Mỏi mắt tìm nhân viên xã hội giỏi

09:05, 18/05/2017

Sau hơn 10 năm Đề án phát triển nghề công tác xã hội (giai đoạn 2010 - 2020) theo Quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ được UBND tỉnh Lâm Đồng triển khai và thực hiện, một mạng lưới cán bộ, nhân viên công tác xã hội tại địa phương đã được kiện toàn. Tuy nhiên, để tìm một nhân viên xã hội giỏi, vừa có kỹ năng cần thiết về công tác vừa có lòng thiện tâm để sống với nghề lại hết sức khó khăn. 

Sau hơn 10 năm Đề án phát triển nghề công tác xã hội (giai đoạn 2010 - 2020) theo Quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ được UBND tỉnh Lâm Đồng triển khai và thực hiện, một mạng lưới cán bộ, nhân viên công tác xã hội tại địa phương đã được kiện toàn. Tuy nhiên, để tìm một nhân viên xã hội giỏi, vừa có kỹ năng cần thiết về công tác vừa có lòng thiện tâm để sống với nghề lại hết sức khó khăn. 
 
Là một người có thâm niên trong các vấn đề về công tác xã hội (CTXH) tại Lâm Đồng và cũng là lãnh đạo trực tiếp quản lý, chính ông Ngô Hữu Hay - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cũng phải thừa nhận: “Rất nhiều người hoạt động trong lĩnh vực CTXH hiện nay chỉ làm việc theo kinh nghiệm và lòng thiện tâm mà chưa được đào tạo các kỹ năng khoa học cần thiết về CTXH (hoặc chỉ tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn). Đội ngũ cán bộ đa số được đào tạo qua các trường đại học, cao đẳng có chuyên môn nhưng lại chưa được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết làm CTXH. Nhất là cán bộ làm việc trực tiếp với đối tượng xã hội đã gặp không ít khó khăn trong tiếp cận, tư vấn, hướng dẫn và thực hiện chính sách xã hội ở cơ sở. Phần lớn, số cán bộ kiêm nhiệm công tác văn hóa - xã hội cấp xã và cán bộ, nhân viên ở các cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh được đào tạo từ nhiều ngành nghề khác nhau, từ trước đến nay chưa được đào tạo về nghề CTXH, do đó thiếu những kỹ năng trợ giúp, chăm sóc các đối tượng yếu thế, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc”. 
 
Tiến sĩ Lê Hồng Phong - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt cho biết: “ĐH Đà Lạt là một trong những trường đầu tiên đào tạo nghề CTXH. Hơn mười năm trước là thời kỳ hoàng kim của khoa khi mỗi năm đều nhận đầu vào với vài trăm chỉ tiêu, tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng giảm dần một cách rõ rệt. Nguyên nhân đầu tiên có lẽ là cơ hội tìm việc làm khi ra trường thường rất khó khăn”.
 
Không quá khó để nhận ra vấn đề này, ngay tại hai trung tâm lớn của ngành LĐTB&XH tỉnh là Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy, hiện tại cũng chỉ có chưa đến 10 người là sinh viên của khoa CTXH khi ra trường được nhận vào đây để làm việc.
 
Theo ông Dương Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy Lâm Đồng thì: Vấn đề không phải “cánh cửa” việc làm của trung tâm đóng mà rất hiếm sinh viên CTXH khi mới ra trường được trang bị những kỹ năng cần thiết để đối mặt với những thách thức mà nghề này đòi hỏi.
 
Sau khi tìm hiểu chúng tôi được biết, tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, rất nhiều bạn trẻ đã “một đi không trở lại” dù mới chỉ trong giai đoạn thử việc.
 
CTXH ngày nay được công nhận là một môn khoa học xã hội ứng dụng và đồng thời là một nghề chuyên môn trợ giúp con người nhằm thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết các vấn đề trong các mối quan hệ con người, giúp cho họ có cuộc sống ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, CTXH can thiệp ở các điểm tương tác giữa con người và môi trường của họ, tạo sự  công bằng trong đời sống xã hội là nguyên tắc căn bản của nghề CTXH.
 
Thế nhưng, một thực tế phải thừa nhận, không chỉ riêng ở Lâm Đồng, đó là kiến thức được học của sinh viên ngành CTXH so với thực tế xã hội đòi hỏi gần như có độ “vênh” khá lớn.
 
Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, mỗi nhân viên ở đây, nếu muốn hoàn thành công việc bản thân họ phải luôn xem các đối tượng tại trung tâm như người thân trong gia đình của mình. Rất nhiều bạn trẻ đã không chịu nổi áp lực, khi hàng ngày ba bữa phải lên làm việc để cơm nước, chăm sóc cho người lớn tuổi khi họ đau bệnh, hay phải hàng ngày bận bịu chăm sóc các trẻ mồ côi thiếu định hướng từ khi còn rất nhỏ.
 
Nguyễn Hải Đăng - sinh viên Khoa CTXH CB K39, Đại học Đà Lạt thẳng thắn cho biết: Không phải riêng bản thân em, mà còn rất nhiều các bạn khác trong khoa đều có một băn khoăn, đó là khi ra trường sẽ làm gì và phải làm như thế nào để vượt qua những thách thức trong công việc. Đó cũng là câu hỏi của nhiều sinh viên tại một buổi giao lưu nhân ngày CTXH Việt Nam (25/3) với những người có kinh nghiệm trong nghề CTXH tại Lâm Đồng. Gần 4 năm được đào tạo trên ghế nhà trường, nhưng sinh viên vẫn chưa nhận thức được nghề mình đang học phục vụ đối tượng và tổ chức nào trong xã hội. Ông Dương Đức Thành chia sẻ: “Cái cần của chúng tôi ở một nhân viên xã hội, đó là sự điềm tĩnh và linh hoạt, kể cả với những đối tượng tưởng chừng như nguy hiểm nhất”.
 
Nghề CTXH phải được quan tâm như vị thế nó cần phải có trong một xã hội phát triển và công nhận như một nghề quan trọng, có như thế mới giải quyết từ đào tạo đến hoạt động thực tiễn trong đời sống xã hội. 
 
LAM ANH