Xây dựng Lâm Đồng thành trung tâm cây dược liệu và nấm Đông trùng hạ thảo

09:04, 24/04/2017

Theo định hướng tại Quyết định 2777/QĐ-UBND ngày 24/12/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc Ban hành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 đã xác định phấn đấu xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm cây dược liệu và trung tâm sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo ở Việt Nam và thế giới.

Theo định hướng tại Quyết định 2777/QĐ-UBND ngày 24/12/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc Ban hành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 đã xác định phấn đấu xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm cây dược liệu và trung tâm sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo ở Việt Nam và thế giới.
 
Phòng chẩn trị YHCT Tuệ Tĩnh đường Linh Quang nhận 90% nguồn thuốc từ bệnh nhân thu hái dược liệu tự nhiên cung cấp. Ảnh: A.N
Phòng chẩn trị YHCT Tuệ Tĩnh đường Linh Quang nhận 90% nguồn thuốc từ bệnh nhân thu hái dược liệu tự nhiên cung cấp. Ảnh: A.N
Thiên nhiên ưu đãi cho Lâm Đồng có điều kiện thích hợp phát triển đa dạng cây trồng như rau, hoa, chè, cà phê, cây đặc sản… Trong đó, cây dược liệu là cây phù hợp cho phát triển tại Lâm Đồng cả về quy mô và chất lượng. Theo thống kê toàn tỉnh có trên 300 ha cây dược liệu, chủ yếu là cây Atisô, Diệp hạ châu, Đảng sâm, Đương quy… Riêng Atisô là cây dược liệu đặc sản được nhiều công ty sử dụng làm nguyên liệu sản xuất ra các loại thuốc, trà, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có giá trị trong khám chữa bệnh, thực phẩm và có giá trị xuất khẩu với một số sản phẩm chiến lược như cao khô Atisô, trà túi lọc Atisô... đến một số quốc gia trên thế giới. Một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, qui trình công nghệ tiên tiến, xây dựng nhà máy đông dược đạt chuẩn GMP-WHO để sản xuất cao khô Atisô nguyên liệu và mở rộng phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn GACP.
 
Theo Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, vùng núi trung bình có khí hậu á nhiệt đới, trong đó có Lâm Đồng (Đà Lạt) phát triển trồng 12 loài dược liệu bao gồm 5 loài bản địa: Bình vôi, Đảng sâm, Hà thủ ô đỏ, Tục đoạn, Ý dĩ và 7 loài nhập nội: Atisô, Bạch truật, Bạch chỉ, Dương cam cúc, Đỗ trọng, Đương quy, Huyền sâm với diện tích trồng khoảng 3.150 ha. Ưu tiên phát triển các loài: Bạch Truật, Đỗ trọng và Atisô. 
 
Theo quy hoạch này, hiện nay Lâm Đồng chỉ có cây Actiso, tuy nhiên thực tế Lâm Đồng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển sản xuất nuôi trồng nhiều loại cây dược liệu khác. 
 
Các cây dược liệu tại Lâm Đồng hầu hết là cây mọc trong tự nhiên, một số cây dược liệu được đưa vào trồng, sản xuất với quy mô lớn, mang tính chất hàng hóa như: Cây Atisô, toàn tỉnh ước khoảng 130 ha, được trồng chủ yếu ở Đà Lạt, Lạc Dương, để phục vụ sản xuất cao khô, cao mềm là nguyên liệu dùng sản xuất thuốc (với 10 sản phẩm thuốc dược liệu đã được cấp phép lưu hành trên toàn quốc của Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng), chế biến các loại trà và một phần cây tươi, hoa tươi dùng để làm thực phẩm.
 
Cây Diệp hạ châu được trồng ở huyện Cát Tiên với diện tích khoảng 20 ha, năm 2016, cây Diệp hạ châu được trồng tại Cát Tiên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Quyết định số 20321/QĐ-SHTT ngày 13/4/2016.
 
Các loại cây Đảng sâm, Đương quy, Cỏ ngọt, Phúc bồn tử, Bồ công anh, sâm Ngọc Linh, Thông đỏ, nấm Linh Chi đỏ, nấm Đông trùng hạ thảo… được nhân giống và trồng với qui mô vừa và nhỏ ở một số địa phương như Đà Lạt, Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng… với mục đích thương mại và nghiên cứu, nhưng sản lượng không nhiều, sản phẩm sau chế biến chỉ có một số loại như trà, dược liệu khô, dược liệu tươi đáp ứng phần nào nhu cầu người tiêu dùng trong nước và một phần nhỏ xuất khẩu. Ngoài ra, Lâm Đồng còn có một số loại cây khác như Cúc hoa, Đinh lăng, Chè dây, Sa nhân, Lan gấm, Chè vàng, Tỏi cô đơn, Hoàng liên ô rô, Huyết đằng lông, Canh ki na,… được trồng với diện tích nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình hoặc công tác nghiên cứu, thử nghiệm.
 
Trong những năm qua, việc nuôi trồng phát triển sản xuất cây dược liệu tại Lâm Đồng luôn được quan tâm lồng ghép thực hiện trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, một số chương trình thực hiện như: Trong năm 2011 - 2012, từ nguồn vốn của Dự án cạnh tranh nông nghiệp đã hỗ trợ hình thành liên minh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây Atisô giữa Công ty Trà atisô Ngọc Duy và 43 hộ sản xuất, đến nay, liên minh này vẫn còn hoạt động. Ưu tiên bố trí nguồn ngân sách thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, thử nghiệm trồng, sản xuất cây dược liệu tại Lâm Đồng: Từ năm 2010 - 2016, đã có 6 đề tài nghiên cứu liên quan đến cây dược liệu được thực hiện tại Lâm Đồng. Trong đó, 2 đề tài “Nghiên cứu, đánh giá khả năng khai thác và sử dụng cây Đảng sâm (Codonopsis javanica) tại Lâm Đồng làm dược liệu” và đề tài “Nghiên cứu nuôi cấy nấm Đông trùng hạ thảo tại Lâm Đồng” đã góp phần đáng kể trong việc phát triển 2 nguồn dược liệu quý này tại Lâm Đồng. Hỗ trợ phát triển sản xuất và xây dựng nhãn hiệu Diệp hạ châu tại Cát Tiên Lâm Đồng, ngày 13/4/2016, “Diệp hạ châu Cát Tiên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Quyết định số 20321/QĐ-SHTT.
 
Theo định hướng tại Quyết định 2777/QĐ-UBND ngày 24/12/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc Ban hành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 đã xác định như sau: Tiếp tục phát triển một số cây dược liệu đặc hữu của địa phương như: Atisô, Cỏ ngọt, Diệp hạ châu, sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, nấm Đông trùng hạ thảo, nấm Linh chi đỏ… Dự kiến đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có khoảng 300 ha cây dược liệu, trong đó Atisô khoảng 125 ha, Cỏ ngọt 50 ha, Thông đỏ 30 ha, Diệp hạ châu 70 ha và một số cây khác, gắn phát triển vùng nguyên liệu, chế biến với các hoạt động du lịch, thương mại. Hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển dự án trồng dược liệu dưới tán rừng tại khu vực huyện Lạc Dương trên cơ sở phát triển những giống cây dược liệu đặc hữu, có giá trị kinh tế cao. Phấn đấu xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm cây dược liệu và trung tâm sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo ở Việt Nam và thế giới. 
 
Theo Phòng Nghiệp vụ Y Dược - Sở Y tế Lâm Đồng, để cây dược liệu phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đạt được những mục tiêu theo định hướng tại Quyết định 2777/QĐ-UBND đã xác định, cần thực hiện một số giải pháp sau: Ưu tiên phát triển sản xuất Atisô, Đảng sâm, Đương quy theo hướng có chứng nhận VietGAP, ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng giống, năng suất, chất lượng sản phẩm và đầu tư công nghệ phơi sấy, chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ưu tiên đầu tư phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến các loại dược liệu có hiệu quả kinh tế cao như: Nấm Linh chi, Đông trùng hạ thảo, sâm Ngọc Linh. Quy hoạch vùng sản xuất và phát triển thương hiệu cho một số sản phẩm hiện đang được sản xuất với diện tích lớn: Atisô, Diệp hạ châu, Đảng Sâm, Đương quy. Nghiên cứu xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất các nguồn dược liệu mang tính đặc hữu tại Lâm Đồng: Thông đỏ, Lan gấm, Linh chi đỏ,… Phát triển sản xuất cây dược liệu theo mô hình nông lâm kết hợp như: Sa nhân dưới tán rừng, Đảng sâm dưới tán rừng… Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát hiện, khai thác và phát triển bảo tồn nguồn gen các loài dược liệu quý tại Lâm Đồng. 
 
Tiếp tục triển khai và thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ và ưu đãi về nguồn vốn, thuế, đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển thương hiệu như sau: Thực hiện các chính sách ưu đãi về miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất, thuế doanh nghiệp; các chính sách hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ cho dự án phát triển cây dược liệu theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP, ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện các chính sách ưu đãi đặc thù theo Quyết định 1528/QĐ-TTg, ngày 3/9/2015 ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Thực hiện các chính sách về liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg, ngày 25/10/2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Thực hiện chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất theo hướng có chứng nhận cho một số loại cây dược liệu thực phẩm theo Quyết định 67/2014/QĐ-UBND ngày 10/12/2014 ban hành quy định về nội dung, danh mục và mức hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
 
AN NHIÊN