Nếu không có thẻ BHYT, chi phí khám, chữa bệnh sẽ tăng gấp 4 lần

09:05, 03/05/2017

Đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này sẽ có một khoảng cách chênh lệch lớn giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT. Nếu người dân không có thẻ BHYT không may bị bệnh, nhất là bệnh nặng, nhiều dịch vụ y tế, nhất là với những dịch vụ kỹ thuật cao thì chi phí sẽ rất lớn...

Đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này sẽ có một khoảng cách chênh lệch lớn giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT. Nếu người dân không có thẻ BHYT không may bị bệnh, nhất là bệnh nặng, nhiều dịch vụ y tế, nhất là với những dịch vụ kỹ thuật cao thì chi phí sẽ rất lớn. Vậy thì còn chần chừ gì nữa mà không mua thẻ BHYT để đạt mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.
 
Theo dõi bệnh nhân ở Khoa Hồi sức tích cực - BVĐK tỉnh, sau ca mổ tim thành công - một trong những kỹ thuật cao nếu không có BHYT người bệnh sẽ chi phí rất lớn. Ảnh: D.H
Theo dõi bệnh nhân ở Khoa Hồi sức tích cực - BVĐK tỉnh, sau ca mổ tim thành công - một trong những kỹ thuật cao nếu không có BHYT người bệnh sẽ chi phí rất lớn. Ảnh: D.H
Cụ thể giá viện phí mới áp dụng từ ngày 1/6
 
Từ ngày 1/6 tới, giá viện phí mới với bệnh nhân chưa có thẻ BHYT sẽ được áp dụng, theo đó chi phí có dịch vụ tăng tới 4 lần. Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) trong một số trường hợp. Giá viện phí mới với bệnh nhân chưa có thẻ BHYT sẽ được áp dụng với mức tăng gấp 4 lần so với hiện nay và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2017.
 
Theo đó, Thông tư số 02 quy định mức tối đa khung giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp. Mức giá hơn 1.900 dịch vụ y tế, bao gồm: Mức giá tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh kiểm tra sức khỏe; dịch vụ ngày giường điều trị; dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm… được áp dụng tại cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước, người bệnh chưa tham gia BHYT, người bệnh có thẻ BHYT nhưng đi khám bệnh, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT.
 
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, thực hiện đạt chỉ tiêu 77,8% người dân tham gia BHYT vào cuối năm 2017, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện một số nội dung sau: Bảo hiểm xã hội tỉnh là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai phát triển đối tượng tham gia BHYT đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; mở rộng hệ thống đại lý thu BHYT, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và tham gia BHYT; tổ chức in và cấp thẻ BHYT kịp thời và hạn chế thấp nhất những sai sót thông tin trên thẻ BHYT; thực hiện tốt công tác giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT; đảm bảo kết nối liên thông cơ sở dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT với các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm ngăn chặn lạm dụng Quỹ Khám chữa bệnh BHYT. Chủ trì, phối hợp với các Sở Y tế, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo dự kiến tỷ lệ BHYT toàn tỉnh tăng lên khi thực hiện việc hỗ trợ thêm 70% cho học sinh, sinh viên người DTTS gốc bản địa, 20% cho hộ nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình (ngoài ngân sách nhà nước đã hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 105/2014/NĐ-CP); tính số dư thực tế còn lại của Quỹ Kết dư BHYT năm 2015, trên cơ sở đó, đề xuất UBND tỉnh việc hỗ trợ cho các đối tượng này.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mức giá tối đa được quy định tại thông tư này cũng tương đương với giá đã ban hành cho nhóm bệnh nhân có BHYT theo các hạng bệnh viện. Việc tăng giá lần này chủ yếu tập trung vào tăng giá khám bệnh và giá giường nằm. Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2.

 
Theo quy định mới, tiền khám tối đa (bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương) ở bệnh viện hạng đặc biệt và bệnh viện hạng 1 là 39.000 đồng/lượt; hạng 2 là 35.000 đồng/lượt; hạng 3 là 31.000 đồng/lượt và bệnh viện hạng 4/phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã là 29.000 đồng/lượt.
 
Giá tối đa dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực tại bệnh viện hạng đặc biệt là 677.100 đồng; bệnh viện hạng 1 là 632.200 đồng; bệnh viện hạng 2 là 568.900 đồng. Đối với ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu, chống độc, các mức tương ứng là: 362.800 đồng/ngày, 335.900 đồng/ngày, 279.100 đồng/ngày; tại bệnh viện hạng 3 là 245.700 đồng/ngày và bệnh viện hạng 4 là 226.000 đồng/ngày… Giá ngày giường điều trị chỉ được tính cho 1 người/giường điều trị; trường hợp nằm ghép 2 người/giường thì chỉ được thu tối đa 50%. Trường hợp nằm ghép từ 3 người trở lên, thì chỉ được thu tối đa 30%. Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp thì tạm thời áp dụng mức giá 50% theo từng loại chuyên khoa đã được quy định tại Thông tư…
 
Ngoài ra, một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá khoảng 20 - 30% so với mức giá hiện hành và tương đương giữa nhóm có BHYT và không có BHYT. Trong đó, có những dịch vụ có chi phí rất cao. Ví dụ với chụp PET/CT chi phí tối đa lên tới hơn 20 triệu đồng; chi phí PET/CT mô phỏng xạ trị gần 21 triệu đồng…
 
Theo Bộ Y tế, hiện nay, số dân tham gia BHYT đạt 81% dân số, còn 20% dân số chưa tham gia BHYT, phần lớn là những người có mức sống trung bình trở lên nên việc điều chỉnh sẽ giúp người dân thấy lợi ích của BHYT để tham gia. Đối với 20% dân số chưa có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh vẫn được thanh toán theo Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Tài chính - Y tế. So với giá dịch vụ y tế cũ chỉ cấu thành trên 3 yếu tố nên người dân khi bị bệnh sẵn sàng chi trả theo giá dịch vụ mà không cần tham gia BHYT nhưng lần áp giá trần này chi phí tăng rất lớn. Chẳng hạn, khi người dân đi khám bệnh ở phòng khám đa khoa, giá là 29.000 đồng còn giá cũ là 7.000 đồng. Khi người dân đi khám mà có BHYT sẽ được BHYT thanh toán 80%, còn người dân đồng chi trả hơn 4.000 đồng. Nếu theo giá cũ người dân cũng chỉ phải thanh toán 7.000 đồng nên nhiều người suy nghĩ không cần tham gia BHYT. Nếu người dân không may bị bệnh, nhất là bệnh nặng, nhiều dịch vụ y tế, nhất là với những dịch vụ kỹ thuật cao thì chi phí sẽ rất lớn. Người không có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với người nghèo. Nếu người nghèo không có thẻ BHYT sẽ là một gánh nặng cho gia đình, không thể được tiếp cận với những dịch vụ y tế tốt nhất có phí lớn và rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm” đành chấp nhận theo số phận chỉ vì không có tiền để chi trả chi phí khám, chữa bệnh… Như vậy, việc người dân tham gia BHYT theo Thông tư 02/2017/TT-BYT sẽ có lợi rất lớn. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc làm này sẽ góp phần thúc đẩy người dân tham gia BHYT, tiến tới thực hiện BHYT toàn dân.
 
Chỉ tiêu 77,8% người dân trong tỉnh tham gia BHYT vào cuối năm 2017
 
Theo kết luận của ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị triển khai chỉ tiêu bao phủ BHYT toàn dân năm 2017 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng mới đây đã chỉ đạo các đơn vị phấn đấu đạt chỉ tiêu 77,8% người dân tham gia BHYT vào cuối năm 2017.
 
Trong năm 2016, việc triển khai phát triển đối tượng tham gia BHYT trong tỉnh cơ bản đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (đạt 71,84% so với chỉ tiêu giao 72,5%); Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Y tế và các sở, ngành, đoàn thể liên quan tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 29/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHYT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; chỉ tiêu tham gia BHYT tiếp tục được đưa vào trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT được quan tâm, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật BHYT.
 
Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; cải thiện thái độ, phong cách phục vụ của đội ngũ y, bác sỹ; tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh; xây dựng lộ trình giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực để giúp người dân sớm được tiếp cận với những dịch vụ y tế chất lượng cao, đáp ứng hơn nữa sự hài lòng của người tham gia BHYT; khắc phục các tồn tại, bất cập trong kết nối dữ liệu liên thông BHYT với cơ quan BHXH nhằm phục vụ tốt công tác giám định BHYT, chống lạm dụng Quỹ BHYT.
 
Sở Tài chính bảo đảm ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT cho người nghèo, người DTTS, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách khác theo quy định; chuyển kinh phí kịp thời cho cơ quan BHXH để phục vụ công tác khám, chữa bệnh BHYT. Phối hợp với các sở, ngành tham mưu, đề xuất các nguồn kinh phí để hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng theo quy định.
 
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT; đảm bảo mọi người lao động (có hợp đồng lao động trên 3 tháng) được đóng BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tiến hành khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm theo quy định. Thống kê số người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình để đề xuất hỗ trợ mức giảm trừ đóng BHYT; đồng thời, tăng cường phối hợp tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT đối với nhóm đối tượng này để họ hiểu về quyền và trách nhiệm tham gia BHYT, chính sách hỗ trợ của nhà nước khi tham gia BHYT.
 
Sở Giáo dục và Đào tạo ngay từ năm 2017, xem xét việc đưa chỉ tiêu tham gia BHYT là một tiêu chuẩn xét thi đua, khen thưởng; đánh giá hoạt động của các trường. Rà soát việc tham gia BHYT của học sinh, sinh viên tại các trường thuộc quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc khi triển khai phát triển BHYT đối tượng này, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết. 
 
UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình, Kế hoạch phát triển BHYT đã ban hành; phân công cụ thể từng ngành, từng địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHYT; tập trung nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT thấp, đảm bảo đạt chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên chi bộ thôn, xóm trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT tại cơ sở; đảm bảo các xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới có tỷ lệ bao phủ BHYT từ 85% trở lên theo quy định tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016.
 
AN NHIÊN