Hình ảnh Bác luôn trong tim

09:05, 30/05/2017

Đứng trên cây cầu bắc qua sông Đạ Lây quanh năm chở nặng phù sa về tắm mát những cánh đồng lúa đang thì con gái, vùng đất "kinh tế mới" ngày nào giờ khoác lên mình diện mạo mới với màu xanh cây trái ngút ngát tầm mắt. Và ở đó, có những người con đến từ mọi miền Tổ quốc luôn mang theo hình ảnh Bác trong tim mình.

Từ thành phố hoa Đà Lạt, vượt hơn 150 km đường tôi kịp đến Đạ Lây trong một chiều chưa tắt nắng. Đứng trên cây cầu bắc qua sông Đạ Lây quanh năm chở nặng phù sa về tắm mát những cánh đồng lúa đang thì con gái, vùng đất “kinh tế mới” ngày nào giờ khoác lên mình diện mạo mới với màu xanh cây trái ngút ngát tầm mắt. Và ở đó, có những người con đến từ mọi miền Tổ quốc luôn mang theo hình ảnh Bác trong tim mình.
 
Bức ảnh Bác Hồ được cụ Trần Văn Khuyến treo ở nơi trang trọng ngay phòng khách gia đình. Ảnh: T.Trang
Bức ảnh Bác Hồ được cụ Trần Văn Khuyến treo ở nơi trang trọng ngay phòng khách gia đình. Ảnh: T.Trang
Không hẹn trước, cũng không đến trụ sở UBND xã như những lần về cơ sở, tôi ghé vào quán cà phê bên đường. Đạ Lây mùa này chợt nắng, chợt mưa. Tôi gọi ly cà phê đá uống vội và không quên “kiểm chứng”. Nghe nói ở đây nhà nào cũng treo ảnh Bác Hồ? - Tôi hỏi. Chị chủ quán nhanh nhảu, nhà mình treo ảnh Bác từ thời ba mình từ Huế vào đây lập nghiệp. Người Việt Nam, dù đi đâu thì Bác Hồ vẫn luôn trong tim mà. Chị bẽn lẽn, nét con gái Huế ở đâu vẫn thế.
 
Chưa kịp hỏi tên chị, tôi đến thẳng nhà Chủ tịch Hội Người cao tuổi (Hội NCT) xã Đạ Lây Phan Hữu Tuyến. Chú hỏi ai rứa? Cháu nghe nói Hội mình vừa được Tổng Bí thư gửi thư khen, và Ban Tuyên giáo Trung ương, UBND tỉnh tặng Bằng khen về phong trào treo ảnh Bác Hồ? Mời chú vô nhà đã… Và câu chuyện cứ thế trào dâng trong chiều Nam Tây Nguyên.
 
Hội NCT Đạ Lây thành lập năm 1997, đến nay có 9 Chi hội, với 277 hội viên (116 nam, 161 nữ). Hàng năm luôn được bình xét Hội vững mạnh xuất sắc. Chú Tuyến giới thiệu ngắn gọn về Hội. Còn về cuộc vận động treo ảnh Bác? - Tôi hỏi. Người Huế, người Nghệ An… vào đây lập nghiệp lâu rồi. Dù ở đâu thì hình ảnh Bác vẫn luôn trong tim. Cuộc vận động này cốt là để giáo dục thế hệ trẻ - chú Tuyến thổ lộ.
 
Vùng đất này ngày xưa là đồng không mông quạnh, được thanh niên xung kích vào khẩn hoang, mở đất phục vụ chương trình “kinh tế mới”. Năm 1978, những người Huế đầu tiên đưa gia đình vào đây lập nghiệp, trong đó có gia đình chú Tuyến. Đến năm 1986, có thêm 100 hộ ở vùng chiêm trũng Hà Nam vào làm bầu bạn, rồi năm 1993, thêm 44 hộ người Nghệ An vào đây sinh sống. Toàn xã giờ có 9 thôn, 782 hộ với hơn 3.460 nhân khẩu quần tụ bên dòng Đạ Lây hiền hòa, với nghề trồng lúa nước, cây công nghiệp và chăn nuôi.
 
Với bản tính cần cù của những con người chịu thương, chịu khó, giờ Đạ Lây đã có hình hài, bộ mặt nông thôn mới. Nhớ ngày đó, tôi dẫn hơn 150 hộ từ thành phố Huế vào đây, giờ đã ngót 35 năm rồi - chú Tuyến nhớ lại. Trước khi có Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhiều nhà ở xã Đạ Lây đã treo ảnh Bác Hồ. Nhưng Hội NCT Đạ Lây được chọn làm “điểm” của huyện để lan tỏa phong trào đến những tổ chức khác nên phải làm bài bản. Chủ tịch Hội cho biết, chúng tôi triển khai ba bước, từ tuyên truyền đến tổ chức lễ treo ảnh Bác ở gia đình hội viên tiêu biểu, rồi triển khai ra diện rộng… Và tháng 1/2013, 100% gia đình cán bộ, hội viên đã treo ảnh Bác tại vị trí trang trọng trong gia đình. 
 
Nhiều tổ chức đến tặng ảnh Bác Hồ cho hội mình lắm, mình giữ đây để khi con cháu trong xã lập gia đình ra ở riêng, Hội sẽ đến tặng - Chú Tuyến nói. Ngoài việc treo ảnh Bác, Hội NCT Đạ Lây còn triển khai thành công đầu tiên cuộc vận động nhân dân không rải vàng mã khi đưa tang, giữ gìn vệ sinh thôn xóm. Rồi phong trào văn nghệ, thể thao được duy trì thường xuyên, phong trào giúp nhau làm kinh tế luôn đạt thành tích cao... Những hội viên “tuổi cao, gương sáng”, như cụ Đặng Toản được huyện biểu dương về học tập và làm theo gương Bác; cụ Trần Văn Khuyến, người được tỉnh biểu dương ba năm liền; cụ Nguyễn Chiêm, vẫn dẻo dai trên những luống cày, nuôi bò phát triển kinh tế… Đó là những cá nhân luôn học và làm theo Bác, là tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã mình - chú Tuyến nói.
 
Trong căn nhà xưa “ba gian, hai chái” kiểu Huế của gia đình cụ Trần Văn Khuyến, hình ảnh Bác Hồ lung linh, trang trọng trên bức tường cao giữa phòng khách. Cụ nói: Treo ở đó để khi một ai bước vào nhà đều thấy Bác kính yêu. Mỗi lần nhìn ảnh Bác thấy tâm mình trong sáng hơn. Hồi ở phường Vĩnh Ninh (TP Huế), cụ được Thành ủy giao làm đội trưởng đội sản xuất, rồi được học qua lớp quản lý để dẫn 12 hộ dân, hơn 40 người vào vùng kinh tế mới Đạ Lây năm 1978. Hơn 10 năm cụ “gắn” với dân bằng nhiệm vụ đội trưởng đội 10, trưởng thôn Hương Bình 1, Phó Chủ tịch Mặt trận xã Đạ Lây. Mình phải làm gương thì mới giáo dục được con cháu. 
 
Cách nhà cụ Khuyến mấy con đường làng, tôi gặp cụ Đặng Toản, người Quảng Bình. Vẫn nét xưa, người cũ của vùng đất “chang chang cồn cát…”. Cụ nói: Chiến tranh mình phải đi lưu lạc khắp nơi, khi nhà nước có chương trình kinh tế mới mới vào đây sinh sống. Chín đứa con cũng theo cha vào đây lập nghiệp. Hồi mới vào, cụ làm đội trưởng đội 4. “Tui là người tổ chức chăn nuôi đầu tiên ở xã, từ kinh nghiệm của mình rồi “vẹ” (chỉ bày) bà con nên họ quý lắm” - cụ Toản bộc bạch. Còn chuyện treo ảnh Bác? - Tôi hỏi. Từ ngày còn khó khăn trên vùng quê mới, tui đã tuyên truyền cho bà con về việc treo ảnh Bác rồi. Cụ nói rồi chỉ lên phía trang trọng của phòng khách, bức ảnh Bác Hồ đã úa màu thời gian… Bức ảnh vô giá này cụ được một anh bộ đội tặng từ những năm tháng chiến tranh lưu lạc. Suốt bao nhiêu năm qua, cụ luôn giữ gìn, nâng niu ảnh Bác như báu vật.
 
Một trong những con đường hoa được Hội Phụ nữ xã phối hợp xây dựng. Ảnh: T.Trang
Một trong những con đường hoa được Hội Phụ nữ xã phối hợp xây dựng. Ảnh: T.Trang
Theo Bí thư Đảng ủy xã Đạ Lây Đào Văn Chính, ngay khi có chủ trương triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, bằng những việc làm hết sức cụ thể, Hội NCT của xã đã triển khai vận động toàn thể hội viên treo ảnh Bác trong gia đình. Mỗi hội viên, đảng viên còn tự giác sưu tầm các mẩu chuyện, những bài viết liên quan đến tấm gương đạo đức về Bác để trao đổi, thảo luận dưới cờ và học tập, làm theo. Đến nay, không riêng gì Hội NCT, các tổ chức chính trị - xã hội trong xã cũng đều đăng ký thực hiện và gắn với từng việc làm cụ thể để noi theo gương Bác, việc làm này giờ đã lan tỏa hầu hết ở các thôn xóm, gia đình ở Đạ Lây. Điều đó cũng “trùng” với ước nguyện của người dân… là để ghi nhớ công ơn Người, đồng thời đây còn là cách giáo dục thiết thực đối với thế hệ trẻ. Từ Hội NCT của xã, nay phong trào đã lan rộng ra toàn huyện Đạ Tẻh, với hơn 92% hộ gia đình người cao tuổi treo ảnh Bác - Bí thư xã Đạ Lây nói. 
 
Phó Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh Trương Thái Anh Quốc cho biết: Sau khi Đạ Lây được Trung ương, Tổng Bí thư gửi thư khen, việc treo ảnh Bác đã lan tỏa rộng khắp trên địa bàn huyện. Các tổ chức chính trị - xã hội điều hưởng ứng tích cực; các cơ quan làm việc đều có ảnh Bác và ghi lời dạy của Bác treo trang trọng ở phòng làm việc. Nói chung là phong trào đã lan tỏa đều khắp trên các lĩnh vực đời sống xã hội, kể cả phát triển kinh tế, các hội đoàn nay còn phát triển thêm các việc làm cụ thể, nổi bật như Hội Phụ nữ nhận trồng thêm hoa cỏ, làm xanh, sạch, đẹp cho các tuyến đường liên thôn, liên xã. 
 
Cũng theo Phó Bí thư huyện Đạ Tẻh, sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị 03, và tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trên từng lĩnh vực đời sống - xã hội của Đạ Tẻh đều đã góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội; an ninh - quốc phòng địa phương bảo đảm; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố.
 
Môi trường sống giữa người và người trong nhân dân có chuyển biến tích cực; môi trường làm việc trong cán bộ, công chức trở nên thân thiện hơn, cán bộ, công chức phục vụ nhân dân tốt hơn, việc phiền hà sách nhiễu đã hạn chế đến mức thấp nhất. 
 
Không chỉ vậy, thông qua việc học tập, làm theo gương Bác, tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, trong dân ngày càng được khẳng định, phát huy tích cực; tạo môi trường làm việc thân thiện, hài hòa để phục vụ nhân dân. 
 
Với một xã xa xôi nằm ở phía thượng nguồn sông Đồng Nai, điều kiện kinh tế - xã hội dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng mỗi gia đình nơi đây đều treo ảnh Bác ở nơi trang trọng nhất. Nhiều bậc cao niên không nén được cảm xúc khi tự mình nâng chân dung Bác đặt lên bàn thờ tổ tiên. “Với tôi, Bác Hồ luôn sống mãi trong tim” - cụ Đặng Toản nói.
 
Nam Lâm Đồng chiều buông sớm. Tạm biệt Đạ Lây trở về với phố núi Đà Lạt, trong trí nhớ của tôi vẫn vẹn nguyên những dòng chữ chân thành trong bức thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, gửi Hội NCT Đạ Lây: “... các cụ đã nêu gương sáng trước con cháu, gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta, nhất là lớp người cao tuổi đối với công lao trời biển của Bác Hồ...”.
 
THỤY TRANG