Gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người" và có đến 23 năm làm giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Lê Thị Thùy Vân - Trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Dương luôn dành cả tấm lòng cho những học trò phải xa gia đình để theo đuổi "con chữ".
Gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” và có đến 23 năm làm giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Lê Thị Thùy Vân - Trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Dương luôn dành cả tấm lòng cho những học trò phải xa gia đình để theo đuổi “con chữ”.
|
Cô Vân (đứng, thứ hai từ phải qua) cùng lớp 6B đến thăm gia đình Ma Dian định kỳ hàng tháng. Ảnh: T.Hương |
Năm học 2016 - 2017 này, đều đặn hàng tháng, cô Vân cùng học sinh lớp 6B do cô chủ nhiệm lại đến thăm gia đình một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong câu chuyện của cô đượm buồn từng câu kể: “Suốt 23 năm làm công tác chủ nhiệm, đây là lần đầu tiên tôi gặp một tình huống mà bản thân phải suy nghĩ, trăn trở, phối hợp nhiều nhất mới tìm được cách giải quyết tức thời. Đó là trường hợp một học sinh trong lớp - em Rơ Ông Ma Dian mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cô bé hồn nhiên cứ nghĩ bà là mẹ vì sống với ông bà từ nhỏ nên khi khai trong lý lịch đầu năm em vẫn khai là còn mẹ. Trong lớp 30 học sinh thì có đến 20 em có hoàn cảnh khó khăn nên tôi cũng không chú ý riêng trường hợp Ma Dian. Chỉ đến khi trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, ông của Ma Dian đứng dậy trình bày hoàn cảnh, tôi mới biết em không còn cha mẹ. Ngay chiều hôm ấy, tôi đến thăm gia đình em thì thấy hoàn cảnh thật đáng thương. Cuộc đời quá khắc nghiệt với Dian khi hai người em của trò lại bị tàn tật, ông bà ngoại phải phục vụ hàng ngày nên không làm được gì kiếm sống. Cả gia đình năm người sống nhờ số tiền hơn 2 triệu đồng trợ cấp của Nhà nước. Ma Dian đã nghĩ đến chuyện bỏ học. Tôi đã phải động viên em rất nhiều. Rồi tôi nói chuyện này trước lớp 6B, cả lớp ai cũng chia sẻ với hoàn cảnh của Ma Dian và tự nguyện đóng góp mỗi tháng mười ngàn đồng mỗi em để hỗ trợ cho gia đình Ma Dian. Tôi cũng trích lương của mình để cùng cả lớp hàng tháng có một khoản tiền giúp gia đình Ma Dian. Tôi nghĩ rằng, đây cũng là việc làm để giáo dục học sinh biết quan tâm và chia sẻ với những người khó khăn hơn mình. Sau đó, tôi bàn bạc với chi hội phụ huynh lớp và báo cáo với nhà trường về hoàn cảnh của Ma Dian, tất cả cùng hưởng ứng quyên góp giúp đỡ gia đình cô trò nhỏ”.
Không dừng lại ở đó, cô Vân đã liên hệ nhiều nơi để tìm cách giúp đỡ gia đình Ma Dian. Bởi điều cô trăn trở nhất là ông bà của em đã lớn tuổi, rồi đây ai sẽ cưu mang Ma Dian và hai người em tàn tật.
Là giáo viên chủ nhiệm lớp của những học trò DTTS xa nhà, cô Vân luôn dành cho các em tình thương của người mẹ. Cô động viên, gần gũi để vơi đi nỗi nhớ nhà của các em những ngày đầu năm xa nhà đến ở nội trú. Cô dạy bảo học trò những điều trong cuộc sống hàng ngày khi sống tự lập. Đối với học sinh dân tộc nội trú, cô như người mẹ luôn yêu thương các con. “Lần em bị ốm, cô Vân là người đưa em đi bệnh viện, cô chăm sóc em khi người nhà em chưa lên kịp. Em luôn xem cô như người mẹ của mình”, Rơ Ông Guót Lộc chia sẻ.
Năm học nào cũng vậy, cứ dịp đầu năm, qua các phiếu khai lý lịch, cô Vân tìm hiểu hoàn cảnh từng học trò và sắp xếp đến thăm gia đình từng em, nhiều nhà cách trường hơn 50 cây số. Điều mà cô làm được nhiều nhất trong suốt 23 năm với vai trò giáo viên chủ nhiệm là giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến lớp. Cô cũng là người tích cực đi vận động mỗi khi có học sinh muốn nghỉ học. Suốt những năm làm chủ nhiệm, lớp của cô luôn duy trì sĩ số 100%. Từ những học trò nhút nhát, các em học sinh dân tộc sống xa nhà dần mạnh dạn, tự tin và biết chia sẻ, quan tâm đến các bạn xung quanh. Chất lượng hạnh kiểm cũng như học lực của học sinh được nâng dần so với đầu năm học.
Nhiều năm liền, cô đạt giáo viên giỏi cấp cơ sở, cấp huyện, đạt thành tích xuất sắc trong phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” 15 năm liền, đoạt giải trong các cuộc thi làm đồ dùng dạy học... Mới đây nhất, cô đạt thành tích xuất sắc trong hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp huyện và giải ba cấp tỉnh khi hội thi này lần đầu tiên được tổ chức. Nói về cô Vân, Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Dương - Hoàng Thị Cúc Huyền khẳng định: “Cô Vân là một giáo viên rất có trách nhiệm, được nhiều học sinh quý mến. Lớp cô chủ nhiệm luôn đạt thành tích cao trong học tập cũng như qua các hội thi do nhà trường tổ chức. Cô cũng là người luôn quan tâm, động viên và giúp đỡ học sinh dân tộc nội trú để các em có những kỹ năng cần thiết khi sống xa nhà. Đặc biệt, cô rất chú ý đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để có hướng hỗ trợ kịp thời, giúp các em yên tâm học tập”.
TUẤN HƯƠNG