Những món quà ở Hoa Phong Lan

09:05, 23/05/2017

Tập trung, cần mẫn, tỉ mỉ… là những công đoạn để làm nên các món đồ thủ công từ hạt cườm. Công việc đó đối với những người bình thường đã khá phức tạp, còn đối với cô trò Trường thiểu năng Hoa Phong Lan lại càng khó khăn hơn rất nhiều. Mỗi sản phẩm thủ công được hoàn thành là biết bao nỗ lực, công sức, tâm huyết của cô và trò ở lớp học đặc biệt ấy.

Tập trung, cần mẫn, tỉ mỉ… là những công đoạn để làm nên các món đồ thủ công từ hạt cườm. Công việc đó đối với những người bình thường đã khá phức tạp, còn đối với cô trò Trường thiểu năng Hoa Phong Lan lại càng khó khăn hơn rất nhiều. Mỗi sản phẩm thủ công được hoàn thành là biết bao nỗ lực, công sức, tâm huyết của cô và trò ở lớp học đặc biệt ấy.
 
Lớp học không chỉ tạo hứng thú mà còn rèn luyện khả năng tập trung và tính kiên nhẫn cho các em học sinh. Ảnh: H.Thắm
Lớp học không chỉ tạo hứng thú mà còn rèn luyện khả năng tập trung và tính kiên nhẫn cho các em học sinh. Ảnh: H.Thắm
Nằm trong dự án đào tạo nghề cho học sinh ở Trường thiểu năng Hoa Phong Lan, lớp học làm thủ công mỹ nghệ được xem như một sự thành công lớn. Nói đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ do các em học sinh của trường làm ra, cô Võ Thị Tuyết - Phó Hiệu trưởng Trường thiểu năng Hoa Phong Lan không khỏi tự hào: Qua 2 đợt bán hàng ở Trường Tiểu học Phan Như Thạch và Trường THCS Phan Chu Trinh, số tiền bán các sản phẩm của các em thu được hơn 12 triệu đồng. Đó là khoản tiền thu về từ chính sản phẩm của các em lớn nhất từ trước đến nay. Cuối năm, nhà trường dùng số tiền đó để phát thưởng cho các em, em nào cũng vui lắm.
 
Sẽ là một khó khăn nếu yêu cầu các em học sinh ở trường ngồi yên một chỗ và càng khó hơn khi yêu cầu các em tập trung làm một việc gì đấy có hiệu quả. Nhưng có tham dự lớp học làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ này mới thấy, các em ngồi đúng nhóm phân công, chăm chú xỏ từng hạt cườm. Có những hạt cườm lớn, nhưng cũng có những hạt nhỏ li ti. Ấy vậy mà chúng vẫn được xâu chuỗi thành các sản phẩm hoàn chỉnh. “Các em là những học trò đặc biệt, thế nên bản thân cô giáo cũng phải kiên trì dạy từng chút một, từ những chi tiết nhỏ nhất cũng phải hướng dẫn đi hướng dẫn lại nhiều lần. Thế nhưng nhìn những sản phẩm các em làm, nhiều người chắc không dám tin. Đến bản thân các cô cũng hết sức bất ngờ khi nhìn những thành phẩm của các em”, cô Tuyết cho biết thêm.
 
Quả thật, chúng tôi đã không khỏi bất ngờ khi cầm trên tay những chiếc móc khóa chuồn chuồn, cài tóc, giỏ xách, vòng tay… được kết từ hạt cườm một cách đẹp mắt, tinh tế. Có những đoàn khách, hay đoàn bác sỹ trong và ngoài nước tới với Trường thiểu năng Hoa Phong Lan khi về mang theo những món quà nhỏ do chính tay các em làm, ai cũng chung một niềm bất ngờ và xúc động.
 
Cô Nguyễn Thị Xi Soa - giáo viên phụ trách lớp thủ công mỹ nghệ cho hay: Để làm được những sản phẩm thủ công này, nhà trường phải đặt mua nguyên liệu ở TP Hồ Chí Minh vì ở Đà Lạt không có. Để có được sản phẩm cô phải suy nghĩ và sáng tạo mẫu sẵn để phù hợp với tư duy cũng như trình độ của các em. Đây là cách giáo giục kết hợp sự nhanh tay, nhanh mắt, đếm số và nhớ được mặt chữ… đồng thời tạo sự kiên nhẫn, điềm đạm cho các em. Mỗi buổi học nghề như vậy phải chia học sinh các lớp thành 3 - 4 nhóm khác nhau vì không phải em nào cũng nhanh nhạy, làm tốt. Những em còn chậm thì chỉ làm các công đoạn đơn giản như xếp chữ, xếp cánh hoa. Các nhóm học sinh sẽ được sắp xếp phù hợp với khả năng của các em cũng như độ khó của quy trình tạo ra sản phẩm.
 
Dù đã có gần 20 năm thâm niên giảng dạy tại trường nhưng để có được những thành quả như ngày hôm nay, cả cô Soa và học trò của mình đều trải qua những khó khăn chẳng thể đếm hết. Hằng ngày, cô Soa cũng phải lên mạng tham khảo, tìm những mẫu vừa đơn giản, vừa đẹp mắt, rồi phải nghĩ làm sao để có thể dễ dàng chuyền tải đến các em học sinh, vì nếu thao tác quá phức tạp thì sẽ làm khó các em học sinh. Rồi với mỗi nhóm học sinh lại phải có phương pháp truyền đạt khác nhau. Những ngày đầu phải vất vả lắm cô mới có thể hướng dẫn được từng em, về sau này những bạn khá hơn có thể kèm những bạn còn vụng về.
 
“Các công đoạn đòi hỏi các em phải tập trung, phối hợp cả mắt, tay, và cũng phải ghi nhớ để làm sao cho đúng, chứ chưa nói đến việc làm phải đẹp nữa. Đối với các em gặp khó khăn trong vận động, khó khăn càng tăng lên. Nếu các em tập trung quá lâu thì lại mỏi mắt, nên chỉ làm một số công đoạn dễ thôi. Thời gian đầu khá lộn xộn nhưng rồi cũng quen, giờ mình chỉ cần viết chữ ra giấy rồi để các em tự tìm chữ cái xâu thành tên, làm quà tặng các bạn”, cô Soa tâm sự.
 
Khi chuyển thành một lớp học chính như hiện nay thì ngoài việc tạo cho các em cơ hội rèn luyện tính kiên nhẫn, khả năng tập trung thì đây cũng là cơ hội để cải thiện kỹ năng, giúp các em tiến bộ hơn về vận động cũng như góp phần kích thích tư duy để các em tập nhớ từ những chi tiết đơn giản. Dẫu vậy, đối với cô và trò Trường Hoa Phong Lan, niềm vui của các em học sinh là khi tự tay làm ra các sản phẩm, dù tinh tế hay đơn giản để dành tặng cho bạn bè và người thân. 
 
Nguyễn Đạt Anh Vũ là học sinh xuất sắc nhất trong lớp học này. Cầm chiếc túi xách bằng hạt cườm được kết cẩn thận, cô Soa khoe đó là thành quả cần mẫn của Anh Vũ trong suốt một học kỳ. Khi ra thành phẩm đến bản thân cô cũng vô cùng bất ngờ với sự kiên trì đó của em. Tự tay làm được sản phẩm các em đều rất vui, Vũ và nhiều bạn khác trong lớp đã tự làm những sản phẩm, sau đó nhờ cô giáo cất giùm, đợi đến cuối năm nhận tiền thưởng các em sẽ tự mua tặng bố mẹ, bạn bè. “Trong buổi tổng kết năm học năm ngoái nhìn thấy các em kéo bố mẹ mình vào lớp, lấy những món quà và tặng cho bố mẹ. Khuôn mặt các em lúc đó rạng ngời hạnh phúc, bố mẹ các em ai cũng vui, cũng xúc động. Họ vui đến mức khóe mắt đều rưng rưng”, cô Soa nhớ lại.
 
HỒNG THẮM