"Với mình, thành quả thu về lớn nhất mỗi khi bắt đầu một công việc, quyết định một sự dấn thân, vượt qua những thử thách khác biệt, thậm chí mạo hiểm… chính là kinh nghiệm và sự trải nghiệm". Đó là tâm sự của chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Đức Máy (25 tuổi) với chúng tôi khi nói về quyết định bỏ những cơ hội ở thành phố để về đồi chè Cầu Đất nghiên cứu các ứng dụng giải pháp nông nghiệp thông minh.
“Với mình, thành quả thu về lớn nhất mỗi khi bắt đầu một công việc, quyết định một sự dấn thân, vượt qua những thử thách khác biệt, thậm chí mạo hiểm… chính là kinh nghiệm và sự trải nghiệm”. Đó là tâm sự của chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Đức Máy (25 tuổi) với chúng tôi khi nói về quyết định bỏ những cơ hội ở thành phố để về đồi chè Cầu Đất nghiên cứu các ứng dụng giải pháp nông nghiệp thông minh.
Từ những câu hỏi vì sao
Sau gần hai năm làm việc tại Cầu Đất Farm, Nguyễn Đức Máy từ cán bộ phòng Kỹ thuật, trải qua nhiều vị trí khác nhau như Trưởng phòng Kỹ thuật, cán bộ Quản lý nhân sự và đến nay là Phó Giám đốc công ty ở tuổi 25 trong sự ngưỡng mộ của nhiều người. Trước đó, bỏ qua nhiều lời mời hấp dẫn về các công ty, tập đoàn điện tử tại VN, Nhật Bản và học bổng thạc sĩ ở Đài Loan, vượt qua sự can ngăn của gia đình, Máy đã chọn về làm việc tại Cầu Đất.
Công trình nghiên cứu thời sinh viên của Máy được bắt đầu bởi những câu hỏi vì sao: Vì sao quê hương Phú An, Phú Vang (Thừa Thiên Huế) của Máy chỉ trồng cây lúa? Vì sao người ta không trồng thêm cây khác hiệu quả hơn? Vì sao không có bất cứ dữ liệu gì về đất, nước, khí hậu để bà con dựa vào đó sản xuất nông nghiệp hiệu quả…
Và khi đã là kỹ sư cơ điện tử đến vùng đất mới Cầu Đất cũng để trả lời cho những câu hỏi vì sao ấy nên Máy làm tất tần tật mọi việc từ cuốc đất, xuống giống, đến lái máy cày... để trải nghiệm với người nông dân cho hiểu thêm về con người nơi này. “Nếu lúc ra trường em chọn làm việc cho một công ty, em mãi sẽ chỉ là một bộ phận trong một dây chuyền sản xuất, còn ở đây em phải học nhiều thứ, làm nhiều thứ nên em cũng biết được nhiều hơn. Sức khỏe, mối quan hệ, kinh nghiệm và sự hiểu biết”, Nguyễn Đức Máy tâm sự.
Và dạt dào ý tưởng
Quyết định đi một con đường khác biệt đã là một sự lựa chọn khó khăn và vực dậy sau những lần thất bại cũng chẳng hề dễ dàng. Những ngày đầu ở vùng đất mới với 1 ha nhà kính thí nghiệm được dựng lên liên tục bị hỏng, nhà lưới bị bay màn, xuống giống không hiệu quả… do chưa hiểu rõ về thổ nhưỡng, khí hậu nhất là đặc tính gió ở vùng Cầu Đất, người kỹ sư này và các cộng sự lại tiếp tục mày mò. Họ có mặt cùng người dân trên đồi chè, vườn rau nhiều hơn phòng kỹ thuật, họ lắp đặt trạm khí tượng để thu thập dữ liệu về thời tiết. Ngày nắng cũng như ngày mưa, khi tinh mơ cũng như lúc tối mịt Máy và các cộng sự của mình đều ở ngoài trời, bên các máy móc nghiên cứu bởi: “Dữ liệu càng chi tiết thì rủi ro hạn chế càng nhiều trong sản xuất nông nghiệp”, Máy khẳng định. Từ những dữ liệu thu thập được, các kỹ sư trẻ dần điều chỉnh nhưng thông số kỹ thuật cũng như các bộ điều khiển hệ thống châm phân để các vườn rau mẫu dần đi vào ổn định.
Từ đó, họ đã nghiên cứu những nhà kính trồng rau, củ, quả phù hợp địa hình cao trên 1.650 m như Cầu Đất, chịu được gió lớn và dễ tháo lắp. Không những thế, các nhà kính và khung đỡ giàn rau thủy canh được thiết kế, thi công với giá rẻ, phù hợp nhu cầu sử dụng của người nông dân tại Đà Lạt. Một số hộ nông dân ở Đà Lạt, trong đó có cả những “lão nông thành đạt” như ông Mai Văn Khẩn - Giám đốc HTX Tân Tiến sau khi áp dụng kỹ thuật này vào sản xuất rau thủy canh đã mang lại hiệu quả ổn định và đang có ý định lắp giàn rau thủy canh trên diện tích 1.000 m
2. Riêng trên diện tích 3.000 m
2, vườn rau thủy canh trồng trong nhà kính tại Cầu Đất thu hoạch 2-3 tạ rau sạch mỗi ngày.
Chúng tôi gặp Máy ở đồi chè Cầu Đất trong quán cà phê container mang phong cách hiện đại rất thu hút du khách. Quán cà phê này cũng là sản phẩm sáng tạo mới của Máy và cộng sự. “Lịch sử của công ty chè cổ là công ty được kết cấu chính bằng sắt thép gỗ nên chúng tôi chọn container để tạo ra sự liền mạch trong câu chuyện. Đồng thời sự lựa chọn chất liệu xây dựng này còn giảm thiểu việc xây dựng một công trình bê tông kiên cố làm phá vỡ không gian vốn có của vùng đồi chè” - Máy nói. Có lẽ chính sự hợp lý, độc đáo, tinh tế về mặt ý tưởng đó đã tạo ra sức hút cho nơi này. Điều đó được chứng minh khi “ngày thường quán đón 300-500 khách, dịp lễ thu hút cả ngàn lượt khách ghé thăm, doanh thu mỗi tháng đều trên 300 triệu đồng” chàng kỹ sư trẻ chia sẻ.
Bên cạnh đó, Máy và các cộng sự còn đầu tư nghiên cứu bộ điều khiển và giám sát tưới tiêu tự động. Các thông số về sự phát triển của rau, nhiệt độ, độ ẩm... đều được giám sát tự động, điều khiển bằng điện thoại và lưu trữ dữ liệu qua điện toán đám mây. Tức là ngồi trong phòng, Máy có thể theo dõi cơ sở dữ liệu để biết chu kỳ sinh trưởng các loại rau từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch.
Hiện tại, Máy cùng các cộng sự hoàn thiện hệ thống điều khiển và giám sát tưới tiêu tự động, trong đó có kết hợp với đối tác Intel để phát triển, mở rộng hệ thống, ứng dụng giải pháp IoT cho nhiều ngành nghề khác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Đầu năm 2017, Nguyễn Đức Máy vừa được Bộ Thương mại Thái Lan mời tham gia diễn đàn “Kinh tế mới” với vai trò diễn giả của Việt Nam, tổ chức tại Bangkok. Nhưng không dừng lại ở đó, Nguyễn Đức Máy vẫn rong ruổi trên nhiều nẻo đường để tiếp tục học tập, thử sức với bao ý tưởng ước mơ đang ấp ủ.
NGỌC NGÀ