Để đô thị Đà Lạt không những không mất đi nét đặc thù của "chiếc máy điều hòa khổng lồ" nhờ "thành phố (TP) trong rừng, rừng trong TP", mà còn ngày càng cần được nâng giá trị hệ sinh thái quý báu này qua công tác phát triển rừng từ trồng rừng, trồng cây phân tán.
Để đô thị Đà Lạt không những không mất đi nét đặc thù của “chiếc máy điều hòa khổng lồ” nhờ “thành phố (TP) trong rừng, rừng trong TP”, mà còn ngày càng cần được nâng giá trị hệ sinh thái quý báu này qua công tác phát triển rừng từ trồng rừng, trồng cây phân tán (CPT).
|
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham gia trồng CPT năm 2017 tại Bệnh viện Nhi (Đà Lạt). Ảnh: Minh Đạo |
Trồng trên 70 ngàn cây phân tán
Năm 2017, TP Đà Lạt đã đặt ra chỉ tiêu về phát triển rừng, bao gồm: trồng rừng thay thế, trồng rừng sau giải tỏa 158 ha; trồng CPT hơn 70.400 cây; xúc tiến tái sinh rừng 95,79 ha; chăm sóc rừng trồng đối với năm 2 là 169 ha, năm 3 là 88,83 ha và năm 4 là 110,8 ha.
Riêng kế hoạch trồng CPT năm 2017 trên địa bàn TP được căn cứ vào Quyết định số 2309/QĐ-UBND ngày 25/10/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng và Văn bản số 2108/UBND ngày 4/4/2017 của UBND TP Đà Lạt. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (HKL) Đà Lạt Võ Thanh Sơn cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch cụ thể và đã ra quân triển khai 2 đợt vào tháng 5. “Mục đích của việc trồng CPT trên địa bàn TP, trước hết, nhằm nâng cao ý thức của CB, đảng viên, HSSV và nhân dân trong việc học tập tấm gương đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh về trồng cây, bảo vệ cây trồng, bảo vệ rừng, góp phần tạo cảnh quan, cải thiện môi trường sinh thái”, ông Sơn cho biết. Theo đó, thông qua việc phát triển của CPT, góp phần quan trọng tăng độ che phủ của rừng trên địa bàn TP, dần dần thay thế những cây xanh đã già cỗi, khô chết, ngã đổ hàng năm do mưa bão. Mặt khác, trồng CPT cũng nhằm bổ sung để che phủ những phần diện tích đất trống, đất sản xuất nông nghiệp, hạn chế những phần đất trống trong quy hoạch lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép...
Vấn đề quan trọng sau khi trồng là giữ được tỷ lệ sống (TLS) cao, đảm bảo phát triển tốt. Để đạt được mục đích và yêu cầu như nêu trên, vai trò tham mưu cho UBND TP của HKL rất quan trọng. Từ đó, có những nội dung công việc cụ thể về tuyên truyền, vận động sâu rộng đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, UBND các phường (xã), các khu phố, thôn, các trường học, các cơ sở tôn giáo... Nội dung tuyên truyền phải cụ thể như kế hoạch trồng cây, chủng loại, số lượng cây giống, tiến hành đăng ký, làm thủ tục nhận cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng...
Căn cứ trên những địa điểm mà các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đăng ký, HKL Đà Lạt đã tiến hành kiểm tra để phân bổ số lượng cây, chủng loại cây, hướng dẫn trồng, chăm sóc và bảo vệ. Năm 2017, trên địa bàn TP, các địa điểm trồng CPT chủ yếu tập trung trong khuôn viên công sở, trường học, dọc quốc lộ 20, tỉnh lộ 723, tuyến đường Đà Lạt - Tà Nung; dọc các tuyến giao thông liên thôn, liên khu phố mới mở chưa trồng cây; diện tích đất trống tại các khu du lịch, các dự án; vùng ven diện tích các khu sản xuất nông nghiệp,.. Đó còn là những diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép đã và đang được giải tỏa.
Số liệu từ HKL Đà Lạt cung cấp: sau khi đơn vị này làm việc với các cơ sở gieo ươm giống trên địa bàn, đến nay đã đủ số lượng, chủng loại cây giống, đảm bảo đúng quy cách, chất lượng. Cụ thể, hơn 80.000 cây, gồm: Thông 3 lá, Mai anh đào, Ngân hoa, Phượng tím, Tùng... Hiện đã mua tại các vườn ươm 70.409 cây (Thông 3 lá 15.648 cây; Mai anh đào 41.810 cây; Ngân hoa 22.000 cây; Phượng 22.000 cây và các loại khác 100.000 cây). Về quy cách, đường kính cổ rễ của Thông 3 lá 1,0-1,5 cm; Mai anh đào 0,7-1,2 cm; Ngân hoa và Phượng tím 0,5-1,0 cm; các loại khác 1,5-2,0 cm. Chiều cao của Thông 3 lá từ 0,9-1,5 m; Mai anh đào 1,2-1,6 m; Ngân hoa và Phượng 1,0-1,2 m; các loại khác 1,2-1,5 m. Tổng kinh phí bao gồm mua, vận chuyển và quản lý là hơn 2.441 triệu đồng.
Để thực hiện nhiệm vụ trồng CPT trên địa bàn TP thực sự hiệu quả cao, ông Võ Thanh Sơn chia sẻ: Hạt đồng thời triển khai nhiều công việc trước, trong và sau tháng hành động trồng cây, như tuyên truyền, vận động; cấp phát giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây giống; lập các thủ tục giao nhận giống sau khi các đơn vị đã cuốc hố; nghiệm thu cây giống trước khi xuất cho các đơn vị và sau khi trồng... Mặt khác, cử cán bộ nghiệp vụ kết hợp Kiểm lâm địa bàn tiến hành kiểm tra vị trí, địa điểm. “Sau khi hoàn thành việc trồng cây, Hạt chúng tôi sẽ tiến hành khoanh vẽ, cập nhật vị trí trồng cây để làm cơ sở kiểm tra, giám sát và lập thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán theo quy định”, ông Sơn cho biết.
Tính đến ngày 19/5, trên địa bàn TP Đà Lạt đã trồng được 11.465 cây; gồm: Mai anh đào 976 cây; Thông 3 lá 1.150 cây; Ngân hoa 215 cây; Phượng tím 340 cây. Số cây trên thuộc 11/31 cơ quan, đơn vị đăng ký nhận giống trồng năm 2017. Theo danh sách, địa phương đăng ký nhận nhiều nhất là Phường 4 với 6.000 cây; Phường 8 với 4.500 cây; các xã: Xuân Trường 2.940 cây, Tà Nung 2.800 cây. Đơn vị nhận số lượng lớn nhất là Công ty cổ phần Sacom Tuyền Lâm 25.000 cây (15.000 cây Mai anh đào và 10.000 cây Thông 3 lá).
Ông Võ Thanh Sơn cho rằng: Từ nay trở đi, thời tiết đã thuận lợi cho công tác trồng CPT, vì vậy các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nếu thấy phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện của từng đơn vị, từng địa phương vào thời gian nào thì HKL Đà Lạt sẽ cung cấp giống kịp thời để triển khai trồng vào thời gian đó.
Độ che phủ rừng 51% vào năm 2020
TP Đà Lạt hiện có 26.182 ha đất lâm nghiệp, gồm 20.914 ha rừng phòng hộ và 5.268 ha rừng sản xuất. Năm 2016, tỷ lệ độ che phủ rừng của Đà Lạt đạt 47,6%. Để đạt độ che phủ 51% vào năm 2020 theo Nghị quyết số 02/NQ-THU của Thành ủy, Đà Lạt đồng thời thực hiện quyết liệt nhiều kế hoạch và giải pháp, trong đó có nhiệm vụ trồng mới rừng và trồng CPT.
Nhìn lại quá trình triển khai thực hiện công tác trồng rừng, trồng CPT, cây che bóng trên địa bàn TP Đà Lạt từ năm 2011 đến 2016, đáng ghi nhận nhất là TLS (tính đến cuối năm 2016) ngày càng cao. Với kế hoạch 204.330 cây, Đà Lạt đã thực hiện được 249.923 cây; số cây sống 190.035 cây (gồm Thông 3 lá, Mai anh đào, Ngân hoa, Phượng tím, Long não, Tùng búp...). Cụ thể hơn, năm 2011 trồng được 26.558 cây, TLS 65%; năm 2012 trồng 50.280 cây, TLS 65%; năm 2013 trồng 46.183 cây, TLS 75%; năm 2014 trồng 30.642, TLS 75%; năm 2015 trồng 41.626 cây, TLS 80% và năm 2016 trồng 54.634 cây, TLS đạt 90%.
Với sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, từ tỉnh đến TP; những kinh nghiệm về tổ chức, quản lý và ý thức của cộng đồng ngày một nâng lên, tin rằng năm 2017 nhiệm vụ trồng CPT trên địa bàn TP Đà Lạt sẽ tiếp tục gặt hái thành công như mong đợi. Nhiệm vụ trồng CPT sẽ góp phần quan trọng để TP hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Thành ủy Đà Lạt đặt ra trong giai đoạn 2016-2020. Đó là: Giữ vững diện tích rừng hiện có; giai đoạn 2016-2020 phấn đấu trồng mới, khoanh nuôi tái sinh khoảng 600 ha; trồng 200.000 CPT và đến năm 2020 độ che phủ rừng đạt 51%. Hàng năm giảm ít nhất 10% mức độ thiệt hại về: diện tích rừng bị xâm hại, bị cháy; khối lượng lâm sản và diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm so với năm trước.
MINH ĐẠO