Quản lý nghiêm các công trình thủy điện

08:04, 03/04/2017

Ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 391/CĐ-TTg gửi các bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường cùng UBND 5 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 391/CĐ-TTg gửi các bộ: Công thương (CT), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng UBND 5 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện (CTTĐ) trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Theo đó, khẩn trương triển khai thực hiện, báo cáo Thủ tướng về kế hoạch và kết quả thực hiện trước ngày 30/6/2017.
 
Công trình Thủy điện Đồng Nai 5 khu vực Bảo Lâm, Lâm Đồng. Ảnh: M.Đạo
Công trình Thủy điện Đồng Nai 5 khu vực Bảo Lâm, Lâm Đồng. Ảnh: M.Đạo
Hoàn thành trồng rừng thay thế trong năm 2017
 
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở NN&PTNT cho biết, các sai phạm liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp của Công ty là tổ chức thi công móng trụ và rải kéo căng đường dây diện 110 KV trên địa bàn xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương khi chưa được phê duyệt hồ sơ tận dụng lâm sản và chưa có quyết định cho phép khai thác tận dụng giải phóng mặt bằng. 

Ngày 11/3/2017, Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 - 2017 đã chỉ ra một số vấn đề bất cập cần tiếp tục quan tâm giải quyết như tác động bất lợi đến môi trường - xã hội của các dự án, CTTĐ. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ CT rà soát quy hoạch thủy điện (TĐ) trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên; kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án, CTTĐ không hiệu quả, không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng xấu tới dòng chảy, môi trường và đời sống người dân. Cùng đó, Bộ CT chỉ đạo việc tạm dừng cấp phép đầu tư các dự án TĐ có tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; thực hiện nghiêm quy định trồng rừng thay thế, kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động với dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Phối hợp với địa phương tăng cường chỉ đạo việc vận hành các hồ chứa TĐ; hoàn thiện các quy trình vận hành còn bất cập. Bộ NN&PTNT chủ trì kiểm tra việc trồng rừng thay thế; yêu cầu trong năm 2017 phải hoàn thành trồng rừng thay thế đối với các CTTĐ đã đưa vào vận hành. Đối với Bộ TN&MT, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về môi trường, các quy trình vận hành liên hồ chứa của các dự án, CTTĐ trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Chủ trì rà soát, hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa, bảo đảm hiệu quả sử dụng tài nguyên nước phục vụ phát điện, cân bằng nước duy trì dòng chảy tối thiểu, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của hạ du, nhất là về mùa khô, cũng như cắt, giảm lũ, hạn chế các tác động tiêu cực trong mùa lũ. Hoàn thiện các quy trình về giám sát và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường tại các dự án, CTTĐ, trong đó có chế tài xử phạt các đối tượng vi phạm các quy định liên quan.

 
Chủ tịch UBND 5 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng phối hợp chặt chẽ với Bộ CT rà soát quy hoạch TĐ tại địa phương. Tăng cường kiểm tra công tác quản lý đầu tư xây dựng các dự án TĐ theo đúng quy định về quản lý chất lượng công trình và bảo vệ môi trường; giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và cho người dân.
 
Được biết, Bộ trưởng Bộ CT Trần Tuấn Anh cũng ban hành Quyết định số 396/QĐ-BCT nhằm siết chặt quản lý các dự án, CTTĐ bằng triển khai Kế hoạch hành động ngay tháng 3/2017. Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan trực thuộc Bộ, Chủ tịch UBND và Giám đốc Sở CT các tỉnh, thành có dự án TĐ, cơ quan, đơn vị liên quan “thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát hiện, khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế, yếu kém, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các dự án, CTTĐ” một cách kịp thời. Đáng tiếc là trong nhiều lần, phóng viên Báo Lâm Đồng đã đăng ký làm việc với Sở CT Lâm Đồng, nhưng đều không thành (?!). 
 
CTTĐ Krông Nô 2: Chờ xử lý các sai phạm?
 
Ngày 30/3, phóng viên Báo Lâm Đồng tiếp tục trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Sơn và Phó Giám đốc Sở TN&MT Lương Văn Ngự để có thông tin chính thức. Như đã phản ánh, việc sai phạm quá trình tích nước gây ngập diện tích rừng của Công ty Cổ phần TĐ Trung Nam Krông Nô (bài viết gọi tắt là Công ty) tại CTTĐ Krông Nô 2 đã được UBND tỉnh Lâm Đồng tích cực chỉ đạo bằng các Văn bản số 8149/UBND-LN ngày 27/12/2016 và 732/UBND-LN ngày 14/2/2017.
 
Mức độ thiệt hại về diện tích và lâm sản gồm: Diện tích tác động là 147.389 m 2, bằng 14,7389 ha. (Trong đó, diện tích 24 móng trụ 11.892 m 2; rà ủi đường: 30.327 m 2 rừng phòng hộ xung yếu; 555 m 2 thuộc quy hoạch ngoài lâm nghiệp. Toàn bộ diện tích bị tác động đã mất hiện trạng, không còn dấu vết gốc cây và không còn lâm sản trên hiện trường. Diện tích tác động cưa trắng 104.615 m 2 (10,4615 ha). Gồm: rừng thông ba lá 5.881 m 2 (0,5881 ha); rừng tự nhiên 98.734 m 2 (9,8734 ha); tất cả thuộc đối tượng rừng phòng hộ xung yếu). Về khối lượng lâm sản thiệt hại là 909,698 m 3 (gồm 51,532 m 3 rừng trồng và 858,166 m 3 rừng tự nhiên, gỗ nhóm từ IV đến VII).       
 
Mặt khác, về việc thực hiện tích nước tại hồ chứa nước thuộc dự án Nhà máy TĐ Krông Nô 2 khi chưa hoàn thành về chuyển mục đích sử dụng rừng, chưa đền bù giá trị tài nguyên rừng. Kiểm tra hiện trường, tổng số bị ngập nước là 30,49 ha; trong đó diện tích có rừng 13,34 ha (gồm 12,48 ha có quyết định cho Công ty thuê và 0,86 ha chưa cho thuê). Căn cứ vào các văn bản pháp quy hiện hành của Nhà nước, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho rằng: Vi phạm trên đã vượt quá mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính, do đó đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo hướng xem xét xử lý hình sự.
 
Đối với các sai phạm liên quan đến lĩnh vực TN&MT, căn cứ Nghị định 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/2/2015 và Quyết định 2075/QĐ-BTNMT ngày 10/11/2011 của Bộ TN&MT, Sở TN&MT Lâm Đồng khẳng định: Công ty đã có sai phạm sau: “Chưa được Bộ TN&MT chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện việc tích nước lòng hồ. Chưa được Bộ TN&MT chấp thuận những thay đổi liên quan đến phạm vi, quy mô, công suất, công nghệ sản xuất, các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của dự án so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt”. Vì vậy, theo ông Lương Văn Ngự, những căn cứ pháp lý để xem xét, xử lý các sai phạm của Công ty là Luật Bảo vệ và phát triển rừng, các Nghị định của Chính phủ số 179/2013 ngày 14/11/2013 và số 155/2016 ngày 18/11/2016. 
 
Cũng thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, tại Văn bản số 262/SCT-QLNL ngày 24/2/2017, Sở Công thương Lâm Đồng gửi Sở NN&PTNT cho rằng: Tổng cục Năng lượng đã phát hiện một số tồn tại và đã lập biên bản, do đó Sở này “không nhắc lại” mà gửi kèm theo biên bản. Vì vậy, Sở Công thương sẽ báo cáo UBND tỉnh khi có kết luận của Tổng cục Năng lượng. 
 
MINH ĐẠO