, việc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế như: Công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện Đề án chưa được quan tâm đúng mức; “Văn hóa đọc” chưa được hình thành bền vững, khó tuyên truyền, nhân rộng trong nhân dân; trang thiết bị phục vụ nhân dân đến đọc sách còn thiếu thốn...
 
Từ thực tế triển khai Đề án tại Lâm Đồng, đồng chí Trần Văn Hiệp cũng đã đề xuất với Hội đồng chỉ đạo đề án sách cần có cơ chế cụ thể để trang bị cơ sở vật chất cho xã, phường, thị trấn. Tăng số lượng sách của Đề án gửi cho xã, phường, thị trấn, trong đó nội dung phải ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động, đi sâu vào thực tế, giảm lý luận. Đặc biệt, các ấn phẩm liên quan đến lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, luật pháp, kiến thức về quốc phòng, an ninh nên cập nhật những mục sửa đổi, bổ sung so với luật quy định hiện hành. Công tác phát hành sách cần đảm bảo kịp thời đến với cơ sở. Cần có sự liên kết với địa phương để đưa nội dung sách phù hợp với đồng bào các dân tộc trên địa bàn…
 
Tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Trọng Lâm đánh giá cao những nỗ lực của Lâm Đồng trong việc thực hiện Đề án. Đồng thời, đồng chí cũng ghi nhận những đề xuất kiến nghị của Lâm Đồng để công tác xuất bản và phát hành sách trong thời gian tới có nhiều chuyển biến hiệu quả hơn. 
 
N. Ngà