Có một hợp tác xã (HTX) trong nhiều năm nay đã đóng góp không nhỏ trong việc giải quyết việc làm cho nhiều nông dân lúc nông nhàn ở vùng sâu Cát Tiên. Đó là HTX chế biến hạt điều Lê Gia với ông chủ nhiệm Lê Văn Bảy.
Có một hợp tác xã (HTX) trong nhiều năm nay đã đóng góp không nhỏ trong việc giải quyết việc làm cho nhiều nông dân lúc nông nhàn ở vùng sâu Cát Tiên. Đó là HTX chế biến hạt điều Lê Gia với ông chủ nhiệm Lê Văn Bảy.
Nỗ lực của ông chủ nhiệm
Khi nói về mình, ông Lê Văn Bảy - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) chế biến hạt điều Lê Gia vẫn cho rằng mình là nông dân chính hiệu, một nông dân ở xã vùng sâu từng quanh năm “đầu tắt mặt tối” quanh quẩn với ruộng vườn chỉ mong thoát được nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê mình.
Năm nay 61 tuổi (sinh 1956), người Bình Định, ông Lê Văn Bảy cùng gia đình đi kinh tế mới vào lập nghiệp tại Cát Tiên từ năm 1982, từ đó đến nay sinh sống tại thôn Cát An 2, xã Phước Cát 1, Cát Tiên.
Để có một HTX bài bản như hiện nay, ông Chủ nhiệm Lê Văn Bảy đã trải qua những bước thăng trầm của đời nông dân chân lấm tay bùn. Làm ruộng mãi mà vẫn nghèo, “của ruộng đắp bờ” - như cách ông nói, đến năm 1996 ông cố gắng tích cóp tạo dựng được một vườn trồng hồ tiêu rộng 2 sào. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì chỉ ít năm sau, năm 1999 và sau đó là 2000 khi những cơn lũ theo nhau về Cát Tiên đã “xóa sổ” không thương tiếc vườn tiêu này. Bao hy vọng đổi đời của ông Bảy cũng cuốn theo nước lũ, khi nước rút đi chỉ còn trơ lại cho ông mảnh vườn tan hoang xơ xác.
Không bỏ cuộc, ông thử chuyển vườn mình sang trồng cây cảnh. Những năm đó đời sống người dân nhiều nơi khá giả lên, nhu cầu cây cảnh tăng cao. Với cây cảnh ông từng bước gây dựng lại khu vườn này, tổng thu nhập gia đình từ cây cảnh sau đó đã tăng lên khoảng 120 triệu đồng/năm.
Không dừng ở đây, năm 2003, ông Bảy qua Bình Phước ven xã ông học hỏi nghề sơ chế hạt điều. Với tâm niệm họ làm được mình làm được, ông về đứng ra vay vốn ngân hàng để mua máy móc và hạt điều thô trong vùng để sản xuất ở nhà. Ban đầu gia đình ông tự làm, rồi ông dạy lại nghề cho người khác, dần mở rộng sản xuất sang những hộ chung quanh.
Khi công việc chế biến hạt điều phát triển, đầu ra ổn định, ông Bảy đứng ra vận động thành lập HTX chế biến hạt điều trong năm 2008 với 3 thành viên Ban quản trị cùng khoảng 20 xã viên là những người làm ăn với ông từ ban đầu.
Cho đến nay HTX chế biến hạt điều Lê Gia vẫn đang hoạt động khá ổn định trong vùng sâu Cát Tiên, là một trong những địa chỉ đi đầu tại xã Phước Cát 1 trong việc giải quyết lao động nông nhàn cho nông dân trong vùng. Đến nay tổng vốn và tài sản của HTX đã tích lũy được trên 5 tỷ đồng, ông không ngừng cải tiến hệ thống máy móc, nâng cấp phương tiện chuyên chở.
Là chủ nhiệm, ông tích cực đi tìm nguồn nguyên liệu, tìm hợp đồng đầu ra cho sản phẩm. HTX Lê Gia từ chế biến thô trong ngày đầu đến nay đã làm ra thành phẩm hoàn chỉnh. Hiện HTX thường xuyên có việc làm cho trên 24 người trong xã với mức lương trung bình khoảng trên 3 triệu đồng/ tháng; những lúc cao điểm HTX có chừng 40 - 50 người làm việc tại đây.
“Chúng tôi là HTX nhỏ, chịu sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp lớn. Nhưng ưu điểm là chúng tôi gọn nhẹ, linh động, mua hạt điều trong vùng, chế biến hàng cho các đơn vị lớn theo hợp đồng. Trong sản xuất chúng tôi luôn chú ý đến chất lượng sản phẩm nên luôn có đầu ra ổn định” - ông Bảy cho biết.
Một điều ông Bảy tâm đắc nhất sau bao năm đưa HTX đi vào hoạt động chính là việc HTX đã mang lại công việc cho rất nhiều người dân ở đây. “Anh coi, vùng sâu, hầu hết người dân làm ruộng, tùy theo mùa vụ, đâu phải lúc nào cũng có việc cũng ra đồng. HTX có mặt đã cung cấp được việc làm cho bà con trong lúc nông nhàn, có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống” - ông nói.
Hướng đến cộng đồng
Không chỉ là một nông dân sản xuất giỏi, một chủ nhiệm năng động, ông Lê Văn Bảy còn là một người luôn hướng đến cộng đồng, quan tâm đến những người chung quanh, cùng đóng góp để địa phương phát triển.
Trong nhiều năm nay ông Bảy đã đóng góp trên 100 triệu đồng cho các hoạt động của địa phương như xóa nhà tạm, giúp đỡ người nghèo, giúp nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ địa phương làm đường giao thông nông thôn, thăm hỏi gia đình chính sách trong các dịp lễ tết, tặng quà cho các cháu trong dịp Trung thu hằng năm…
Ông còn hướng dẫn nghề và tư vấn việc làm cho nhiều người khó khăn tại địa phương, giúp nhiều trường hợp để học nghề lái xe, học nghề sửa xe cơ giới, nghề hàn tiện, học bảo trì máy móc... Ông còn giúp nhiều trường hợp vượt qua khó khăn bằng cách cho mượn tiền không tính lãi và số tiền mượn này đến nay nếu tính cũng lên đến vài tỷ đồng. Đặc biệt nhiều năm qua ông còn giúp đỡ xe cộ để phục vụ miễn phí trong vùng những dịp tang ma đưa tiễn người quá cố.
Theo ông Võ Trung Linh - Chủ tịch UBND xã Phước Cát 1, ông Lê Văn bảy chính là một tấm gương sáng của xã về nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, một tấm gương vì cộng đồng “Xã hiện có 3 HTX hoạt động nhưng HTX Lê Gia hoạt động rất ổn định và hiệu quả, tạo được công ăn việc làm cho nhiều người trong xã. Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, ông Lê Văn Bảy còn là người có uy tín trong cộng đồng, đóng góp nhiều cho công tác từ thiện nhân đạo của xã, tham gia nhiều hoạt động, đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương vùng sâu như Phước Cát 1 để xã vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016 vừa qua”.
Nhưng với ông Bảy, ông quan niệm đơn giản, giúp người là giúp mình: “Tôi là nông dân, từ ruộng đất mà nên, hiểu được cảnh cực khổ của nông dân trong vùng. Chẳng qua mình có chút may mắn hơn thôi nên giúp người là việc cần phải làm, sống trên đời ơn qua nghĩa lại là chuyện bình thường mà” - ông cười vui.
VIẾT TRỌNG