Ðề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp triển khai nhằm góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở...
Ðề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp triển khai nhằm góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở. Qua gần 8 năm triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đã có tác động tích cực góp phần nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, đóng góp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
|
Việc đưa sách, báo về cơ sở ngoài đáp ứng nhu cầu thông tin còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao văn hóa đọc của người dân, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa. Ảnh: N.N |
Sau khi có chủ trương về thực hiện Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm chỉ đạo bằng nhiều văn bản nhằm thực hiện Đề án của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng sách được trang bị cho các xã, phường, thị trấn. Cụ thể, giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các ngành chức năng để tham mưu cho Ban Thường vụ chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện; Ban Dân vận Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về danh mục các loại sách, tài liệu mới được cấp phát, có biện pháp, giải pháp nhằm phát huy “văn hóa đọc” trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục hướng dẫn và quản lý có hiệu quả tủ sách ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Đồng thời, Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức xây dựng Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Từ năm 2011 đến nay, Lâm Đồng đã tiếp nhận 116.010 cuốn sách và đĩa CD. Sách được chuyển tới đã được cấp đến các đối tượng theo quy định. Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sách trong Đề án được phân loại theo từng mảng đề tài phù hợp với từng đối tượng, từng nhiệm vụ cụ thể ở cơ sở.
Tùy theo điều kiện cụ thể, các xã, phường, thị trấn bố trí đặt tủ sách tại văn phòng đảng ủy, ủy ban nhân dân, nhà văn hóa xã, điểm bưu điện văn hóa xã hoặc bố trí phòng đọc riêng. Nhiều xã, phường, thị trấn đã sử dụng, bảo quản chung cùng với tủ sách pháp luật, tổ chức luân chuyển sách xuống các tổ dân phố, làng, thôn, để phục vụ nhu cầu đọc của nhân dân.
Theo kết quả khảo sát của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các địa phương thực hiện tốt đề án này nhờ ban thường vụ cấp ủy địa phương đã có sự nhận thức đúng đắn và thống nhất về tầm quan trọng của sách trong công tác tuyên truyền để đôn đốc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Đề án. Cấp ủy thường xuyên đôn đốc kiểm tra việc tiếp nhận, khai thác bảo quản, sử dụng sách và các tài liệu có hiệu quả ở cơ sở. Hằng năm có hướng dẫn sơ kết, tổng kết và báo cáo Thường trực cấp ủy về tình hình triển khai thực hiện, đồng thời biểu dương, khen thưởng đối với những cá nhân, tổ chức, đơn vị làm tốt và phê bình đối với những cá nhân, tổ chức, đơn vị làm chưa tốt. Đặc biệt, Bí thư Đảng ủy các xã, phường, thị trấn đã phối hợp với ủy ban nhân dân xã, phường, bố trí tủ sách, phòng đọc sách riêng, phân công cán bộ phụ trách rõ ràng, đưa tiêu chí này vào nội dung thi đua hàng năm và xét khen thưởng đối với cá nhân, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ. Chỉ đạo việc xây dựng và ban hành nội quy khai thác, sử dụng sách theo quy định của Nhà nước về tài sản công.
Tuy vậy, việc thực hiện Đề án vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn chưa thật đầy đủ về chủ trương, yêu cầu, mục đích Đề án, do đó công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện Đề án ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay điều kiện tiếp cận thông tin của người dân cơ bản được nâng cao, việc tra cứu, nghiên cứu, tìm hiểu qua Internet rất nhanh, cho nên “văn hóa đọc” chưa được hình thành bền vững, khó tuyên truyền, nhân rộng trong nhân dân. Một số cán bộ cơ sở ít dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về các loại sách được cấp phát, gây sự lãng phí. Hầu hết các xã, phường, thị trấn chưa bố trí, sắp xếp phòng đọc riêng, trang thiết bị phục vụ cho nhân dân đến đọc sách còn thiếu thốn; sách của Đề án đặt tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nên không thuận tiện cho nhân dân đến đọc và mượn sách…
Để hấp dẫn bạn đọc hơn, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đề nghị cần bổ sung thêm đối tượng nhất là bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó cần bổ sung thêm các đầu sách đặc thù phục vụ nhu cầu của bà con người DTTS, đặc biệt là các chính sách của Nhà nước đối với bà con.
Ông Hồ Thanh Hà - Giám đốc Thư viện tỉnh, đề xuất mở rộng việc đưa sách về tận thôn để phục vụ nhu cầu của bà con, bởi hiện nay nhiều nơi bà con còn ngại lên UBND xã để đọc sách. Bên cạnh đó, trong những lần đưa sách về với cơ sở, cán bộ Thư viện tỉnh đã tạo nhiều điều kiện để bà con đăng ký những loại sách theo nhu cầu, để dựa theo đó thư viện cung cấp những đầu sách theo nhu cầu của bà con nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương “sách đi tìm người đọc”.
NGỌC NGÀ