Để nâng cao hiệu quả trong cải cách hành chính, Lâm Đồng đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (ISO) ở cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố và đến nay đang từng bước triển khai đến cấp xã, phường.
Để nâng cao hiệu quả trong cải cách hành chính, Lâm Đồng đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (ISO) ở cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố và đến nay đang từng bước triển khai đến cấp xã, phường.
|
Một cửa xã Tu Tra, huyện Đơn Dương. Ảnh: Văn Báu |
Đưa ISO đến phường, xã
Theo quy định của UBND tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh có 50 cơ quan hành chính nhà nước phải áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) vào trong công việc, nhưng trong năm 2016 vừa qua, do có 2 cơ quan sát nhập (Chi cục Lâm nghiệp sát nhập với Chi cục Kiểm lâm; Chi cục Bảo trợ xã hội - Bảo vệ bà mẹ trẻ em sát nhập về Sở Lao động Thương binh - Xã hội) nên trên địa bàn Lâm Đồng chỉ còn 48 cơ quan hành chính nhà nước phải áp dụng hệ thống này. Tuy nhiên, 2 đơn vị là Ban Tôn giáo và Chi cục Văn thư lưu trữ do đặc thù, chưa thực hiện nên tại Lâm Đồng hiện có 46/48 đơn vị đưa vào áp dụng và đã công bố HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008.
Trong 46 đơn vị trên, đã có 40 đơn vị áp dụng HTQLCL cho tất cả các thủ tục hành chính (TTHC); tổng số TTHC đã áp dụng HTQLCL đến nay trong tỉnh là 3.917/4.058 TTHC đã được phê duyệt, các đơn vị còn lại theo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Sở Khoa học Công nghệ cho biết, hiện đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung bộ TTHC và sẽ thực hiện công bố sau khi bộ TTHC được phê duyệt.
Thông qua các cuộc kiểm tra của đoàn liên ngành của tỉnh gồm Sở Khoa học Công nghệ, Sở Nội vụ và Sở Tư pháp trong thời gian qua cho thấy hầu hết các đơn vị đã thực hiện việc công bố HTQLCL phù hợp TCVN ISO 9001:2008, thành lập ban chỉ đạo do lãnh đạo đơn vị làm trưởng ban. Đặc biệt, một số đơn vị đã tích hợp được các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO và chính quyền điện tử vào công tác cải cách hành chính (CCHC) để nâng cao hiệu quả hoạt động, điển hình là UBND thành phố Đà Lạt, UBND huyện Lâm Hà, Sở Giao thông Vận tải.
Đối với các đơn vị hành chính cấp phường, xã, dù nằm trong diện khuyến khích áp dụng nhưng nhiều địa phương đã bắt đầu triển khai hệ thống này. Đi đầu trong tỉnh hiện nay chính là Đà Lạt, thành phố này đã triển khai việc áp dụng HTQLCL đến 16 phường ,xã trên địa bàn và đến nay đang lên kế hoạch thay thế tiêu chuẩn TCVN 9001:2008 bằng một phiên bản mới hơn là TCVN 9001:2015. Các địa phương khác như Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương, Bảo Lộc... cũng đang từng bước đưa HTQLCL đến phường, xã, thị trấn trên địa bàn.
Công cụ cho giải quyết TTHC
Việc áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trong CCHC tại các đơn vị đến nay đã cho thấy rõ hiệu quả: hồ sơ hành chính được giải quyết nhanh hơn, số hồ sơ đúng hạn ngày càng được nâng lên.
Trước nhất, như tỉnh đánh giá, phương pháp chỉ đạo điều hành của lãnh đạo đơn vị đã từng bước được đổi mới theo hướng hiện đại hóa, nâng cao trách nhiệm, trình độ, năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức tại đơn vị. Đặc biệt, hoạt động quản lý hành chính của các phòng ban chuyên môn, của các UBND phường xã khi áp dụng hệ thống này đã có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu lực và hiệu quả quản lý hành chính nhà nước được nâng cao rõ rệt, thái độ giao tiếp của cán bộ, công chức ngày càng tốt hơn.
Cùng đó, HTQLCL đã và đang hỗ trợ cơ chế một cửa, một cửa liên thông vận hành hiệu quả hơn; nhất là trong các khâu phối hợp giữa các đơn vị với nhau, giảm và tránh được chồng chéo.
Các quy trình giải quyết công việc cũng được đổi mới, chặt chẽ hơn, cụ thể hóa các công việc; hồ sơ thủ tục được niêm yết công khai, minh bạch hóa; rút ngắn thời gian giải quyết; giảm thiểu được sự phiền hà, hạn chế tác động tiêu cực trong thi hành công vụ.
Việc áp dụng HTQLCL còn thúc đẩy các đơn vị hoàn thiện và nâng cao kết cấu hạ tầng, trang thiết bị văn phòng, tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ công chức nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của từng vị trí công tác. Một số qui trình đã được ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, giúp theo dõi và giải quyết công việc chính xác, nhanh chóng hơn.
Trong thu thập xử lý số liệu, lưu trữ hồ sơ và các văn bản quy phạm pháp luật, nhờ áp dụng ISO giúp các đơn vị sắp xếp có hệ thống, hợp lý hơn, tránh được tình trạng bỏ sót, thất lạc, thuận lợi hơn trong việc cập nhật các văn bản mới, tránh được tình trạng sử dụng tài liệu lỗi thời.
Chính vì vậy, như bà Phạm Thị Nhâm, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lượng Chất lượng - Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng cho biết, hầu hết các đơn vị đến nay đều đã có sự quan tâm và nỗ lực lớn trong việc triển khai áp dụng HTQLCL tại cơ quan, đơn vị mình.
Tuy nhiên, theo bà Nhâm, vẫn còn tình trạng một số đơn vị chưa hiểu rõ lợi ích của việc áp dụng HTQLCL, chưa sử dụng ISO như một công cụ hỗ trợ trong công tác CCHC, chưa giải quyết TTHC đồng bộ với các quy trình, thủ tục ban hành trong HTQLCL. “Một số đơn vị đang tách ISO ra khỏi việc thực hiện các TTHC để chạy song song với nhau và chính điều này đã giảm rất rõ hiệu quả của ISO. Thực chất ISO phải là công cụ cho giải quyết TTHC và nếu được nên tích hợp giải quyết TTHC với ISO và chính quyền điện tử” - bà Nhâm đề nghị.
Một điểm nữa cần khắc phục trong ứng dụng ISO hiện nay theo bà Nhâm, chính là việc một số đơn vị thường xuyên thay đổi luân chuyển cán bộ phụ trách mảng này: “Để vận hành tốt HTQLCL cần có cán bộ có chuyên môn, hiểu sâu để ứng dụng các điểm mạnh của hệ thống này. Nếu cứ thường xuyên thay đổi người phụ trách thì khó phát huy hiệu quả của nó” - bà nói.
GIA KHÁNH