Bằng sự nỗ lực cố gắng cùng với cách làm sáng tạo, 3 năm học trở lại đây, Trường Mầm non Liên Hiệp (huyện Đức Trọng) đã tạo điều kiện cho trẻ dân tộc thiểu số (DTTS) 5 tuổi phát triển tốt tiếng Việt để chuẩn bị bước vào lớp 1.
Bằng sự nỗ lực cố gắng cùng với cách làm sáng tạo, 3 năm học trở lại đây, Trường Mầm non Liên Hiệp (huyện Đức Trọng) đã tạo điều kiện cho trẻ dân tộc thiểu số (DTTS) 5 tuổi phát triển tốt tiếng Việt để chuẩn bị bước vào lớp 1.
Là thôn vùng sâu, trẻ em DTTS ở Gân Reo 5 tuổi mới bắt đầu đến trường mầm non. Vì vậy, đầu năm học, đa số trẻ chưa biết tiếng Việt. Đây cũng là khó khăn trong việc giáo dục trẻ ở điểm trường Gân Reo.
Trước thực tế này, Ban Giám hiệu Trường Mầm non Liên Hiệp đã cử một giáo viên người DTTS đứng lớp cùng một giáo viên người Kinh. Bắt đầu là những câu chào hỏi, giới thiệu tên… cô giáo K’Loan là người phiên dịch cho các cháu và dạy trẻ trả lời bằng tiếng Kinh. Cùng với cô K’Loan, cô giáo Nguyễn Thị Kim Hương cũng học thêm tiếng dân tộc để hiểu được trẻ nói gì. Mỗi đầu năm học, hai cô giáo dạy những từ tiếng Việt cơ bản nhất như ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày và khuyến khích trẻ dùng tiếng Việt để đối thoại với cô, với bạn.
Để trẻ DTTS làm quen và tiếp thu tiếng Việt dễ dàng nhất, hai cô giáo ở điểm trường Gân Reo đã tận dụng các vật dụng gần gũi, quen thuộc hàng ngày trong đời sống của trẻ như quả bầu, quả bí… Bằng đôi bàn tay khéo léo, các vật dụng đã qua sử dụng biến thành dụng cụ học tập bắt mắt, giúp trẻ dễ hiểu và nhanh chóng tiếp cận tiếng Việt.
Bên cạnh đó, hiểu được tâm sinh lý lứa tuổi mầm non, hai cô giáo đã dùng phương pháp “học mà chơi - chơi mà học” qua các trò chơi để dạy trẻ phát triển tiếng Việt. Hoạt động giúp trẻ được tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh và phát huy khả năng sáng tạo của trẻ, giúp trẻ tự tin trong học tập, giao tiếp sử dụng bằng tiếng Việt.
Việc tổ chức bán trú ở trường cũng tạo điều kiện để nhà trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Từ năm học 2016 - 2017, nhà trường đã xây thêm được một phòng ăn sạch sẽ 36 m
2 bằng việc huy động sự đóng góp gạch, cát, đá, xi măng… từ các mạnh thường quân. Đồng thời, nhà trường phối hợp với phụ huynh trong việc tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ bằng cách góp gạo, gửi tiền ở trường chính để nấu ăn rồi mang vào điểm trường cho trẻ.
Cũng từ năm học này, nhà trường mượn thêm đất của thôn rồi xây tường rào để cơi nới thêm sân chơi, sân tập thể dục riêng cho trẻ. Bằng sự linh hoạt, nhà trường đã chuyển đồ chơi từ trường chính vào điểm trường tạo thành sân chơi có đủ 5 loại đồ chơi ngoài trời theo quy định để trẻ được vui chơi.
Là giáo viên trực tiếp đứng lớp với 100% trẻ là người DTTS, cô giáo Nguyễn Thị Kim Hương chia sẻ: “Trước đây, trẻ ở điểm trường Gân Reo bắt đầu đến lớp thì khả năng sử dụng tiếng Việt rất hạn chế. Giáo viên dạy tiếng Việt cho trẻ phải dùng hình ảnh quen thuộc để minh họa cho trẻ dễ hiểu. Cũng từ khi nhà trường tổ chức bán trú cho trẻ, khi các cháu ăn trưa, trước khi ngủ hay khi vừa thức dậy, cả các hoạt động ngoài trời chúng tôi đều tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt cho trẻ. Đồng thời, trao đổi với phụ huynh về nhà hạn chế sử dụng tiếng địa phương mà dùng tiếng Việt để giao tiếp với trẻ. Chúng tôi cũng tự nguyện dạy cả ngày, mặc dù nhà trường vẫn sắp xếp theo ca để tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, mọi thời gian trên lớp dạy tiếng Việt cho trẻ”.
Hàng năm, Trường Mầm non Liên Hiệp đã phối hợp với Trường Tiểu học Gân Reo để kiểm tra, khảo sát khả năng sử dụng tiếng Việt của trẻ DTTS ở điểm trường sau khi bàn giao trẻ vào mỗi đầu năm học.
Theo đánh giá của Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Gân Reo, cô Hiệu trưởng Phạm Thị Luận cho hay: “Những năm gần đây, Trường Mầm non Liên Hiệp rất quan tâm đến việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS ở điểm trường Gân Reo. Vì vậy, khi nhà trường bàn giao học sinh vào lớp 1, các em có nhiều tiến bộ vượt bậc trong việc sử dụng tiếng Việt. Đặc biệt, các em mạnh dạn hơn, có kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt tốt hơn, điều này cũng giúp trường chúng tôi dễ dàng trong công tác giáo dục học sinh”.
TUẤN HƯƠNG