Cựu chiến binh học và làm theo Bác

08:05, 31/05/2017

Theo chân bà Trần Thị Nụ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm), tôi tìm đến nhà ông Mẫn Văn Tách tại thôn 4, xã Lộc Phú. Ở tuổi 72, ông Tách vẫn còn khỏe mạnh và luôn giữ tác phong của một người lính.

Theo chân bà Trần Thị Nụ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm), tôi tìm đến nhà ông Mẫn Văn Tách tại thôn 4, xã Lộc Phú. Ở tuổi 72, ông Tách vẫn còn khỏe mạnh và luôn giữ tác phong của một người lính.
 
Cựu chiến binh Mẫn Văn Tách
Cựu chiến binh Mẫn Văn Tách
Quê gốc là huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, nhưng ông Tách lớn lên ở tỉnh Thái Nguyên. Năm 1962, khi mới 17 tuổi, ông đã tham gia dân quân hỏa tuyến. Sau đó, ông trở về công tác tại địa phương. Năm 1979, chiến tranh biên giới xảy ra, ông Tách lại xung phong đi làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Khi chiến tranh kết thúc, ông về lại quê nhà. 
 
Thế rồi, năm 1995, ông Tách cùng vợ con từ Thái Nguyên chuyển đến thôn 4 (xã Lộc Phú) lập nghiệp. Tại đây, với số tiền mang theo, ông mua được 3 ha đất trồng chè và 4 con bò để phát triển kinh tế gia đình. “Mới đầu, gia đình tôi gặp không ít khó khăn, thiếu thốn tại vùng đất mới này. Khó khăn thứ nhất là sự khác biệt về phong tục tập quán. Vì ở đây chủ yếu là người dân tộc Mạ sinh sống. Khó khăn tiếp theo là chưa quen với việc trồng cây công nghiệp. Thay vì trồng lúa nước như trước kia thì nay lại trồng cây chè, cây cà phê”, ông Tách chia sẻ. 
 
Tuy nhiên, với bản lĩnh của “Bộ đội Cụ Hồ” không sợ khó, ngại khổ, ông đã động viên con cái trong gia đình trồng thêm đậu, thêm bắp, cốt lấy ngắn nuôi dài, nhất là tập trung chăm sóc cho 3 ha chè. Những lúc rảnh rỗi, ông Tách lại cùng vợ con đi làm mướn kiếm thêm tiền tích lũy. Trong khoảng thời gian này, những diện tích chè kém năng suất, ông chuyển sang trồng cây cà phê, rồi chuyển hẳn sang trồng cà phê. Cùng với đó, ông Tách mua thêm 12 ha đất để trồng cà phê. “Hiện tại, gia đình tôi có 15 ha đất trồng cà phê. Trong đó, 10 ha cà phê đang cho thu hoạch”, ông cho biết. 
 
Theo ông Tách, năm 2016, 10 ha cà phê của gia đình ông cho sản lượng 40 tấn. Từ chỗ có nguồn thu nhập cà phê ổn định, ông Tách sắm sửa thêm các công cụ khác để hỗ trợ sản xuất, như ô tô (7 chiếc), máy đào (7 cái), máy cày (1 cái) và 4 cái máy tưới. Ngoài ra, gia đình ông còn kinh doanh thêm tạp hóa, vật liệu xây dựng, phân bón, thu mua chè tươi... “Mỗi năm, gia đình tôi thu về khoảng 4 tỷ đồng (sau khi đã trừ các khoản chi phí)”, ông Tách nói. 
 
Có được của ăn của để, ông lại tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 - 20 lao động, cũng như giúp đỡ, tạo điều kiện để K’Hoàng Thái (một người trong thôn) thoát nghèo.
 
Nhận xét về cựu chiến binh Mẫn Văn Tách, bà Trần Thị Nụ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lộc Phú nói: “Ông Mẫn Văn Tách không chỉ là một cựu chiến binh gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình, mà còn tích cực tham gia công tác đoàn thể, được bà con trong thôn, xã quý mến. Hiện, ông Tách là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn 4, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn 4 và là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Lộc Phú”. 
 
Theo bà Nụ, dù ở cương vị nào, cựu chiến binh Mẫn Văn Tách vẫn giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ biết trân trọng lịch sử vẻ vang của dân tộc. Tất nhiên, ông vẫn không ngừng chăm lo phát triển kinh tế gia đình để qua đó góp phần xây dựng và phát triển quê hương.  
 
Ghi nhận sự đóng góp của cựu chiến binh Mẫn Văn Tách, các cấp hội đã tặng ông nhiều giấy khen, bằng khen; trong đó, có bằng khen của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam vào năm 2011.
 
TRỊNH CHU