Bên cạnh các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) của Chính phủ và các bộ, ngành… thì Lâm Đồng cũng có một số chính sách ưu đãi khác.
Bên cạnh các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) của Chính phủ và các bộ, ngành… thì Lâm Đồng cũng có một số chính sách ưu đãi khác.
|
Tôn vinh các nhà giáo, CBQLGD tiêu biểu để ghi nhận những đóng góp của họ cho sự nghiệp giáo dục |
Chính sách ưu đãi của địa phương
Lâm Đồng nằm ở phía Nam Tây Nguyên, với đặc điểm địa bàn rộng, nhiều đồi núi, có nhiều đơn vị trường học thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ngoài việc thực hiện các chế độ, chính sách chung áp dụng trên toàn quốc như chế độ phụ cấp chức vụ, trách nhiệm… đội ngũ nhà giáo và CBQLGD còn được thụ hưởng một số chính sách đặc thù của ngành như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên… giúp họ yên tâm công tác và gắn bó với nghề.
Từ năm 2014 đến nay, Sở GDĐT và các Phòng GDĐT thực hiện phân cấp quản lý đã tham mưu các cấp có thẩm quyền tuyển dụng đặc cách viên chức đối với nhà giáo và nhân viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại các trường học. Mặt khác, tỉnh đã thực hiện các chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhân tài phục vụ trong ngành giáo dục như tuyển dụng đặc cách những giáo viên đang giảng dạy hợp đồng (chưa đủ thời gian quy định) đối với những người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc…
Bên cạnh đó, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo và CBQLGD thực hiện theo Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020. Hàng năm, ngành GDĐT đều xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục theo giai đoạn và từng năm. Từ đó, các đơn vị đã cử nhà giáo, CBQLGD tham gia các đợt tập huấn để nâng cao nghiệp vụ, trình độ chuyên môn, đáp ứng chuẩn và nâng chuẩn.
|
Một tiết học tại Trường THPT chuyên Thăng Long. Ảnh: V.Báu |
Vẫn còn nhiều bất cập
Để đạt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Giáo dục và địa phương giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ Lâm Đồng lần thứ X đề ra chỉ tiêu về GDĐT: đến năm 2020, phấn đấu có 80% giáo viên mầm non và 95% giáo viên tiểu học đạt trình độ cao đẳng trở lên; có 72,5% giáo viên THCS đạt trình độ đại học trở lên, 15% giáo viên THPT đạt trình độ thạc sĩ trở lên và 50% giảng viên các trường cao đẳng có trình độ thạc sĩ trở lên; bình quân mỗi năm đào tạo nâng chuẩn từ 1,5% đến 2% trên tổng số giáo viên đạt chuẩn theo từng cấp học, bậc học. |
Tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và CBQLGD giai đoạn 2010 - 2016, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa 14 ghi nhận: Đội ngũ nhà giáo và CBQLGD tỉnh Lâm Đồng thời gian qua đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng; cơ cấu hợp lý; bố trí giáo viên cơ bản đúng chuyên ngành đào tạo. Phần lớn nhà giáo giữ vững phẩm chất đạo đức và tư tưởng chính trị, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập của địa phương, góp phần quan trọng trong việc duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh. Các chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và CBQLGD được thực hiện tương đối đầy đủ và đúng quy định, đa số ổn định cuộc sống và yên tâm với nghề.
Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, một bộ phận giáo viên và CBQLGD còn bộc lộ một số hạn chế về năng lực và động lực đổi mới. Công tác bồi dưỡng thường xuyên có chỗ còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả, trong đó, chính sách khuyến khích và hỗ trợ giáo viên học tập nâng cao trình độ còn nhiều bất cập vì theo Thông tư số 139 của Bộ Tài chính, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng không chi học phí. Điều này dẫn đến khó khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, chính sách đối với nhà giáo và CBQLGD chưa đủ mạnh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm nghề nhà giáo. Các chính sách còn chồng chéo, dẫn đến việc nhầm lẫn và lúng túng khi áp dụng tại địa phương, cơ sở. Một số chính sách đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chưa được thay thế như chế độ tuyển dụng giáo viên vẫn gắn với Luật Viên chức, điều này đã không đáp ứng thực tiễn đối với giáo viên của ngành Giáo dục. Đại diện Sở GDĐT cho rằng, một số chính sách chưa phù hợp với thực tiễn của địa phương như việc công nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú, nên bớt các yêu cầu, chỉ tiêu xét tặng để phù hợp với từng địa phương; cần tiếp tục thực hiện bảo lưu phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo và CBQLGD khi được điều động về Sở GDĐT, phòng GDĐT; cần có cơ chế trong việc giải quyết chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo khi nghỉ hưu bị thất lạc các quyết định để nhà giáo kịp thời có lương khi có quyết định nghỉ hưu; giải quyết thâm niên nhà giáo cho giáo viên, cán bộ quản lý các trường bán công khi nghỉ hưu…
Hay như một cán bộ thư viện trường học chia sẻ, việc thực hiện chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo làm công tác như kế toán, văn thư, thủ quỹ, thư viện, thiết bị… còn quá thấp, cần có chính sách hỗ trợ để đội ngũ này yên tâm gắn bó công tác lâu dài.
Do vậy, cơ chế, chính sách hợp lý là động lực để nhà giáo và CBQLGD yên tâm công tác, dành nhiều thời gian đầu tư, nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Đó cũng là “nam châm” để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Giáo dục.
VIỆT HÙNG