Đến thôn Duệ, xã Đinh Lạc (Di Linh), được già làng K'Tiếu giới thiệu về bà Ka Ệp - người phụ nữ hiếm hoi ở Di Linh không chỉ biết dệt thổ cẩm mà còn biết đến nghề đan lát truyền thống...
Đến thôn Duệ, xã Đinh Lạc (Di Linh), được già làng K’Tiếu giới thiệu về bà Ka Ệp - người phụ nữ hiếm hoi ở Di Linh không chỉ biết dệt thổ cẩm mà còn biết đến nghề đan lát truyền thống...
|
Bà Ka Ệp ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm đẹp. Ảnh: N.Brừm |
Trong đời sống văn hóa của người K’Ho, nghề đan lát (đan gùi, nong nia, đơm, đó…) là nghề của người đàn ông và được làm trong lúc nông nhàn. Còn phụ nữ phải biết may vá, dệt thổ cẩm và đan chiếu, lơ…, nhưng với bà Ka Ệp chẳng những biết thành thạo các công việc của người phụ nữ bản địa mà còn biết đan nhiều loại vật dụng để phục vụ sinh hoạt hằng ngày, mà nhiều người đàn ông không thể làm được.
Bà Ka Ệp chia sẻ: “Từ khi cha mất, nên không có gùi phục vụ đời sống sinh hoạt gia đình. Được cha trồng sẵn khóm nứa tại vườn nhà, nên tôi có nguyên liệu để tập tành đan lát các loại vật dụng sinh hoạt. Đầu tiên, tôi xem các sản phẩm của những người đi trước rồi tự mày mò, tìm tòi và đến nay tôi đã đan được nhiều loại sản phẩm khác nhau. Nhưng khó nhất hiện nay là đi tìm nguyên vật liệu và đan loại gùi nhỏ (gùi hoa), vì nó đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ qua từng công đoạn”.
Hiện nay, nghề đan gùi ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang ngày càng mai một. Nghề này tuy không vất vả, cực nhọc như một số công việc khác nhưng đòi hỏi ở người đan phải có sự kiên trì và đôi tay khéo léo... Những năm gần đây, do sức khỏe yếu, nên bà Ka Ệp không đảm đương những công việc nặng nhọc của gia đình, mà chỉ ở nhà trông nom con cháu và đan lát (chủ yếu là đan gùi) để có thêm thu nhập cho đời sống gia đình, nhưng cái chính là thỏa mãn lòng đam mê, duy trì và lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc.
Những sản phẩm gùi hoa của bà Ka Ệp có nhiều hình dạng, kích cỡ khác nhau và được trang trí hoa văn khá bắt mắt, nên được nhiều khách hàng tại địa phương và ngoài tỉnh đến mua. Mỗi tháng bình quân bà Ka Ệp đan 10 chiếc gùi theo đơn đặt hàng. “Những năm cao điểm tôi đan trên dưới 100 chiếc gùi. Tùy theo sức khỏe, nhanh nhất chỉ 2 ngày hoàn thành một sản phẩm và chậm nhất là từ 4 - 5 ngày. Tùy theo kích cỡ lớn nhỏ mà tôi bán với giá từ 250.000 - 600.000 đồng/chiếc” - bà Ka Ệp nói.
Bà Ka Ệp là người am hiểu rành mạch từng loại sản phẩm, từ cấu tạo cho đến cách đan hoàn thành sản phẩm…, nhất là chiếc gùi. Ngoài các loại gùi thông thường, người K’Ho còn đan loại gùi chỉ dành riêng cho phụ nữ, đó là sớ bơnơr hay sớ srài (gùi hoa) dùng cho việc đi chợ, lễ hội…, nhằm tô thêm vẻ đẹp của người phụ nữ miền núi.
Tuy chồng bà Ka Ệp không biết đan gùi và nghề này cũng không phải nghề của người phụ nữ, nhưng hằng ngày bà Ka Ệp vẫn miệt mài với những chiếc gùi, mong muốn tạo ra những sản phẩm có thẩm mỹ cao, đáp ứng được lòng mong mỏi của bà con các vùng lân cận cũng như du khách thập phương… Có lẽ, hiện nay niềm vui lớn nhất của bà Ka Ệp không phải là tạo ra thật nhiều sản phẩm để cung cấp cho thị trường, mà chính là bà đã truyền được nghề cho hai người con, Ka Ing và K’Boi.
Già làng K’Tiếu phấn khởi: “Tôi sống đến nay gần 70 tuổi rồi, nhưng tôi chưa từng chứng kiến một người phụ nữ giỏi đan lát như bà Ka Ệp. Điều đặc biệt nữa là bà Ka Ệp không học hỏi với bất cứ ai, tự mình tìm tòi qua từng công đoạn, từng loại sản phẩm khác. Nhiều sản phẩm người đàn ông không đan được, nhưng Ka Ệp lại đan được và có tính thẩm mỹ cao. Niềm vui và hạnh phúc nhất của bà Ka Ệp, là hiện nay bà đã từng bước truyền lại nghề cho con cái để duy trì, lưu giữ nghề đan lát truyền thống của người K’Ho”.
Với lòng đam mê, những năm qua, bà Ka Ệp đã góp phần lưu giữ và bảo tồn nghề đan lát truyền thống của người K’Ho, bà vinh dự được UBND huyện Di Linh trao Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
NDONG BRỪM