Đồng lòng làm đường giao thông

09:05, 02/05/2017

Những con đường bê tông mới vừa đổ xong đem lại niềm vui mới cho người dân ở Tam Bố, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Những con đường bê tông mới vừa đổ xong đem lại niềm vui mới cho người dân ở Tam Bố, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Dù cuộc sống khó khăn nhưng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tam Bố vẫn góp công, góp sức làm đường GTNT. Ảnh: H.Yên
Dù cuộc sống khó khăn nhưng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tam Bố vẫn góp công, góp sức làm đường GTNT. Ảnh: H.Yên
Xã Tam Bố có 4 thôn, trong đó có 2 thôn đồng bào dân tộc thiểu số, khi phát động phong trào xây dựng nông thôn mới từ năm 2013, 2 thôn đồng bào dân tộc thiểu số tuy đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng khi chủ trương làm đường người dân hăng hái tham gia góp công, góp sức để hoàn thành tuyến đường liên thôn xóm.
 
Những ngày cuối tháng 4, tuyến đường giao thông nông thôn của thôn 4 đang được gấp rút hoàn thành. Trên con đường thôn, vật liệu xây dựng đã được tập kết đầy đủ, tiếng máy  trộn bê tông nổ giòn giã, người vận chuyển cát sỏi, người san gạt mặt đường, tất cả thật khẩn trương, nhộn nhịp. Chứng kiến buổi làm đường bê tông ở thôn tôi cảm nhận được sự vui mừng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây khi con đường mới sắp hoàn tất, bê tông đến đâu, niềm vui đến đó. Ông K’Bin chia sẻ, trước đây, hầu hết tuyến đường trong thôn đều nhỏ lại đường đất nên rất khó khăn, vất vả khi người dân đi lại, đặc biệt là con em đi học, mùa mưa lầy lội có đứa mặc áo dài té ngã phải chạy về nhà thay đồ để đi học, nhiều gia đình phải nghỉ làm để chở con đi học. Cuộc sống ngày càng tiến bộ, từ đường đất trải đường đá cấp phối để đi, giờ thì được bê tông, đây là những con đường mơ ước của người dân, người dân ước mơ tất cả các tuyến đường giao thông đều được bê tông hóa. Vì vậy, sau khi triểu khai việc mở đường thì hầu hết người dân đồng bào dân tộc thiểu số, tuy cuộc sống còn rất nhiều khó khăn nhưng vẫn tự nguyện hiến đất, mở đường và đóng góp mỗi hộ 3,3 triệu đồng, hộ nghèo thì 1,5 triệu đồng.
 
Trước đây, ở các thôn của xã toàn là những con đường đất nhỏ, lối đi chật hẹp. Vào mùa mưa thường lầy lội, mùa nắng thì cát bụi gây khó khăn cho người đi lại, sinh hoạt cũng như vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, từ đầu năm 2016, xã đã phát động phong trào làm đường bê tông nông thôn. Trước khi triển khai xây dựng, Đảng ủy, mặt trận đã tổ chức các buổi họp để phổ biến về kế hoạch làm đường, dự trù kinh phí, nhân công, kế hoạch vận động kinh phí... Để thi công các tuyến đường đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, các thôn bầu ra Ban giám sát công trình là những người có uy tín như Bí thư, Trưởng thôn, Cựu chiến binh, Nông dân, Thanh niên... để cùng tham gia kiểm tra, giám sát công trình. Mỗi công việc được triển khai đều có sự bàn bạc và công khai tới từng hộ gia đình nhờ đó mà tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
 
Theo ông K’Brêl, Bí thư Chi bộ thôn 4, vấn đề nan giải nhất trong phát triển GTNT là huy động đóng góp từ nhân dân, nhưng nhờ công tác vận động, nay bà con đã nhận thức được tầm quan trọng của giao thông trong phát triển kinh tế cũng như đời sống của họ nên dù khó khăn bà con vẫn tự nguyện dỡ tường rào, hiến đất và hăng hái tham gia.
 
“Đường thôn giờ nhìn khang trang, đẹp đẽ hơn trước rất nhiều là nhờ có con đường bê tông. Trước đây đường chỗ lồi, chỗ lõm, đi không cẩn thận là vấp té như chơi, còn bây giờ đường phẳng lì. Xe công nông có thể chở hàng hóa đến tận ngõ từng gia đình, không chỉ riêng tôi mà ai nấy cũng vui, cũng phấn khởi... con em mình phải được tiến bộ hơn mình, phải được học hành đàng hoàng. Nhờ có những con đường, kinh tế bà con cũng được nâng lên rõ rệt”, ông Brêl phấn khởi.
 
Ông Biện Duy Thông, Chủ tịch UBND xã Tam Bố cho biết, bây giờ có dịp đi trên những ngả đường nông thôn của Tam Bố, ai nấy đều phấn khởi bởi nhiều công trình giao thông liên thôn thông thoáng, sạch sẽ được xây dựng bằng sức lực và tiền của của người dân nơi đây... Thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn trong xây dựng NTM, ở Tam Bố giờ đã được cứng hóa trên 70%. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, Tam Bố đã làm được 1,8 km đường bê tông liên thôn tại thôn 4 và 5 với bề rộng 3,5 m dày 18 cm, vẫn đang tiếp tục vận động nhân dân làm thêm 2 km. Bên cạnh đó, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư vào đường sản xuất nội nồng, vận động nâng cao nhận thức để người dân đóng góp vốn đối ứng. Đến nay, hầu như đoạn đường lầy lội được cứng hóa khắc phục lầy lội ở khu dân cư... Từ nay đến cuối năm, xã Tam Bố phấn đấu hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn. Những con đường làm từ sức dân không chỉ là niềm vui, niềm phấn khởi mà là niềm tin, sự đồng thuận, đoàn kết để cùng nhau phát triển. Phong trào góp tiền, góp công sức xây dựng đường giao thông ở Tam Bố như một dấu ấn của sự đổi thay trên vùng đất đá.
 
HOÀNG YÊN