Nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ

09:05, 17/05/2017

Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) của Lâm Đồng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác quản lý nhà nước về KHCN được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trên địa bàn tỉnh...

Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) của Lâm Đồng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác quản lý nhà nước về KHCN được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trên địa bàn tỉnh. Nhân kỷ niệm Ngày KHCN Việt Nam 18/5, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn bà Võ Thị Hảo - Giám đốc Sở KHCN về kết quả hoạt động KHCN giai đoạn 2015 - 2017 và định hướng các nhiệm vụ chủ yếu đến năm 2020. 
 
PV: Xin bà cho biết những kết quả nổi bật của hoạt động KHCN giai đoạn 2015 - 2017?
 
Bà Võ Thị Hảo: Trước hết, phải nói đến công tác tham mưu qua các văn bản nhằm tăng cường quản lý KHCN trên địa bàn. Sở KHCN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 17 văn bản quy phạm pháp luật phục vụ chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực quản lý nhà nước về KHCN. Trong đó, có một số văn bản nổi bật như: Kế hoạch số 145/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 65-KH/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng về triển khai Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Quyết định số 2323/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Chương trình hỗ trợ về KHCN cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020”; Quyết định 225/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020”...
 
Thứ hai là việc phát triển tiềm lực KHCN. Công tác tổ chức, bộ máy quản lý KHCN từ cấp huyện đến cấp tỉnh được kiện toàn. Hiện nay, có 6 UBND huyện, thành phố đã ban hành quyết định kiện toàn Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KHCN. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ. 
 
Thứ ba là hoạt động quản lý khoa học. Sở KHCN đã tổ chức hội đồng xét duyệt và nghiệm thu các nhiệm vụ cấp nhà nước. Đối với nhiệm vụ cấp tỉnh, Sở đã thực hiện tốt việc quản lý các nhiệm vụ theo đúng quy định; trong giai đoạn 2015 - 2017, tổ chức hội đồng nghiệm thu kết quả nghiên cứu 14 đề tài, dự án; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 18 nhiệm vụ KHCN trong 2 năm 2016 - 2017; chuyển giao 20 kết quả nghiên cứu đến các đơn vị tiếp nhận sau khi được UBND tỉnh công nhận. Thực hiện phân cấp, hướng dẫn cấp huyện triển khai các nhiệm vụ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống. 
 
Thứ tư là công tác quản lý công nghệ, thị trường và doanh nghiệp KHCN, an toàn bức xạ hạt nhân. Sở đã triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về KHCN theo Quyết định số 2323/QĐ-UBND. Tổ chức các đoàn tham gia chợ công nghệ, các hoạt động trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ tại các địa phương, qua đó, góp phần thúc đẩy hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, gia tăng số lượng giao dịch công nghệ trên thị trường. Đồng thời, triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh năm 2016; tiến hành kiểm kê nguồn phóng xạ và bức xạ tại các cơ sở bức xạ trên địa bàn tỉnh; xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh. 
 
Đối với hoạt động sáng kiến - cải tiến kỹ thuật, Sở đã phối hợp với các ngành tổ chức và triển khai các hoạt động tăng cường công tác nâng cao nhận thức về sáng kiến cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh. Từ năm 2015 - 2017, đã có hơn 160 sáng kiến được xem xét công nhận. Ngoài ra, thông qua việc phối hợp tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng, Hội thi Tin học trẻ, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật… đã thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong học tập, sản xuất.

Thứ năm là về hoạt động sở hữu trí tuệ, phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Sở đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về xác lập quyền sở hữu công nghiệp, tài sản trí tuệ cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai, hoàn thành các nội dung của Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ năm 2015”; tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng thế mạnh tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020. Giai đoạn 2015 - 2017, Sở KHCN đã phối hợp với các ban, ngành, các địa phương xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho 11 sản phẩm thế mạnh đặc trưng của tỉnh như: Sầu riêng Đạ Huoai, Tơ lụa Bảo Lộc, Cà phê Di Linh, Trà B’Lao, Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt… Hiện đang hoàn thiện, bổ sung các tài liệu phúc đáp đăng ký nhãn hiệu Trà B’Lao và Rau Đà Lạt ra nước ngoài. Lâm Đồng cũng là địa phương đi đầu trong việc xây dựng nhãn hiệu, giúp cho các sản phẩm thế mạnh gia nhập thị trường tốt. 

 
Cuối cùng là công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng, công tác thanh tra được chủ động triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác thông tin KHCN được tăng cường với việc xuất bản các bản tin chuyên đề, bản tin KHCN phục vụ phát triển doanh nghiệp… Đặc biệt, hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động 145 điểm thông tin KHCN cấp xã, giúp cho nhiều đối tượng tiếp cận được với thông tin KHCN. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao KHCN tiếp tục được đẩy mạnh và ngày càng bám sát vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
PV: Có những điểm mới nào trong quản lý KHCN tại Lâm Đồng, thưa bà?
 
Bà Võ Thị Hảo: Bên cạnh việc Luật KHCN được sửa đổi và ban hành đã mang lại động lực mới, phát huy nội lực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thì Lâm Đồng cũng có một số điểm mới trong quản lý KHCN giai đoạn 2015 - 2017. Đó là tổ chức nhiệm vụ KHCN được thay đổi theo hướng tuyển chọn, tách chức năng nghiên cứu ra khỏi quản lý nhà nước nhằm nâng cao trách nhiệm đề xuất đặt hàng và sử dụng kết quả nghiên cứu đối với cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, đề xuất nhiệm vụ phải mang tính cộng đồng, Sở sẽ dành 1/3 kinh phí cho các mô hình gắn với thực tiễn nhằm từng bước xã hội hóa kinh phí KHCN thông qua việc doanh nghiệp đề xuất khi có nhu cầu. Từ đó, tạo ra sự gắn kết giữa nhà nước, nhà khoa học với doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, Sở đã và sẽ tiếp tục vận động các doanh nghiệp tham gia các giải thưởng quốc gia, qua đó, tiếp cận và khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách thực hiện năng suất chất lượng nhằm tạo sức cạnh tranh với thị trường. 
 
PV: Vậy, các nhiệm vụ chủ yếu trong kế hoạch KHCN giai đoạn 2017 - 2020 là gì, thưa bà?
 
Bà Võ Thị Hảo: Thời gian tới, Sở KHCN sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về KHCN trên địa bàn tỉnh. Tổ chức triển khai có hiệu quả các đề tài, dự án cấp tỉnh, cấp cơ sở và dự án nhân rộng sau nghiệm thu; triển khai dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016 - 2020 gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương đã được Bộ KHCN phê duyệt; triển khai có hiệu quả các chương trình đã được UBND tỉnh phê duyệt; triển khai dự án tăng cường trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng; xây dựng trạm thực nghiệm Đơn Dương. Cùng với đó là củng cố tổ chức và thực hiện lộ trình chuyển đổi cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp khoa học công lập theo Nghị định 54/2016/NĐ-CP và Thông tư 01/2017/TT-BKHCN, tuy nhiên, để làm được điều này thì cần phải tăng cường tiềm lực cho các tổ chức công nghệ có đủ điều kiện để tự chủ… 
 
PV: Xin cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn.
 
TUẤN HƯƠNG (Thực hiện)