(LĐ online) - Sau nhiều lần đưa ra các biện pháp để chấn chỉnh, quản lý, hiện tại, tình trạng khai thác cát trái phép ở sông Đồng Nai, huyện Cát tiên vẫn còn phát sinh nhiều vấn đề cần cơ quan chức năng bắt tay vào giải quyết.
(LĐ online) - Sau nhiều lần đưa ra các biện pháp để chấn chỉnh, quản lý, hiện tại, tình trạng khai thác cát trái phép ở sông Đồng Nai, huyện Cát tiên vẫn còn phát sinh nhiều vấn đề cần cơ quan chức năng bắt tay vào giải quyết.
Cấp phép vẫn khó quản lý
Theo quy định của pháp luật, hàng năm, các tổ chức, cá nhân được cấp phép vẫn phải lập kế hoạch và đăng ký khai thác khoáng sản cát với cơ quan chức năng trước khi triển khai hoạt động khai thác, đồng thời thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Tuy nhiên, qua kiểm tra và phản ánh của người dân, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại trong hoạt động khai thác cát ở khu vực sông Đồng Nai, thuộc địa bàn xã Phước Cát II, huyện Cát Tiên như: vi phạm về vị trí khai thác, phổ biến là khai thác không đúng khoảng cách xa bờ theo như giấy phép cấp; khai thác không đúng thời gian quy định; khai thác quá công suất đăng ký; khai thác tràn lan làm sạt lở đất bờ sông… gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Trên địa bàn huyện Cát Tiên hiện có 6 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khai thác cát bao gồm 5 tổ chức và một cá nhân, được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp 9 giấy phép và đang hoạt động khai thác trên sông Đồng Nai thuộc địa bàn các xã: Đức Phổ, Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Phước Cát 1, Phước Cát 2 và thị trấn Cát Tiên. |
Ông Đoàn Ngọc Nam - Chủ tịch UBND xã Phước Cát II, cho biết: “Riêng trên địa bàn xã, trong thời gian từ đầu tháng 7/2016, mỗi ngày đều có rất nhiều tàu khai thác cát hoạt động ngày đêm. Một đoạn sông dài chưa tới 500 mét nhưng mỗi ngày có đến 4 tàu hút cát hoạt động gây bức xúc cho người dân do đứng trước nguy cơ bị sạt lở đất nông nghiệp. Trung bình một ngày UBND xã nhận trên 5 tin báo của người dân về việc tàu hút cát của phía tỉnh Bình Phước không có số hoạt động không đúng theo quy định được cấp phép và cả những tàu hoạt động khai thác “lậu”. Xã đã cử cán bộ xuống kiểm tra, hầu hết các tàu hút cát đứng giữa sông, nhưng vòi hút thì đặt phía bên địa bàn Lâm Đồng. Khi biết lực lượng chức năng đến, các tàu này rời đi nhưng chỉ ít phút sau thì lại nhanh chóng quay lại hút tiếp, lúc này vòi hút cát miễn cưỡng quay sang phía tỉnh bạn.”
Có thể thấy, công tác quản lý của chính quyền từ huyện đến xã đang gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân tồn tại khá lâu nay chưa thể tháo gỡ, dù đã đôi lần “hội họp” để bàn giải pháp phối hợp quản lý - đó là một dòng sông nhưng 2-3 tỉnh quản lý. Quan điểm về vấn đề cấp phép khai thác cát trên đoạn sông mà 3 đơn vị đều quản lý cũng khác nhau nên càng khó quản lý.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào năm 2011, trước những hệ lụy của việc khai thác cát trên sông Đồng Nai, để bảo vệ dòng sông cũng như hạn chế thiệt hại cho người dân, tỉnh Lâm Đồng, từ tháng 5/2011 đã thực hiện ngừng cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi trên sông Đồng Nai thuộc ranh giới 2 huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, giáp ranh với 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND hai huyện Cát Tiên và Đạ Tẻh công bố đường dây nóng, kịp thời tiếp nhận thông tin của nhân dân phản ánh, kiến nghị các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến khoáng sản để xử lý hoặc đề xuất xử lý theo quy định. Tuy nhiên, phía Bình Phước thì hiện vẫn đang cấp phép khai thác cát cho rất nhiều đơn vị đến tận năm 2018.
Các đơn vị được cấp giấy phép khai thác hầu hết không trực tiếp khai thác cát mà thuê người và phương tiện khai thác. Các đơn vị khai thác được thuê thì sử dụng tàu thuyền không có ký hiệu kiểm soát và khoán theo sản lượng khai thác nên chính quyền không thể quản lý, cũng không kiểm tra được công suất khai thác. Vậy nên các tàu này luôn khai thác một cách ồ ạt với tâm lý “hút càng nhiều càng tốt” khiến lòng sông ngày càng bị khoét sâu, dẫn tới lũ lớn vào mùa mưa và làm biến đổi sinh thái cũng như môi trường ở khu vực sông.
Trong khi đó, việc cấp phép khai thác khoáng sản cát có đoạn cấp nguyên lòng sông, có đoạn cấp một nửa lòng sông gây khó khăn cho công tác quản lý và kiểm soát phương tiện khai thác. Mặt khác, phương tiện phục vụ cho công tác tuần tra, kiểm tra để xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản còn thiếu, chưa đảm bảo cho công tác trước những hành vi của những đối thượng khai thác cát trái phép.
|
Sau nhiều hệ lụy, tình trạng khai thác cát vẫn diễn ra “náo nhiệt” trên sông Đồng Nai |
Đất bị sạt lở, lòng sông ngày càng sâu
Theo thống kê của Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Cát Tiên, đến cuối năm 2016, tổng diện tích đất sản xuất dọc bờ sông Đồng Nai (đoạn chảy qua địa bàn huyện Cát Tiên) bị sạt lở lên đến 110.256,5 m
2. Trong đó, diện tích bị sạt lở được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) là 16.075 m
2; diện tích bị sạt lở ngoài giấy CNQSDĐ là 94.181,5 m
2.
Ông K’ Dũng, trú tại Buôn Go, thị trấn Cát Tiên tỏ ra bức xúc: “Nhiều đoạn sông Đồng Nai hiện bị sạt lở mạnh. Trước đây, sau mỗi đợt lũ thường có lượng phù sa bồi đắp lại nhưng bây giờ do khai thác cát không khoa học, tuỳ tiện nên lòng sông quá sâu vùng này không còn đất phù sa nữa. Do lượng lớn cát tập trung ven bờ nên tàu khai thác Cát thường hút lén khiến hai bên bờ bị sạt lở gây mất đất sản xuất của người dân”.
Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Cát Tiên về tình hình hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai, từ năm 2016 đến nay, qua công tác kiểm tra, ngành chức năng huyện đã xử lý vi phạm hành chính 49 trường hợp vi phạm các quy định về khai thác cát với tổng số tiền hơn 132 triệu đồng. Trong đó, số vụ do UBND huyện xử lý là 1 trường hợp với số tiền xử lý vi phạm hành chính là 30 triệu đồng; Công an huyện xử lý 36 vụ với tổng số tiền phạt trên 60 triệu đồng; cấp xã xử lý 12 vụ với tổng số tiền khoảng 42 triệu đồng. Việc vi phạm hầu hết là các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát. Các doanh nghiệp đã tổ chức đền bù thiệt hại cho các hộ dân. Tuy nhiên, điều mà người dân trong vùng lo ngại là quỹ đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp do tình trạng khai thác cát hiện vẫn đang diễn ra.
“Tiền bồi thường chẳng đáng là bao, không thể đủ để chúng tôi mua lại diện tích đất đã bị mất. Về lâu dài, nếu đất tiếp tục bị sạt lở thì chúng tôi không còn đất để làm nông nghiệp.”- Ông K’ Dũng lo ngại.
Nên ngưng cấp phép khai thác cát
Bí thư Đảng uỷ xã Phước Cát II, ông Đoàn Ngọc chứng kiến cảnh đất của người dân trong xã vẫn đang bị sạt lở liên tục mà tình trạng khai thác cát thì không biết khi nào mới chấm dứt bức xúc: “Tôi cùng với Đảng uỷ, uỷ ban đã nhiều lần kiến nghị ngừng cấp phép khai thác cát ở cả hai bên bờ sông và nỗ lực tổ chức kiểm tra, cả phục bắt để xử phạt và răn đe những tàu khai thác cát có dấu hiệu sai phạm nhưng chúng tôi luôn phải ra về trong thất vọng, bởi khi bắt được cũng chẳng thể xử phạt. Tôi và bao nhiêu người dân ở đây chỉ mong muốn sớm chấm dứt tình trạng khai thác cát ở đây càng sớm càng tốt. Vì rõ ràng, lợi đâu không thấy, chỉ thấy người dân và chính quyền xã lúc nào cũng thấp thỏm lo bờ sông sạt lở. Đã có nhiều hộ dân bị mất đất sản xuất, mất cả phù sa cho cả vùng.”
Theo đó, trên địa bàn xã Phước Cát II hiện có ba khu vực được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép khai thác cát cho 3 đơn vị khai thác, gồm Cty TNHH Mạnh Hà khai thác chiều dài đoạn sông 1.000m, địa bàn thôn Phước Hải; DNTN Xuân Hà khai thác chiều dài đoạn sông 2.700m, thuộc địa bàn thôn 3; Cty SX- DV- TM Thanh Hằng khai thác chiều dài 2.000m, cuối địa bàn thôn 3.
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã gửi văn bản đến UBND tỉnh Bình Phước đề nghị không cấp mới giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản (chủ yếu là cát) tại sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh giữa Lâm Đồng và Bình Phước; khi giấy phép đã cấp trước đây hết hạn thì đề nghị không gia hạn, cấp lại giấy phép để bảo vệ lòng sông Đồng Nai và hạn chế tình trạng sạt lở đất ở hai bên bờ sông.
Việt Quỳnh