Đề án xã hội hóa công tác y tế giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh xác định mục tiêu huy động tối đa các nguồn lực để phát triển các loại hình dịch vụ, trong đó hệ thống y tế công lập đóng vai trò chủ đạo nhằm tăng nguồn lực cho sự nghiệp y tế...
Đề án xã hội hóa (XHH) công tác y tế giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh xác định mục tiêu huy động tối đa các nguồn lực để phát triển các loại hình dịch vụ, trong đó hệ thống y tế công lập đóng vai trò chủ đạo nhằm tăng nguồn lực cho sự nghiệp y tế. Đa dạng hóa các loại hình cung cấp dịch vụ y tế, mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế, đảm bảo mọi người dân được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo nhu cầu với chất lượng ngày càng cao.
|
Kỹ thuật chụp mạch máu thần kinh mới được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng (3/2017) nhờ chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Nhân Dân 115 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: A.Nhiên |
Cung ứng dịch vụ y tế kỹ thuật cao
Hiện nay, tổng số giường điều trị nội trú theo yêu cầu được tổ chức tại các bệnh viện công lập của tỉnh có 313 giường (chiếm 13% so với tổng số giường bệnh kế hoạch giao 2.400 giường bệnh), đạt tỉ lệ 2,45 giường bệnh nội trú theo yêu cầu/ vạn dân. Với các dịch vụ điều trị theo yêu cầu, bệnh nhân hoặc gia đình bệnh nhân được quyền chọn thầy thuốc để khám, chữa, phẫu thuật theo yêu cầu các chuyên khoa và các dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán theo yêu cầu người bệnh.
Toàn tỉnh hiện có 330 cơ sở hành nghề y tư nhân hoạt động, trong đó có: 1 bệnh viện đa khoa tư nhân (Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt), 1 phòng khám đa khoa, 261 phòng khám chuyên khoa, 1 nhà hộ sinh, 11 cơ sở chẩn đoán, 13 cơ sở dịch vụ y tế, 51 phòng chẩn trị y học cổ truyền. Cơ sở dược tư nhân toàn tỉnh hiện có 11 cơ sở sản xuất, kinh doanh dược, 744 cơ sở bán lẻ thuốc. Dịch vụ vận chuyển bệnh nhân theo yêu cầu có 2 công ty tư nhân là Công ty TNHH Khánh Lộc đầu tư 6 xe chuyên dụng và Công ty TNHH Vận Thịnh đầu tư 8 xe chuyên dụng phục vụ cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân theo yêu cầu thông qua ký kết hợp đồng với Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh đã có 20 đơn vị y tế nhà nước được phê duyệt đề án XHH công tác y tế. Đầu tư thiết bị y tế từ XHH với tổng giá trị 36 tỷ đồng thông qua các hình thức: liên kết với các tổ chức, đơn vị để lắp đặt trang thiết bị và chuyển giao công nghệ thông qua ký kết hợp đồng; huy động vốn trong cán bộ viên chức y tế; trích ngân sách từ quỹ phát triển sự nghiệp, quỹ phúc lợi của các đơn vị để mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật cao như máy CT.Scanner, chạy thận nhân tạo, hệ thống phẫu thuật nội soi, siêu âm màu 3D, 4D, X quang số hóa, xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm huyết học…
Đơn vị thực hiện XHH mạnh nhất là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, theo Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Bá Hy cho biết: Năm 2015, bệnh viện thực hiện XHH huy động 20 tỷ đồng, năm 2016 huy động 26 tỷ đồng và năm 2017 dự kiến là 30 tỷ đồng để triển khai các dịch vụ như liên kết, liên doanh lắp đặt máy chạy thận nhân tạo, máy xét nghiệm Triage®Meterpro, máy siêu âm ứng dụng kỹ thuật Elastoscan - Fibroscan, CT - Scanner 2 lát cắt, 3 máy siêu âm, máy tán sỏi... Triển khai dịch vụ XHH về sang nhượng máu và chụp MRI theo yêu cầu; các dịch vụ tiêm chủng, phòng điều trị, phẫu thuật, khám bệnh, xét nghiệm, chuyển viện theo yêu cầu.
Các loại hình cung ứng dịch vụ y tế kỹ thuật cao thông qua việc XHH trong đầu tư mua sắm trang thiết bị đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các kỹ thuật cao trong điều trị; từng bước tạo sự công bằng trong thụ hưởng dịch vụ y tế; hạn chế chuyển viện, giảm tải tuyến trên, giảm chi phí cho người bệnh và gia đình; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ y tế tiếp thu thực hành các kỹ thuật y học hiện đại, cập nhật nâng cao trình độ chuyên môn. Đồng thời, việc XHH giúp có thêm nguồn lực để tổ chức đào tạo bồi dưỡng năng lực chuyên môn góp phần giải quyết sự thiếu hụt về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cán bộ y tế địa phương. XHH y tế góp phần tăng nguồn thu, cải thiện đời sống cán bộ viên chức ngành y tế. Trong giai đoạn 2011 - 2015, qua triển khai thực hiện XHH y tế, các đơn vị trong ngành y tế đã có nguồn kinh phí để bổ sung cho hoạt động đơn vị, nguồn cải cách tiền lương và trích lập các quỹ theo quy định gần 80 tỷ đồng.
Đa dạng hóa các loại hình cung cấp dịch vụ y tế
Phấn đấu đến năm 2020 tỉ lệ giường bệnh đạt 25 giường bệnh/10.000 dân, trong đó tỉ lệ giường bệnh theo yêu cầu trong các bệnh viện công lập và giường bệnh tư nhân chiếm 15% so với tổng số giường bệnh chung. Hoàn thiện hệ thống tổ chức, phát triển mạng lưới y tế cơ sở, với 80% xã - phường - thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020, 80% trạm y tế có bác sĩ công tác triển khai mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.
Dự kiến đến năm 2020 có khoảng 500 phòng khám đa khoa, chuyên khoa; phát triển 100 cơ sở chẩn trị y học cổ truyền; có ít nhất 2 bệnh viện tư nhân với quy mô tối thiểu 100 giường/bệnh viện; kêu gọi đầu tư thành lập 2 Trung tâm chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao tại Đà Lạt và Bảo Lộc; có từ 3 - 5 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược; đạt điểm bán lẻ thuốc hơn 1 điểm/2.000 dân theo yêu cầu tăng tỷ trọng nhà thuốc, quầy thuốc giảm đại lý bán lẻ thuốc; đạt độ bao phủ BHYT toàn dân trên 90%.
Các loại hình dịch vụ y tế theo chủ trương XHH bao gồm: Đối với hệ thống y tế công lập, trong công tác phòng bệnh cho phép mở rộng chủng loại và diện tiêm vắc xin ngoài phạm vi cung ứng của nhà nước; khám, quản lý sức khỏe cho các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người lao động theo yêu cầu. Cung cấp dịch vụ xét nghiệm, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh an toàn lao động, phun hóa chất diệt khuẩn, diệt côn trùng; khám, tư vấn, điều trị dự phòng các bệnh thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số, chăm sóc sức khỏe răng miệng cho học sinh ngoài phạm vi cung ứng của chương trình nha học đường. Khuyến khích các cơ sở y tế huy động vốn, liên doanh, liên kết để thành lập đơn vị cung cấp dịch vụ phòng bệnh theo yêu cầu tự hạch toán độc lập.
Tiếp tục tổ chức các bộ phận khám, chữa bệnh theo yêu cầu thuộc các cơ sở khám chữa bệnh công lập, phấn đấu đến năm 2020 số giường bệnh theo yêu cầu đạt 10 - 11% so với giường bệnh kế hoạch giao. Triển khai các dịch vụ kỹ thuật về cận lâm sàng, cung ứng thuốc và các loại hình dịch vụ phụ trợ theo yêu cầu như: vận chuyển người bệnh, giặt là, vệ sinh, ăn uống, cung cấp chế độ dinh dưỡng bệnh lý… Khuyến khích các cơ sở y tế công lập huy động vốn, liên doanh, liên kết để thành lập đơn vị khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tự hạch toán độc lập.
Đối với y tế ngoài công lập, tiếp tục khuyến khích hoạt động các phòng khám chuyên khoa, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi không hạn chế số lượng các phòng khám chuyên khoa. Khuyến khích mở rộng hình thức phòng khám đa khoa, phát triển phòng khám bác sĩ gia đình (nhất là ở vùng thành thị, vùng nông thôn phát triển); thành lập các cơ sở điều trị cai nghiện ma túy; mở các loại hình dịch vụ y tế như tiêm, thay băng, chăm sóc sức khỏe tại nhà. Duy trì và mở rộng các phòng chẩn trị y học cổ truyền, khuyến khích mở rộng các phòng chẩn trị đến tận thôn, xã thuộc vùng nông thôn, miền núi. Khuyến khích tư nhân hóa các dịch vụ phòng bệnh; vệ sinh an toàn thực phẩm, dược, mỹ phẩm; thành lập các cơ sở cung cấp một số dịch vụ như: Bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế; dịch vụ kiểm tra, kiểm chuẩn trang thiết bị y tế. Các loại hình dịch vụ phụ trợ trong các cơ sở y tế như: dịch vụ giặt là, vệ sinh; dịch vụ ăn uống; dịch vụ cung ứng thuốc; dịch vụ nhà nghỉ cho người nhà bệnh nhân nằm trong khuôn viên bệnh viện; dịch vụ vận chuyển bệnh nhân.
Thực hiện XHH công tác dân số - KHHGĐ bao gồm: huy động các nguồn lực trong việc tổ chức thực hiện chương trình DS - KHHGĐ, cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa/dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, cho phép XHH công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế: khuyến khích các hình thức liên kết mở các trung tâm, các lớp đào tạo liên tục, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ y tế theo nhu cầu.
AN NHIÊN