Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

09:05, 17/05/2017

Là địa phương có lợi thế trong phát triển nông nghiệp, thời gian qua, Lâm Đồng đã triển khai tốt việc nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN), góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS…

Là địa phương có lợi thế trong phát triển nông nghiệp, thời gian qua, Lâm Đồng đã triển khai tốt việc nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN), góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS…
 
Nấm Linh chi đỏ Đà Lạt - một loại nấm cao cấp đặc trưng của xứ lạnh đã được chuyển giao thành công. Ảnh: T.H
Nấm Linh chi đỏ Đà Lạt - một loại nấm cao cấp đặc trưng của xứ lạnh đã được chuyển giao thành công.
Ảnh: T.H
Phát huy thế mạnh của địa phương về công nghệ tế bào thực vật, trong những năm qua, Trung tâm Ứng dụng KHCN (Sở KHCN) đã sưu tập, bảo tồn và phát triển nguồn gen giống cây trồng, nấm ăn, nấm dược liệu, góp phần phục vụ chương trình nông nghiệp của tỉnh. Hiện nay, Trung tâm đã sưu tập, bảo tồn trong điều kiện in-vitro hơn 100 giống cây trồng như: rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu, nấm ăn, nấm dược liệu… Từ nguồn gen của cây đầu dòng được kiểm tra sạch bệnh tại Viện Công nghệ Sinh học, hàng năm, Trung tâm đã sản xuất, cung cấp gần 1 triệu cây giống các loại sạch bệnh, đảm bảo chất lượng cho nông dân, doanh nghiệp nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của địa phương; đồng thời, sản xuất, cung cấp 5 - 7 tấn giống nấm các loại thuần chủng, đảm bảo năng suất, chất lượng, góp phần phát triển nghề trồng nấm tại địa phương. 
 
Một trong những đóng góp nổi bật của hoạt động KHCN là đẩy nhanh ứng dụng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu, kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất và đời sống. Trong đó, các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi (NTMN) là sự hội tụ tiến bộ KHCN, tăng cường liên kết 4 nhà trong sản xuất và dịch chuyển phương thức đầu tư thiết thực, lôi cuốn tích cực đối ứng xã hội hóa. Có những quy trình được nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao hiệu quả vào thực tiễn sản suất. Tiêu biểu là dự án “Sản xuất thử nghiệm cây giống chuối Laba bằng kỹ thuật nuôi cấy in-vitro”. Sau thành công của dự án, Trung tâm tiếp tục cung cấp nguồn giống cho Trang trại chuối Laba Điền Công Tâm. Hiện nay, trang trại này đã trồng 50 ha cây chuối Laba theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Gia Hiệp, huyện Di Linh phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
 
Tiếp đến là Đề tài “Xây dựng quy trình nhân giống vô tính cây khoai môn bằng phương pháp nuôi cấy in-vitro” tại xã nông thôn mới Tân Hội, Đức Trọng. Đề tài đã nhân giống thành công cây khoai môn sáp vàng trong điều kiện in-vitro, xây dựng được quy trình đưa cây con ra vườn ươm, góp phần phục tráng được nguồn giống cho nhu cầu sản xuất của địa phương. Hiện nay, xã Tân Hội đã phát triển hơn 100 ha vùng trồng khoai môn sáp vàng thương phẩm, góp phần mang lại hiệu quả KT-XH trên địa bàn.
 
Bên cạnh việc nghiên cứu phát triển nguồn cây giống rau, hoa, cây ăn quả, Trung tâm còn hoàn thiện quy trình nhân giống một số cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như Dự án: “Xây dựng mô hình trồng Đảng sâm thương phẩm theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng”. Dự án đã nhân giống thành công cây Đảng sâm trong điều kiện in-vitro, xây dựng được quy trình nhân giống cây con ở vườn ươm phục vụ trồng thương phẩm. Dự án đã phối hợp với Công ty TNHH Cao Lâm trồng hơn 10 ha cây Đảng sâm thương phẩm theo hướng VietGAP tại xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, góp phần phát triển nguồn dược liệu quý của địa phương, phục vụ tiêu dùng và chế biến dược liệu. Hiện Trung tâm đang tiếp tục chuyển giao, nhân rộng cho huyện Đơn Dương, Đam Rông.
 
Chuyển giao tiến bộ KHKT vào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng là thế mạnh của Trung tâm. Trong những năm qua, Trung tâm đã chuyển giao thành công nhiều dự án cho các xã Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương), xã Pró (huyện Đơn Dương) và năm 2015 đã thực hiện thành công Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao KHKT để nâng cao đời sống vùng đồng bào DTTS xã Gia Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng”. Qua triển khai, dự án đã giúp đưa tiến bộ kỹ thuật vào vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao nhận thức người dân trong việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, đời sống, ổn định kinh tế hộ gia đình, đồng thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng tại địa phương. 
 
Bên cạnh đó, Trung tâm đã nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao thành công nhiều dự án về nấm ăn, nấm dược liệu, trong đó có dự án cấp Nhà nước được chuyển giao cho Công ty TNHH Ngọc Yến Minh, Đơn Dương. Năm 2016, Trung tâm đã thực hiện thành công Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nuôi trồng nấm Linh chi đỏ trên hỗn hợp giá thể gỗ Quế và nấm Hương tại huyện nông thôn mới Đơn Dương và huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng”. Dự án đã chuyển giao, xây dựng mô hình đạt hiệu quả cho Công ty TNHH LTV Hợp Nhất (xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương) nuôi trồng nấm ăn đặc sản xứ lạnh là nấm Hương. Đồng thời, dự án cũng đã nghiên cứu khảo nghiệm, chuyển giao xây dựng mô hình nuôi trồng thành công nấm Linh chi đỏ Đà Lạt trên hỗn hợp mùn cưa gỗ Quế tại Trạm Thực nghiệm nghiên cứu Đơn Dương và tại Công ty Đầu tư SXTMDV Khoa Minh, Đạ Nhim, Lạc Dương. 
 
“Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các mô hình ứng dụng KHCN phục vụ đời sống cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và xã đang xây dựng chương trình nông thôn mới. Trong đó, đang triển khai thực hiện Dự án Nông thôn miền núi cấp Nhà nước “Ứng dụng tiến bộ KHCN trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại Lâm Đồng” theo định hướng phát triển Đề án bò thịt cao sản giai đoạn 2016 - 2020 của UBND tỉnh với 18 mô hình tại 4 huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và Cát Tiên. Qua việc chuyển giao tiến bộ KHKT áp dụng vào sản xuất đã làm thay đổi tập quán sản xuất của bà con, qua đó, góp phần nâng cao năng suất sản phẩm làm tăng thu nhập và ổn định đời sống người dân”, ông Nguyễn Như Chương - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN, Sở KHCN Lâm Đồng cho biết. 
 
VIỆT HÙNG