Những bàn tay biết nói

09:05, 18/05/2017

Một chiều mưa ở quán trà của những người bạn câm điếc có tên gọi dễ thương - Quán của thời thanh xuân, nhấp một ngụm trà hoa sói thơm phức, nếm những chiếc bánh quy đượm vị nồng nàn… Thế mà bình yên.

Một chiều mưa ở quán trà của những người bạn câm điếc có tên gọi dễ thương - Quán của thời thanh xuân, nhấp một ngụm trà hoa sói thơm phức, nếm những chiếc bánh quy đượm vị nồng nàn… Thế mà bình yên.
 
Quán của thời thanh xuân - một dự án hướng tới đưa các bạn câm điếc (ở số 9B Triệu Việt Vương, Phường 4, TP Đà Lạt) hòa nhập cộng đồng, có thể học tập, làm việc một cách công bằng với những người bình thường.
 
Quỳnh (bìa trái) thường là người tiếp khách để giới thiệu và giao tiếp giữa khách đến nhà và các bạn câm  điếc. Ảnh: H.T - N.N
Quỳnh (bìa trái) thường là người tiếp khách để giới thiệu và giao tiếp giữa khách đến nhà
và các bạn câm điếc. Ảnh: H.T - N.N
Nối vòng tay lớn
 
Gọi là quán trà nhưng ở Quán của thời thanh xuân không bán trà. Quán miễn phí trà tiên, trà hoa sói và bánh quy tự làm cho những vị khách - hay nói đúng hơn là những người bạn tới thăm, chia sẻ câu chuyện của các bạn câm điếc. Quán chỉ bán bánh xà phòng, tinh dầu, sen đá… những sản phẩm handmake được làm bởi chính các bạn câm điếc đang sống và làm việc tại đây được lắng nghe câu chuyện của họ. Người khởi xướng dự án này là Võ Thành Luân - một chàng trai sinh ra ở xứ trà B’Lao. Từ bỏ một công việc đàng hoàng sau khi đi du học về để đi giao bán từng lọ tinh dầu, từng bánh xà phòng; tự mình mày mò đục đẽo làm nên căn nhà, cái quán nhỏ xinh bây giờ, rồi Luân tìm những bạn câm điếc tới học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp hòa nhập với bên ngoài… 
 
Thế nhưng điều mà anh gọi là phép nhiệm màu đó là dự án được sự đồng hành và ủng hộ của tất thảy những người thân cho đến người quen. “Trước quán trà này, mình có làm dự án Nhà của thời thanh xuân, xây dựng một ngôi nhà có sự chung sống và làm việc bình đẳng giữa người bình thường và các bạn câm điếc. Các bạn câm điếc làm soap xà phòng thủ công mang tên Soap 7 ngày yêu với những mùi hương được chiết xuất tự nhiên như sả, cam, quế, lavender, chùm ngây, trà xanh, bạc hà. Để công việc phát triển thuận lợi hơn đồng thời có thể đa dạng các hoạt động cho những bạn, từ Nhà của thời thanh xuân đã được chuyển qua thành quán của thời thanh xuân với những cách thức vận hành và công việc mới bên cạnh việc sản xuất soap thơm tự nhiên”, anh Luân chia sẻ.
 
Quán hay nhà cũng đều được gắn với chữ thời thanh xuân. Không chỉ bởi thời thanh xuân gợi lên một cảm giác gì đó rất trẻ, rất đẹp, đầy sức sống mà còn bởi với anh Luân và với những bạn ở nơi này Quán hay Nhà đều lưu giữ những ngày và những điều tốt đẹp trong thời thanh xuân của họ.
 
Sống như những đóa hoa 
 
Những ngày thứ sáu đặc biệt, cả nhà không ai nói bất cứ một lời nào, thậm chí là hạn chế cả giấy viết - cách những người nói năng bình thường sống cuộc sống của các bạn câm điếc, lặng lẽ như những đóa hoa và mỗi con người một câu chuyện.
 
Đó là câu chuyện về anh Võ Duy Quang (hiện là giáo viên giảng dạy tại Trường Khiếm thính Lâm Đồng), vừa là thầy giáo dạy ngôn ngữ ký hiệu của mọi thành viên của quán, vừa giữ vai trò sợi dây liên kết giữa người nói và người khiếm thính ở đây. Mỗi buổi tối thứ ba và thứ năm hằng tuần, một lớp học ngôn ngữ ký hiệu lại sáng đèn nhưng không có tiếng nói, đưa người nói và người câm điếc thính xích lại gần hơn. 
 
Đó là Phạm Thị Như Quỳnh, cô gái nhỏ nhắn một mình lặn lội từ Đà Nẵng vào Đà Lạt. Ban đầu, Quỳnh dự tính chỉ làm tình nguyện ở đây 10 ngày, để rồi sau nửa năm gắn bó, cô bạn cảm thấy ý nghĩa của cuộc sống ở đây nhiều hơn tất thảy những năm tháng trước đó cộng lại. Quỳnh đã quyết định ở lại, cần mẫn học ngôn ngữ ký hiệu và giúp đỡ các bạn câm điếc giao tiếp, đi chợ, nấu nướng và tự chăm sóc bản thân. Với Quỳnh đó là niềm vui, là cách để cô trưởng thành, để biết sống yêu thương sau suốt những năm tháng dài sống trong sự bảo bọc, chở che, chăm sóc của bố mẹ.
 
Hay Phương Anh, Vy những cô gái Sài Gòn tài ba với những công việc ổn định cho các công ty nước ngoài ở Việt Nam nhưng vẫn làm tình nguyện viên ở Quán của thời thanh xuân.
 
Những tình nguyện viên như Quỳnh, Phương Anh, Vy… dường như không còn nhận ra mình chỉ sau một thời gian ngắn. Ở đây, họ phải làm hàng trăm công việc không tên, nhưng cũng học được rất rất nhiều thứ mà nếu ở những nơi khác, có thể phải tốn thời gian rất dài mới có được. “Nhiều lúc mình tự hỏi, tại sao mình lại chấp nhận mọi khó khăn, những áp lực này? Câu trả lời có lẽ là xuất phát từ chính những cảm xúc của bản thân mình. Mình hạnh phúc vì những điều được làm ở đây, dù là nhỏ nhoi. Cũng có những lúc mệt mỏi, cũng có những bất đồng và cả những giọt nước mắt, nhưng điều đáng quý là mọi người vẫn ở bên nhau, động viên nhau bằng một tinh thần lạc quan. Đến giờ, điều Quỳnh lo lắng không phải là tương lai mình sẽ làm gì, công việc, cuộc sống của mình sẽ ra sao mà chính là trăn trở khi nghĩ đến việc mình còn đồng hành với các bạn câm điếc được đến bao giờ? Tương lai mình có thể đóng góp khả năng gì thêm vào hoạt động của quán, thay vì chỉ là công sức như hiện tại”, Quỳnh tâm sự. 
 
Những bàn tay biết nói lời yêu thương 
 
Nhờ Quỳnh làm “phiên dịch”, chúng tôi biết rằng điều khiến Lê Thị Thu Trang -  người câm  điếc đầu tiên gắn bó với nơi này cảm thấy hạnh phúc nhất là khi được tự tay gói ghém yêu thương trong từng bánh xà phòng và được gặp nhiều những người bạn mới đến với Quán của thời thanh xuân. Đặc biệt, thấy các bạn ai cũng muốn học ngôn ngữ ký hiệu, Trang vui lắm. Niềm vui ấy của Trang, chắc chẳng bao giờ giấu được, vì nụ cười và biểu cảm khuôn mặt, ký hiệu đôi bàn tay của cô hiện rõ, đến giờ này chúng tôi vẫn còn nhớ như in. Trang cũng rất tự tin khi có thể đi chợ, đi giao hàng, gửi hàng một mình.
 
Còn với bạn Nguyễn Hoàng Dung, trước đây, Dung là thợ may nên ở cô có một sự điềm tĩnh và kiên nhẫn. Dung chào đón khách bằng nụ cười và những cái vẫy tay hiền hòa. Chứng kiến Dung say mê khi ngồi bên chiếc máy may mini, tự tay đặt lên đó những đường kim mũi chỉ, tự tay thiết kế trang phục cho các thành viên trong nhà… mới nhận ra Dung đang hạnh phúc. 
 
Những bạn câm điếc ở đây luôn nở nụ cười và thể hiện yêu thương qua đôi bàn tay. Đôi bàn tay nấu những bữa ăn nóng hổi, buộc hoa trên từng đôi đũa xinh. Đôi tay cẩn thận gói ghém từng bánh xà phòng, chiết từng lọ tinh dầu thơm hương. Đôi bàn tay làm bánh thơm, đôi tay muốn “may vá” tất cả thế giới nhỏ của  quán, hay những cái nắm tay thật chặt nguyện ước một bữa ngon miệng, một buổi tối bình an. 
 
Quán của thời thanh xuân - những dự định, còn rất nhiều nhưng khó khăn hiện còn không ít. Nhưng rào cản lớn nhất ở đây, theo anh Luân, người sáng lập, không phải là sự khác biệt về nhận thức và ngôn ngữ hay những thiếu thốn về vật chất… hoàn toàn có thể cân bằng. Mà  đó là việc nếu bản thân các bạn câm điếc không xác định được việc mình muốn làm, hay gia đình bảo bọc các bạn quá kỹ càng, thì không ai có thể chạm tới những trái tim ấy. Anh Luân và Quán đã phải chia tay rất nhiều bạn như thế.
 
“Mục tiêu của quán là người câm điếc và người bình thương  giá trị ngang bằng như nhau, cùng nhau học, cùng nhau làm và cùng tôn trọng lẫn nhau. Các bạn được học tập và làm những thứ mình thích. Những vị khách của quán dạy các bạn làm tranh dán, làm bánh, vẽ… Ở quán, mình dạy các bạn kỹ năng giao tiếp, giúp các bạn học nhiều thứ để các bạn sau này có thể sống và làm việc như một người bình thường. Bởi cuộc sống là ở ngoài kia chứ chẳng thể gói gọn trong không gian này mà ở ngoài kia mới là cuộc đời các bạn phải tự bước đi”, anh Luân bộc bạch.
 
H.THẮM - N.NGÀ