Những ngày đầu năm 2016, trong không khí chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện Đạ Tẻh (1986 - 2016), một tin vui lan nhanh đến cán bộ, hội viên Hội Khuyết tật Đạ Tẻh: K'Hoàng - Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2012 - 2017, được Tỉnh ủy Lâm Đồng tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 5 năm liền 2011 - 2015.
Những ngày đầu năm 2016, trong không khí chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện Đạ Tẻh (1986 - 2016), một tin vui lan nhanh đến cán bộ, hội viên Hội Khuyết tật Đạ Tẻh: K’Hoàng - Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2012 - 2017, được Tỉnh ủy Lâm Đồng tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 5 năm liền 2011 - 2015.
|
Anh K’Hoàng đang kiểm tra sản phẩm. Ảnh: N.T.T |
Thật bất ngờ với nhiều người khi biết K’Hoàng là người khuyết tật mà còn “khuyết tật hơn những người khuyết tật” ở địa phương. Anh sinh ra tại huyện Di Linh, đúng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng trong gia đình người dân tộc Châu Mạ. Cái đêm anh chào đời, thay vì tiếng cười của những người thân yêu là tiếng khóc nghẹn ngào, tấm tức của mẹ anh. Khuôn mặt đẹp đầy nam tính không xóa lấp được đôi chân của anh bị biến dạng cong queo… Mẹ anh nói trong nước mắt “Trời không cho nó làm người trọn vẹn, lớn lên nó sống thế nào đây…”.
Trong cái rủi lại có cái may. Từ khi sinh ra, K’Hoàng không ốm đau, hay ăn chóng lớn như con hươu con nai trên rừng. Những năm đến trường, anh đều là học sinh chăm ngoan, được thầy yêu, bạn mến. Cứ thế K’Hoàng lớn lên và trưởng thành trong vòng tay yêu thương của người thân và buôn làng.
Những ngày tháng 4, dưới vòm trời trong xanh, cây gạo đầu thôn 1, xã Hà Đông, huyện Đạ Tẻh, nơi K’Hoàng định cư, đang chao chát tiếng chim và khoác trên mình tấm áo choàng màu đỏ. Ngôi nhà cấp 4 chừng 90 m2, vừa làm nơi sinh hoạt cho công nhân, chỗ ở cho gia đình, vừa là xưởng sản xuất. Bên cạnh những thùng nước lọc tinh khiết, K’Hoàng tâm sự:
- Mình xem phim, đọc báo, nghe Bác Hồ dạy thương binh: “Thương binh tàn mà không phế”. Các anh, chị thương binh vượt lên sự hành hạ của bệnh tật, vừa lao động, vừa tham gia công tác xã hội, như thương binh Nguyễn Xuân Thượng ở Phường 8, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, hạng 1/4 bị bom giặc làm cụt cả 2 chân.Vậy mà vẫn hăng say làm việc và 13 lần tự nguyện hiến máu cứu người. Còn mình, chẳng lẽ lại phó mặc cho số phận? Thế là học xong phổ thông, K’Hoàng về TP Hồ Chí Minh học nghề sửa chữa điện tử trong 2 năm. Có nghề lại chăm chỉ, cũng có tiền trang trải cho gia đình. Nhưng một lần xem tivi, anh thấy VTV giới thiệu về thương binh Đào Hữu Xuyên ở Nam Định, làm giàu bằng nghề sản xuất mũ bằng giang xuất khẩu và may quần áo, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Từ đó, nhiều đêm anh suy nghĩ: Mình làm nghề sửa chữa điện tử cũng chỉ nuôi được mình, cùng lắm là cả gia đình… Với quyết tâm khởi nghiệp, anh bàn với vợ, quyết định chuyển chỗ ở từ Di Linh về thôn 3, xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh cách nhà gần 100 cây số, thành lập doanh nghiệp Mây, tre, lá xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho gần 300 công nhân.
Làm giám đốc doanh nghiệp, anh chăm lo để công nhân có việc làm ổn định quanh năm, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Trong thời gian này, Đài TT-TH Đạ Tẻh đã làm phóng sự về doanh nghiệp và người Giám đốc điển hình này phát trên sóng PTTH của tỉnh, được nhiều người xem phản hồi, cảm phục và yêu mến. Nhiều chị em công nhân được hỏi có cảm nhận gì về người Giám đốc đặc biệt của mình, đều có chung nhận xét: K’Hoàng không bình thường về hình thể do bẩm sinh, nhưng việc điều hành doanh nghiệp và sản phẩm do anh làm ra thì rất hoàn hảo, được bạn hàng ưa chuộng, được công nhân quý mến. Phải nói là: K’Hoàng trên cả tuyệt vời”.
Thời gian qua, K’Hoàng được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Đạ Tẻh nhiệm kỳ 2012 - 2017. Hội của anh có 360 hội viên. Đứng đầu một tổ chức xã hội, không có trợ cấp, nhưng K’Hoàng vẫn hăng say công tác. Anh thường xuyên phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và Phòng LĐ-TB& XH huyện, tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp. Đa số hội viên đã có nghề sửa chữa điện tử, may quần áo, sửa xe gắn máy, làm chủ được cuộc sống... Anh được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Sau 3 năm đứng đầu một doanh nghiệp (2010 - 2012), sức khỏe anh suy giảm. Do tiếp xúc với nhiều người trong Hội, anh nghĩ, còn nhiều người không may mắn như mình rất cần có công ăn việc làm, để họ không mặc cảm, phải tạo điều kiện để họ vừa nuôi sống bản thân, vừa tự khẳng định mình nên K’Hoàng bàn giao doanh nghiệp cho người khác quản lý.
Đầu năm 2013, anh chuyển gia đình về Thôn 1, xã Hà Đông, huyện Đạ Tẻh, tập hợp một số thanh niên, thành lập xưởng sản xuất nước uống tinh khiết đóng bình. Khi tôi đến, K’Hoàng đang đóng nắp bình nước lọc tinh khiết chuẩn bị xuất xưởng. Anh ngồi trên chiếc xe lăn, nửa người phía trên và đôi tay rắn chắc, từ từ xoay từng chiếc nắp bình. Trông anh như pho tượng bán thân đầy đặn, rắn rỏi… nhưng đang chuyển động nhịp nhàng.
Xưởng của anh có 7 người, đều là hội viên Hội Người khuyết tật. Khuôn viên nơi anh ở rộng gần 3.000 m2. Anh dành 2.000 m2 làm đất sản xuất lương thực, góp phần chăm nuôi công nhân và gia đình, còn lại làm nhà ở và nhà xưởng. K’Hoàng vừa làm Giám đốc, vừa dạy nghề cho anh em, vừa trực tiếp sản xuất.
Hàng ngày, anh cho xuất xưởng 100 bình nước uống tinh khiết. Mỗi bình giao tận nơi người tiêu dùng giá 7.000 đồng. Thu nhập bình quân mỗi công nhân từ 2,5 đến 3 triệu đồng một tháng. Để chủ động vận chuyển hàng đi tiêu thụ, K’Hoàng mua một xe máy ba gác thùng, giá 30 triệu đồng. Hàng ngày, trên con đường liên tỉnh 725 và 721, mỗi chuyến xe chở 30 thùng nước đi giao hàng, do chính vị Giám đốc tự lái, chạy chầm chậm và cẩn thận… ai cũng nhận ra xe của K’Hoàng. Hàng của anh, được khách hàng trong và ngoài huyện tín nhiệm. Làm ra đến đâu bán hết đến đó. Thương yêu và trân trọng anh, mọi người đặt thêm cho anh một cái tên trìu mến - Hoàng SaKê. Bởi nước tinh khiết đóng bình của anh được đăng ký nhãn hiệu “SAKÊ”. Cứ 6 tháng hàng hóa được kiểm định một lần, đảm bảo chất lượng và được cơ quan chức năng cấp phép kinh doanh.
Tôi sực nhớ một câu chuyện dân gian kể về 2 người. Người có đôi chân khỏe mạnh thì bị mù đôi mắt. Người có đôi mắt sáng thì lại không có đôi chân. Họ tựa vào nhau mà mưu sinh, và trên hết là để tồn tại và phát triển. Có cái gì đó giống như hoàn cảnh của vợ chồng K’Hoàng hôm nay vậy. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Ánh, quê tận Quảng Trị. Cái duyên trời xe, một người Châu Mạ với một người Kinh… Khổ nỗi, chị Ánh cũng khuyết tật bẩm sinh, đôi chân bị teo ngay khi mới ra đời. Nhưng, như được trời thương, hai người cộng lại tuy không chân và chỉ có bốn con mắt, bốn cánh tay, họ sống với nhau rất hạnh phúc. Anh chị sinh hạ được 3 con, 2 trai một gái, đứa nào cũng hay ăn chóng lớn và chăm ngoan. Hiện nay, vợ anh đi làm tận Biên Hòa với nghề làm đẹp cho thiên hạ. Chị hóa trang, kết tóc… chải chuốt cho những cô gái trẻ, giúp họ đẹp lên, tự tin bước lên xe hoa… “về dinh”. Năm 2010, chị cũng được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Không như người đời thường nói: Thế gian được vợ hỏng chồng. Đằng này họ được cả hai. Anh chị chỉ biết quên mình làm đẹp cho mọi người. Họ là cặp đôi hoàn hảo.
Một động lực nữa giúp K’Hoàng có ý chí vươn lên, không chỉ tự lực trong cuộc sống mà còn giúp đỡ mọi người, đó là: Hoàng được sinh ra trong một gia đình cách mạng. Bố anh là cụ K’Tuất, theo Đảng từ nhỏ, từng là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, nay đã nghỉ hưu. Cụ thường dạy anh và con cháu: Học tập Bác Hồ thật khó nhưng cũng thật dễ. Người như tấm gương trong. Cứ soi vào sẽ biết việc gì nên làm, việc gì không nên làm. Mà học là phải làm theo Bác… từ chuyện nhỏ như lo cơm ăn, áo mặc, học hành cho toàn dân đến việc hy sinh cả đời mình cho độc lập, tự do và CNXH của dân tộc.
Câu chuyện như sắp tới phần kết, K’Hoàng khoe với tôi:
- Anh ạ, tháng 9 năm 2017, Hội Người khuyết tật của huyện sẽ đại hội tổng kết nhiệm kỳ 2012 - 2017 và sẽ bầu ra ban chấp hành mới.
Tôi hỏi luôn: - Hoàng có tiếp tục ứng cử chủ tịch nhiệm kỳ mới không?
Hoàng nắm tay tôi, đôi mắt sáng lên, tự tin: Em sẽ làm nữa. Nhưng không chỉ làm cho em mà cho hàng trăm người khuyết tật trong huyện. Họ đang cần chăm lo hơn cho cuộc sống còn nhiều khó khăn. Em mong mọi người hãy cùng chia sẻ, giúp chúng em có điều kiện vươn lên, vượt qua mặc cảm, nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng. Hoàng cười rất tươi: Có được không anh? Tôi nắm chặt tay K’Hoàng, lắc mạnh: Được, rất được Hoàng “SaKê” ạ.
Chia tay tôi đến tận đầu thôn, nơi có cây gạo đang cháy lên màu đỏ kiêu hãnh, Hoàng cho tôi xem lá thư anh vừa viết gửi vợ. Tôi chỉ kịp đọc đoạn cuối, viết như thơ:
“…Em thân yêu, em có thấy không:
Tháng tư
Đỏ giừ hoa gạo
Chim về họp chợ chát chao
Em đi xa nhưng tình em ở lại
Bởi mình tin hoa gạo đỏ đầu làng
Vẫn đôi bàn tay, và đôi mắt ấy
Cuốn sách đời mình lại mở thêm trang…
Gửi em nhiều cái hôn...”
Ôi, tôi thấy mình như nhỏ bé trước K’Hoàng và chị Ánh. Tôi nhìn kỹ anh trên chiếc xe lăn. Ẩn sâu dưới khuôn mặt chữ điền và đôi cánh tay rắn rỏi ấy là một tình thương đồng nghiệp, tình yêu vợ con thật sâu sắc, thật nồng nàn. Những suy nghĩ và việc làm của anh đã dạy cho tôi bài học lớn - bài học làm người.
Ký: NGUYỄN THƯỢNG THIÊM