Chúng tôi về Trường Tiểu học Phú Hiệp (xã Gia Hiệp, huyện Di Linh) đúng vào lúc học sinh đang trong giờ ra chơi. Trông thấy các em tụ tập thành từng nhóm dưới gốc cây, ghế đá và trên tay là những cuốn sách, tập truyện hoặc tờ báo say sưa đọc và thỉnh thoảng trao đổi với nhau, chúng tôi trò chuyện với một số thầy cô giáo trong trường thì mới biết, các em đang đọc sách tại "Thư viện xanh"...
Chúng tôi về Trường Tiểu học Phú Hiệp (xã Gia Hiệp, huyện Di Linh) đúng vào lúc học sinh đang trong giờ ra chơi. Trông thấy các em tụ tập thành từng nhóm dưới gốc cây, ghế đá và trên tay là những cuốn sách, tập truyện hoặc tờ báo say sưa đọc và thỉnh thoảng trao đổi với nhau, chúng tôi trò chuyện với một số thầy cô giáo trong trường thì mới biết, các em đang đọc sách tại “Thư viện xanh”. Đây là một hình thức tổ chức đọc sách ngoài trời, được Ban Giám hiệu và Thư viện Trường Tiểu học Phú Hiệp tổ chức cách đây 3 năm.
|
Học sinh Trường Tiểu học Phú Hiệp (xã Gia Hiệp, huyện Di Linh) đọc sách tại “Thư viện xanh”. Ảnh: X.Long |
Cùng với Thư viện “truyền thống” của nhà trường, từ năm 2012, Trường Tiểu học Phú Hiệp đã xây dựng thêm mô hình Thư viện lớp học. Gọi là Thư viện lớp học nhưng thực chất chỉ là 1 tủ sách được kê ở cuối lớp. Mỗi tủ sách chỉ có trên dưới 100 đầu sách các loại. Sau đó, đến năm 2014, được sự đồng ý của Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Phú Hiệp, Thư viện nhà trường đã xây dựng mô hình “Thư viện xanh”. Thực chất của Thư viện xanh chỉ có 2 tủ sách, với 400 đầu sách các loại, được kê ở ngoài trời để phục vụ nhu cầu đọc sách cho các em học sinh trong giờ ra chơi hoặc lúc chưa đến giờ vào lớp.
Theo cô giáo Lê Thanh Thụy, phụ trách Thư viện nhà trường: “Có thêm không gian đọc sách ngoài trời đã tạo cho các em thêm nguồn cảm hứng và khơi dậy văn hóa đọc. Ban Giám hiệu nhà trường lúc nào cũng quan tâm đến việc đọc sách của các em học sinh. Do đó, nhà trường đã phân công mỗi lớp có một đội cộng tác với Thư viện để hướng dẫn, giới thiệu sách và vận động các bạn tham gia đọc sách; đồng thời, quyên góp thêm sách báo cho Thư viện. Ngoài ra, Ban Giám hiệu nhà trường còn bắt buộc mỗi lớp phải duy trì 1 tiết đọc sách, đọc truyện/ 1 tuần. Nhờ vậy, các em dần dần có ý thức tự giác tham gia đọc sách ngày càng đông”.
Một em học sinh lớp 5A1 chia sẻ với chúng tôi: “Cháu thuộc diện làm biếng đọc sách báo. Nhưng từ khi có Thư viện xanh, nhìn thấy các bạn đọc sách báo, cháu bắt chước đọc theo rồi dần dần “mê” đọc lúc nào chẳng hay. Bởi vì, trong sách báo có vô vàn điều hay, không chỉ để tìm hiểu, nâng cao kiến thức mà còn để giải trí, thư giãn nữa!”.
Đến Trường THCS Phạm Văn Đồng (xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm), chúng tôi cũng bắt gặp một loại hình thư viện tương tự. Ở đây, Ban Giám hiệu nhà trường đặt cho một cái tên rất dễ thường là “Thư viện thân thiện”. Với “Thư viện thân thiện” chỉ là những “kệ sách di động” được đặt dưới cây có bóng mát trong sân trường. Thầy giáo Lương Quý Dương, Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Văn Đồng, trao đổi với chúng tôi: “Mỗi khi các em đọc xong ở Thư viện thân thiện đều tự giác trả sách ngay ngắn vào kệ. Trách nhiệm của Thư viện nhà trường là thường xuyên chọn lọc đầu sách, thay sách để phục vụ học sinh theo từng chủ đề và theo sự kiện. Với loại hình thư viện ngoài trời này, các em học sinh đỡ nhàm chán và khơi dậy cho mình niềm đam mê đọc sách”.
Có thêm Thư viện thân thiện, Thư viện Trường THCS Phạm Văn Đồng (xã Lộc Thành) nâng cao hơn chất lượng phục vụ. Bởi lẽ, từ trước đến nay, Thư viện “truyền thống” của Trường THCS Phạm Văn Đồng được đánh giá là hoạt động tốt. Thư viện nhà trường là một phòng riêng, có 8 tủ sách, với khoảng 15.000 đầu sách các loại, không chỉ phục vụ học sinh mà cho cả giáo viên nữa.
XUÂN LONG