Trong 8 năm thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU tháng 10/2008 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, đội ngũ nhân lực của tỉnh đến nay đã có bước phát triển vượt bậc không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng và là một trong những nhân tố mang tính quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như hiện nay.
Trong 8 năm thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU tháng 10/2008 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, đội ngũ nhân lực của tỉnh đến nay đã có bước phát triển vượt bậc không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng và là một trong những nhân tố mang tính quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như hiện nay.
|
Cán bộ khoa học Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà nuôi cấy mô cây lan gấm. Ảnh: Văn Báu |
Nâng cao chất lượng
Thống kê của tỉnh cho biết, từ năm 2008 đến nay, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc.
Trước nhất, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) của tỉnh đã từng bước được chuẩn hóa, toàn bộ cán bộ lãnh đạo từ tỉnh đến huyện đều qua bậc đại học và cao cấp lý luận chính trị; khoảng 90% cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý cấp phòng được đào tạo bồi dưỡng theo chương trình quy định; gần 7,7% công chức hành chính có trình độ chuyên môn trên bậc đại học; hầu như tất cả cán bộ, công chức khi tuyển dụng vào vị trí đều sử dụng được máy tính phục vụ công tác chuyên môn; trên 73% có chứng chỉ ngoại ngữ.
Về mặt chuyên môn, trong khối CBCCVC tỉnh có 34 tiến sĩ, 740 thạc sỹ, 4.156 người qua bậc đại học, qua bậc cao đẳng có 2.925 người và chỉ còn khoảng 1.800 người tốt nghiệp trung cấp. Từ 2008 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 27.500 lượt CBCCVC qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn.
Về lý luận chính trị, đã có 885 người qua cao cấp, 8 người qua cử nhân, có 2.678 người qua trung cấp và chỉ có trên 300 người qua bậc sơ cấp. Trong quản lý nhà nước, toàn tỉnh có 66 chuyên viên cao cấp, 551 chuyên viên. Hầu hết CBCCVC đều có bằng tin học, ngoại ngữ hay chứng chỉ tiếng dân tộc.
Trong đội ngũ CBCC cấp xã, từ năm 2008 đến nay, đã đào tạo 8 người có trình độ thạc sỹ, 327 người bậc đại học, cao đẳng, trung cấp 1.740 người, sơ cấp 257 người. Tỉnh còn mở rất nhiều lớp bồi dưỡng chính trị, tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc, chuyên môn cho cán bộ, công chức cấp xã.
Ở cấp phường, xã hiện có 1.550 cán bộ chuyên trách (khối Đảng, UBND, HĐND), trong đó, 585 người có trình độ đại học, còn lại là cao đẳng và trung cấp. Trong 1.438 công chức phường, xã đang làm việc hiện nay, có 652 người đã qua bậc đại học, 88 cao đẳng, còn lại là trung cấp. Còn trong số 2.164 người bán chuyên trách cấp xã có 2 người sau đại học, bậc đại học 314 người, cao đẳng 165 người, trung cấp chiếm nhiều nhất với 592 người và còn 56 người mới qua bậc sơ cấp.
Trong các đơn vị sự nghiệp của tỉnh như giáo dục, y tế, nông nghiệp - phát triển nông thôn… hầu hết CBCCVC không chỉ chuẩn hóa về trình độ chuyên môn mà ngành còn chú ý nâng cao chất lượng đội ngũ. Chỉ tính trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, một thế mạnh của kinh tế Lâm Đồng, đã có trên 80% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở được đào tạo chuyên sâu về du lịch, 70% lao động phục vụ trực tiếp được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, chuyên môn; 90% cơ sở đào tạo du lịch xây dựng chương trình giảng dạy đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Trong dạy nghề, Lâm Đồng hiện nay có 50 cơ sở dạy nghề đang tổ chức đào tạo 60 nghề khác nhau, bình quân mỗi năm có khoảng 40 nghìn lao động được bồi dưỡng và đào tạo nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng bình quân 2,8-3% năm. Chỉ tính trong năm 2016, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 54%.
Lâm Đồng trong những năm qua bên cạnh cử người theo học tại các đại học, cao đẳng trong tỉnh còn hợp tác với nhiều đại học trong nước để đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Tỉnh đã tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức ở hầu hết các ngành gửi đi đào tạo bậc sau đại học trong tỉnh, trong nước và nước ngoài. Tính từ năm 2008 đến hết 2015, tỉnh đã chi 85 tỷ đồng để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh.
Chiến lược lâu dài
Vẫn còn rất nhiều hạn chế trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hiện nay của tỉnh. Như đánh giá của Tỉnh ủy Lâm Đồng, chất lượng nguồn nhân lực tuy được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của địa phương, nhiều lĩnh vực thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn, quản lý giỏi và đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật cùng công nhân lành nghề.
Cùng đó, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng chưa sát với yêu cầu thực tiễn, hiệu quả của việc liên kết với một số cơ sở đào tạo cần được xem lại, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Tỉnh cũng chưa tạo môi trường hấp dẫn để thu hút các chuyên gia, các nhà nghiên cứu xuất sắc, sinh viên giỏi, giảng viên có năng lực giảng dạy tốt về công tác tại Lâm Đồng.
Một hạn chế khác cũng cần nhắc đến là chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế, xã hội hóa trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực còn chậm.
Chính vì vậy, Lâm Đồng trong thời gian đến đã đưa ra các chỉ tiêu cụ thể trong phát triển nhân lực cho từng lĩnh vực. Định hướng chung đến năm 2025, tất cả CBCCVC của tỉnh đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, thường xuyên được đào tạo bồi dưỡng; 100% viên chức giữ chức vụ quản lý được bồi dưỡng năng lực kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm; tất cả viên chức được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; tất cả cán bộ người Kinh khi công tác trong vùng dân tộc thiểu số phải sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số tại nơi công tác. Đồng thời, tỉnh sẽ chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn.
Chủ trương chung của Lâm Đồng như Tỉnh ủy nhấn mạnh, luôn coi đào tạo, phát triển và nâng cao nguồn nhân lực là nhiệm vụ thường xuyên và có tính chiến lược lâu dài, là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành và trách nhiệm chung của cả xã hội. Lâm Đồng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển mạnh dịch vụ du lịch, phát triển có chọn lọc một số ngành, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đảm bảo quốc phòng và an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Bà Phạm Thị Phúc - Bí thư Huyện ủy Lâm Hà: “Nâng cao chất lượng giáo dục để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng”
Giáo dục là yếu tố quan trọng để hình thành và phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ mới có các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật dành cho học sinh, sinh viên với các giải thưởng mang tính tượng trưng. Vì vậy, cần có cơ chế khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học để những đề tài nghiên cứu đó có thể ứng dụng vào thực tế phục vụ đời sống, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với cung cấp kiến thức phải chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa, truyền thống, lịch sử dân tộc… nhằm xây dựng nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng tiếp cận và thích ứng nhanh với sự phát triển trong tình hình mới. Bên cạnh đó, cần bố trí việc làm một cách hợp lý.
Ông Võ Ngọc Hiệp - Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt: “Phải tách riêng đào tạo nghề cho người lao động”
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, bên cạnh việc đào tạo cán bộ quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp, đào tạo công chức, viên chức thì phải chú trọng đào tạo nghề cho người lao động. Đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực am hiểu nghề nghiệp và kỹ năng lao động để người lao động có nhiều cơ hội học tập nâng cao trình độ, từng bước hình thành đội ngũ công nhân kỹ thuật giỏi, nhân viên lành nghề trong tất cả các ngành và lĩnh vực. Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và nâng cao năng suất lao động, thu nhập… Bên cạnh đó, đến năm 2025, đội ngũ CBCCVC đạt chuẩn chuyên môn nhưng phải có trình độ quản lý nhà nước, qua đó, nâng cao tính sáng tạo của đội ngũ CBCCVC.
Ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: “Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp cần được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ”
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đối với lao động trong lĩnh vực nông nghiệp cần thực hiện phương châm “cầm tay chỉ việc” qua các hội thảo đầu bờ, các lớp tập huấn kỹ thuật để người lao động được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng thực hành. Đồng thời, tăng cường chuyển giao, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất tiên tiến cho nông dân; triển khai trình diễn các mô hình sản xuất mới để bà con học tập và làm theo. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao. Tăng cường các hoạt động khuyến nông...
V.TRỌNG - T.HƯƠNG (ghi)
|
GIA KHÁNH - TUẤN HƯƠNG