Đến năm 2020 cơ bản thiết lập và kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm

04:05, 19/05/2017

(LĐ online) - Ngày 19/5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 -2016 và phương hướng hoạt động giai đoạn 2017 -2020. Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị cùng với lãnh đạo các Sở Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

* UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 9 tập thể và 7 cá nhân xuất sắc trong công tác đảm bảo ATTP giai đoạn 2011 -2016
 
(LĐ online) - Ngày 19/5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 -2016 và phương hướng hoạt động giai đoạn 2017 -2020. Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị cùng với lãnh đạo các Sở Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa trao bằng khen của UBND tỉnh cho 9 tập thể xuất sắc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa trao bằng khen của UBND tỉnh cho 9 tập thể xuất sắc
Hội nghị đã đánh giá kết quả 5 năm hoạt động trong lĩnh vực ATTP cho thấy tỉnh đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo về công tác đảm bảo ATTP, kịp thời chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn thực hiện các chỉ đạo của cấp trên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP các cấp được thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động, tạo điều kiện quản lý nhà nước về ATTP đồng bộ, thống nhất và triển khai hiệu quả, tránh chồng chéo, bảo đảm nguyên tắc 1 sản phẩm, 1 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chỉ chịu sự quản lý của 1 cơ quan quản lý nhà nước.
 
Công tác kiểm tra liên ngành về VSATTP được đẩy mạnh, giai đoạn 2011 -2016 trên địa bàn tỉnh có 2.165 đoàn thanh tra, kiểm tra với gần 90.000 cơ sở, có 19.190 lượt cơ sở vi phạm (chiếm 21,34%); số lượt cơ sở vi phạm bị xử lý 3.678 cơ sở (đạt 19,17%), trong đó phạt tiền 2.385 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 4,7 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 22 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.060 người mắc, trong đó có 4 người tử vong.
 
Tại hội nghị, các ngành đã báo cáo tham luận như: UBMTTQVN tỉnh báo cáo về việc triển khai thực hiện chương trình phối hợp vận động và giám sát đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 -2020; Hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP các cấp và mạng lưới cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATTP, công tác phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát ATTP; Công tác quản lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, quản lý các cơ sở kinh doanh và tình trạng sử dụng hóa chất, thuốc BVTV, sản xuất chuỗi đảm bảo ATTP; Công tác quản lý ATTP tại các chợ, điểm chợ và công tác phân cấp quản lý, tham gia quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thuộc ngành Công thương, các giải pháp quản lý ATTP đối với những cơ sở sản xuất, buôn bán rượu nhỏ lẻ, không nhãn mác; Đức Trọng với công tác quản lý ATTP đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; Đà Lạt với việc phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về ATTP giữa các ngành liên quan; Đạ Tẻh với công tác thông tin giáo dục truyền thông về ATTP; Vấn đề kinh phí đảm bảo ATTP cho các ngành, các cấp.
 
Tiến sỹ Phạm Thị Bạch Yến - Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP trao bằng khen của UBND tỉnh cho 7 cá nhân xuất sắc
Tiến sỹ Phạm Thị Bạch Yến - Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP trao bằng khen của UBND tỉnh cho 7 cá nhân xuất sắc
Phương hướng hoạt động giai đoạn 2017 - 2020 tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản việc kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế. Xác định 5 mục tiêu quan trọng là: Nâng cao kiến thức và thực hành về ATTP cho các nhóm đối tượng gồm 95% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 100% người quản lý, 80% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP. Tăng cường năng lực của hệ thống quản lý ATTP, bao gồm hoàn thiện hệ thống quản lý ATTP tại các tuyến, duy trì và mở rộng phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2005, duy trì hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP và tổ chức thực hiện phân tích một số nguy cơ cao về ATTP. Cải thiện rõ rệt tình trạng đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm với 100% cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp, tập trung được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; khuyến khích và nâng cao số cơ sở sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm quy mô tập trung áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng ATTP như GMP, HACCP, ISO 9001, ISO 22000, VietGAP; 100% vùng nuôi thủy sản chủ lực, vùng trồng rau và vùng chăn nuôi tập trung được giám sát dư lượng các chất độc hại. 
 
Cải thiện rõ rệt tình trạng đảm bảo ATTP của các cơ sở kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể và dịch vụ ăn uống: 100% bếp ăn tập thể được kiểm soát chặt chẽ và thực hiện ký cam kết đảm bảo ATTP; 90% các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc tuyến tỉnh quản lý và 70% các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tuyến huyện quản lý được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; 100% siêu thị, cửa hàng chuyên doanh được kiểm soát ATTP; 80% chợ được quy hoạch và kiểm soát ATTP. Ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính, đảm bảo không có vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 người mắc trở lên, tỉ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính trong các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận dưới 9 người/100.000 dân.
 
Dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 9 tập thể và 7 cá nhân xuất sắc trong công tác đảm bảo ATTP giai đoạn 2011 -2016
 
AN NHIÊN