Triển khai Chỉ thị 13, ra quân vùng rừng giáp ranh

08:04, 25/04/2017

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng", tháng 4, đoàn liên ngành đã triển khai Kế hoạch kiểm tra, truy quét khu vực rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận. Rất cần đúc kết những kinh nghiệm và tiếp tục quan tâm từ những thông tin mà thực tiễn đặt ra.

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý, bảo vệ (QLBV) và phát triển rừng”, tháng 4, đoàn liên ngành đã triển khai Kế hoạch kiểm tra, truy quét (KTTQ) khu vực rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận. Rất cần đúc kết những kinh nghiệm và tiếp tục quan tâm từ những thông tin mà thực tiễn đặt ra.
 
Kết quả đợt truy quét tại rừng huyện Di Linh giáp ranh với huyện Bắc Bình mà PV Báo Lâm Đồng tham gia vào tháng 8/2016. Ảnh: Đạo Phan
Kết quả đợt truy quét tại rừng huyện Di Linh giáp ranh với huyện Bắc Bình mà PV Báo Lâm Đồng tham gia vào tháng 8/2016. Ảnh: Đạo Phan
Nhiều mục đích, ý nghĩa
 
Ngày 27/3, Phó trưởng Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh Lâm Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Sơn ban hành Kế hoạch số 504/KH-BCĐ-KL gửi đến lãnh đạo UBND và Sở NN&PTNT của 2 tỉnh cùng các đơn vị liên quan như Công an, Quân đội, UBND các huyện, kiểm lâm, chủ rừng... Vấn đề đặt ra qua  KTTQ là, ngăn chặn các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép. Từng bước lập lại kỷ cương trong khu vực, hạn chế thấp nhất các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng tại khu vực giáp ranh. Cùng đó, kiểm tra, rà soát xác định các vị trí, tụ điểm về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép và săn bắt động vật hoang dã; làm cơ sở xây dựng phương án QLBVR có hiệu quả tại khu vực rừng giáp ranh.
 
Từ thực tiễn này, xác định lập bản đồ các địa điểm tập trung các quần thể loài động thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao để có biện pháp QLBV các loài này. Ra quân KTTQ cũng hướng đến phát huy tính phối kết hợp hiệu quả giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận, giữa lực lượng kiểm lâm với các cơ quan, đơn vị trong công tác QLBV & PTR vùng giáp ranh. Và chính trong quá trình KTTQ là dịp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức BVR của các tầng lớp nhân dân tại địa phương giáp rừng và đất rừng của 2 tỉnh. 
 
Đối với đoàn trực tiếp KTTQ, nhiều bài học cũng cần được đúc kết để tiếp tục phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế tồn tại. Đó là sự phân công phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất như thế nào giữa lực lượng kiểm lâm với các lực lượng chức năng; công tác chỉ đạo, xử lý các tình huống, tính bí mật, bất ngờ, an toàn và hiệu quả...
 
Và thực tế triển khai 
 
Theo chỉ đạo, đoàn KTTQ được chia 2 tổ, bao gồm khu vực giáp ranh giữa 2 huyện Đức Trọng và Di Linh tỉnh Lâm Đồng với 2 huyện Tuy Phong và Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Cụ thể, đó là các tuyến đường xuất, vận chuyển lâm sản do các đối tượng mở trái phép tại các tiểu khu (TK) 370 Trạm MatSaRa, 371 thuộc BQL RPH Tà Năng; các điểm xảy ra phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển và cất giữ lâm sản trái phép tại TK 678 Đỉnh Xanh, 721, 726 xã Tam Bố, huyện Di Linh; các tuyến đường xuất, vận chuyển lâm sản đến xã Phan Lâm, Phan Tiến, huyện Bắc Bình. 
 
Sau 6 ngày triển khai, ông Lê Đình Việt - Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng (KLCĐ&PCCCR), gọi tắt là Đội 1 - Phó Đoàn kiêm Tổ trưởng KTTQ tại địa bàn huyện Đức Trọng cho biết: Sau khi tiến hành tổ chức trinh sát, nắm địa bàn, vị trí, địa điểm, những tụ điểm tập kết, mức độ thiệt hại về rừng; rà soát, điều tra lập danh sách các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm, quy luật hoạt động tại các TK 370, 371 xã Đạ Quyn và mở rộng trinh sát nắm địa bàn tại TK 289 (trạm MatSaRa) xã Tà Năng, tổ đã ra quân. Kiểm tra công tác QLBVR của BQL RPH Tà Năng từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị này đã ký hợp đồng giao khoán QLBVR 10.316.68 ha giao cho 613 hộ và 2 đơn vị tập thể là Công an huyện Đức Trọng và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng trên địa bàn 2 xã Tà Năng, Đạ Quyn. Từ ngày 5/1 - 5/3, đơn vị phối hợp với kiểm lâm địa bàn, Ban Lâm nghiệp xã Tà Năng và Đạ Quyn tổ chức tuần tra, kiểm tra và phát hiện 4 trường hợp vi phạm Luật BV&PTR. BQL đã chuyển toàn bộ đối tượng vi phạm, tang vật và phương tiện vi phạm để kiểm lâm địa bàn xã Tà Năng trực tiếp lập biên bản vi phạm hành chính và Hạt Kiểm lâm Đức Trọng xác minh xử lý theo thẩm quyền. Cụ thể: Khai thác rừng trái phép 1 vụ tại khoảnh 15, TK 354A thu hồi 1,223 m3 gỗ tròn Thông hai lá. Vận chuyển lâm sản trái pháp luật 3 vụ: thu giữ 0,760 m3 gỗ (Thông ba lá, Cẩm và Hương), thu giữ 2 xe máy chế độ và 1 xe ô tô Huyn Dai. 
 
Về trực tiếp KTTQ của Tổ, ông Việt cũng cho biết: Tổ tiến hành kiểm tra dọc các tuyến đường mòn, đường nhánh, khe suối, tại các TK 289, 370, 371 thuộc lâm phần do Ban QLRPH Tà Năng (ngoài các vụ vi phạm Ban QLR đã lập biên bản) nhưng không phát hiện các vụ vi phạm Luật BV&PTR mới xảy ra. BQLRPH Tà Năng đã tiến hành giải tỏa diện tích 7,2 ha cây cà phê do các hộ dân tự trồng trên đất lâm nghiệp lấn chiếm trái phép. Tuy nhiên, trong quá trình tuần tra tại các tuyến đường mòn vẫn có dấu vết mới của các xe cải tiến vận chuyển lâm sản từ khu vực giáp ranh tỉnh Bình Thuận về hướng TK 367 thuộc xã Đà Loan của huyện Đức Trọng theo tuyến đường mới phát hiện qua đợt kiểm tra (!). Đoàn cũng đã phát hiện và lập biên bản 3 vị trí tàng trữ lâm sản trái phép (vắng chủ) tại xã Đạ Quyn với khối lượng 2,78 m3 gỗ các loại (SP và Hương). 
 
Đối với địa bàn huyện Di Linh, Phó đoàn, kiêm Tổ trưởng - Đội trưởng Đội KLCĐ & PCCCR Số 2 Đồng Văn Tuyên cho biết, qua 2 ngày KTTQ theo tuyến đường từ Trạm BVR cụm TK 678 của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp đến các TK 679, 701, 702, 725 và 726, tại TK 679 có vết xe cơ giới và được biết 3 ngày trước có xe chở không đi vào rừng và được Công ty yêu cầu quay ra. Ông Tuyên cho rằng, tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại vùng giáp ranh giữa huyện Di Linh với huyện Bắc Bình “vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, các đối tượng thường xuyên cắt cử người căn phục lực lượng BVR để lén lút đưa phương tiện cơ giới vào rừng”. 
 
Sau đợt ra quân KTTQ cho thấy, thực tế đang đòi hỏi các chủ rừng (Ban QLRPH Tà Năng và Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Tam Hiệp); các cấp ủy, chính quyền huyện và xã; các đơn vị như kiểm lâm, công an... cần tiếp tục tăng cường quyết liệt hơn trong công tác QLBVR vùng giáp ranh với tỉnh Bình Thuận. Mặt khác, tính hiệu quả luôn đặt ra trong công tác KTTQ thì tình hình ngăn chặn hành vi vi phạm Luật BV&PTR mới thực sự đạt kết quả như mong muốn. 
 
ĐẠO PHAN