Rưng rưng Đưng K'Nớ

08:05, 11/05/2017

Đến nay, vẫn còn một thôn chưa cứng hóa đường giao thông, mùa mưa chỉ có thể lội bộ đi lại; ở tiểu khu xa nhất cách trung tâm xã tới 30 km vẫn còn tình trạng bà con xâm nhập, phá rừng, muốn trở về làng cũ; và đến nay vẫn còn tình trạng rất nhiều hộ thiếu thốn, nghèo túng, mà nguyên nhân chung nhất là do đông con, thiếu đất sản xuất... 

Đến nay, vẫn còn một thôn chưa cứng hóa đường giao thông, mùa mưa chỉ có thể lội bộ đi lại; ở tiểu khu xa nhất cách trung tâm xã tới 30 km vẫn còn tình trạng bà con xâm nhập, phá rừng, muốn trở về làng cũ; và đến nay vẫn còn tình trạng rất nhiều hộ thiếu thốn, nghèo túng, mà nguyên nhân chung nhất là do đông con, thiếu đất sản xuất... Chia tay xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương gồm 95% đồng bào dân tộc Cơ Ho Cil vào buổi chiều muộn, khi ánh hoàng hôn mỏng mảnh buông khắp chập chùng núi rừng, bỗng thấy rưng rưng thương nhớ...
 
Bà Rơ Ông K’Lơi (thôn 1) dệt thổ cẩm giúp gia đình thoát nghèo. Ảnh: NTT
Bà Rơ Ông K’Lơi (thôn 1) dệt thổ cẩm giúp gia đình thoát nghèo. Ảnh: NTT
Một thời “ốc đảo”
 
Đường Tỉnh lộ 722 đến Đưng K’Nớ - xã vùng III thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Lâm Đồng - đẹp mê hoặc, uốn lượn giữa điệp trùng núi, rừng. Con đường Trường Sơn Đông huyền thoại năm xưa đã được trải nhựa mấy năm nay nên đi lại rất thuận tiện, không còn hình hài gì của con đường từng là “đại lộ kinh hoàng”, “dòng sông bùn”, “con đường đau khổ”… Riêng đoạn nối thành phố Đà Lạt với xã Đưng K’Nớ dài hơn 60 km được thông xe kỹ thuật vào đầu tháng 3/2015. Trụ sở xã Đưng K’Nớ khang trang nằm tít mãi trên lưng chừng núi, nhìn ra ngang tầm những ngọn núi đẫm xanh trước mặt. Rừng không còn nguyên sinh, nhưng cũng không đến nỗi nghèo xác xơ, cỗi cằn, đặc biệt là những cánh rừng ven Tỉnh lộ 722. 
 
Cũng kể từ ngày tuyến đường tỉnh lộ được trải nhựa, Đưng K’Nớ mới hết bị coi là “ốc đảo” giữa rừng, đặc biệt trong những tháng mùa mưa. Những tháng ngày ấy, Đưng K’Nớ bị cô lập hoàn toàn, không một loại phương tiện nào, dù là xe đặc chủng của quân đội, có thể đến được xã. Vì thế, giá cả hàng hóa nhu yếu phẩm tăng vọt. Người dân chia nhau, sẻ san từng hạt gạo, nắm muối trong khi chờ tiếp viện hàng hóa. Việc khám, chữa bệnh, sinh đẻ cũng đành “thuận theo ý trời”, nên việc “đẻ rơi” trên đường ra trạm y tế ở thôn Lán Tranh - điểm khởi đầu của đường Trường Sơn Đông - là không hiếm. Rồi chuyện người dân chật vật, bì bõm, nặng nhọc lội bùn ra thôn Lán Tranh để nhận hàng tiếp viện… Cái “bãi đất bằng chật hẹp” (nghĩa của từ Đưng K’Nớ, theo tiếng Cơ Ho) ấy cô đơn giữa bốn bề rừng xanh, núi thẳm. Đường đi là nỗi khiếp sợ không chỉ của người dân nơi đây, mà của cả chính quyền trong việc tiếp cận, cứu trợ bà con, của cả những người có việc phải đi qua…
 
Cái thời ấy đã qua, nhưng nhắc đến, người dân nơi đây đều không thể quên được, cho dù giờ thì thanh niên đội mũ bảo hiểm, ầm ào phóng xe máy trên những con đường nhựa, bê-tông uốn lượn, cheo leo giữa chập chùng núi rừng, đến tận bản, tận những cụm dân cư ở tập trung sát ven đường…
 
Đổi thay thấy rõ
 
Xã Đưng K’Nớ được thành lập năm 1999, có diện tích đất tự nhiên là 19.582,58 ha (diện tích đất lâm nghiệp là 18.739,59 ha, đất sản xuất nông nghiệp 865,72 ha…), đất đai, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, như: rau, cà phê, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Dân số toàn xã là 467 hộ/2.078 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95,08%. Xã có 4 thôn, đều được đầu tư theo Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững…

Có đường cứng hóa, thuận tiện, cuộc sống của người dân Đưng K’Nớ đổi thay thấy rõ. Đói nghèo, lạc hậu dần dần bị đẩy lùi. Nhiều hạng mục, tiêu chí của một xã nông thôn mới đã rõ hình hài, đặc biệt là kết cấu hạ tầng, đường giao thông, trường học, y tế, nhà ở,… giúp các hộ dân phát triển kinh tế gia đình thuận lợi. Như hộ ông Bon Niêng Ha Lương ở thôn 1 có vườn cà phê rộng 60 ha, trồng xen canh các loại cây ăn trái đã bán được giá, thậm chí gấp đôi ngày trước. Việc mua phân bón, thuốc trừ sâu cũng thuận tiện, lại rẻ hơn… Cũng nhờ có đường giao thông thuận tiện, nhờ sự đầu tư từ Chương trình giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, việc giảm nghèo có những biến chuyển tích cực, rõ rệt. Ví dụ, năm 2009, toàn xã có 38,06% số hộ nghèo - cao nhất trên địa bàn huyện Lạc Dương, năm 2014 giảm xuống còn 16,63% - là xã có tỷ lệ hộ nghèo giảm cao nhất trong 2 năm liền trong số 4 xã nghèo của huyện Lạc Dương. Đến cuối năm 2015, xã còn 48 hộ nghèo, chiếm 10,74%. Năm 2016, xã có 200 hộ nghèo, chiếm 44,74%. Nhưng đó là xét theo tiêu chí mới, tiêu chí hộ nghèo đa chiều, mà các hộ trong nhóm thiếu hụt các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin là khá phổ biến. Nhưng cũng chỉ trong 1 năm, hiện nay, số hộ nghèo của Đưng K’Nớ đã giảm xuống còn 168 hộ, chiếm 35,97%... Ông Đoàn Quang Giao - Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ cho biết, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã bình quân hàng năm giai đoạn 2009-2015 là 4-6%/năm, vượt so với mục tiêu đề ra theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ III. Tỷ lệ hộ nghèo của 4 thôn giảm từ 3-4%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết 30a. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo ở xã được đầu tư Chương trình 135 đạt và vượt so với mục tiêu của Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ (4%/năm). 

 
“Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Đưng K’Nớ quyết tâm, tập trung nỗ lực phấn đấu và đã hoàn thành vượt mục tiêu giảm nghèo của huyện, tỉnh đề ra; hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4-5%. Thông qua tác động từ các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tình hình đời sống của người dân nói chung, của người nghèo, cận nghèo, thôn nghèo ở xã nói riêng được cải thiện rõ rệt, nhất là về y tế, giáo dục và nhà ở; góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, phát triển sản xuất, giảm dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn”, ông Giao cho biết. Theo ông Giao, nhờ có sự đầu tư của Nhà nước từ nguồn vốn Chương trình 135, bộ mặt nông thôn trên địa bàn đã có nhiều thay đổi và khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ có điện sử dụng đạt trên 99%, tỷ lệ hộ được dùng nước sạch hợp vệ sinh trên 90%, tỷ lệ hộ dân được nghe, xem Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam trên 95%; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế…
 
Nhà ông Bo Niêng Ha Siêng, ở thôn 1 nằm ngay sát đường nhựa, gần “khu phố” đông đúc, tấp nập nhất xã, nơi có những cửa hàng bán đồ tạp hóa, những “cây xăng mi-ni”, tiệm sửa chữa xe máy, thi thoảng những du khách “Tây ba-lô” đi phượt ghé chân sửa xe, nghỉ ngơi, uống nước… Gia đình ông Bo Niêng Ha Siêng trong diện nghèo từ năm 2009, đến năm 2012 được nhận bằng khen của UBND huyện Lạc Dương về thành tích thoát nghèo. Bằng khen ấy được treo trang trọng ở phòng khách căn nhà mới tu sửa lại khá sạch sẽ, khang trang, đầy đủ tiện nghi. Gia đình ông Bo Niêng Ha Siêng có 4 người con, 2 cậu con trai đã lấy vợ và theo về quê vợ. Ông cho biết, thoát nghèo là do “tích cực lao động thôi”, con cái hết bệnh tật. Nhà ông có 1 mẫu cà phê, năm được, năm mất nhưng đó là nguồn thu chính, cùng với nuôi bò, lợn, gà để cải thiện sinh hoạt. Bà Rơ Ông K’Lơi - vợ ông Bo Niêng Ha Siêng đang cặm cụi ngồi dệt thổ cẩm dưới sàn nhà, thêm chuyện: “làm thổ cẩm vất lắm, công phu lắm, không phải ai cũng làm được, 3-4 ngày mới được 1 tấm, bán chỉ được 500.000 đồng. Làm chơi thôi”. Rồi bà kể, tháng 2-2008, gia đình bà đưa con gái út xuống Thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh suy tủy và không may “bị cướp mất 12,8 triệu đồng. Mất cả thẻ bảo hiểm, nên phải đóng cả tiền máu, tiền phòng, tiền đi lại”. Cũng vì thế, nên năm 2009, gia đình bà rơi vào diện hộ nghèo. Nhưng không cam chịu hoàn cảnh, không ỷ lại trông chờ vào Nhà nước. Lại thêm con gái may mắn khỏi bệnh, giờ đã 18 tuổi, có thể lao động, nên nhờ “tự làm, tích cực lao động” mà thoát nghèo. Tháng 2/2017, gia đình bà vay được 50 triệu đồng vốn ưu đãi và sửa sang lại ngôi nhà mới. Khi tôi hỏi có đề xuất, kiến nghị gì không, bà Rơ Ông K’Lơi cười tươi thật thà: “Đảng, Nhà nước quan tâm rất nhiều rồi, giờ hết bệnh rồi, tự làm tự ăn thôi...”. 
 
Một góc thôn 1, xã Đưng K’Nớ. Ảnh: NTT
Một góc thôn 1, xã Đưng K’Nớ. Ảnh: NTT
Còn những trở trăn
 
Ông Bo Niêng Ha Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ - dẫn chúng tôi đi lòng vòng quanh xã, đến những hộ gia đình khác nhau. Ông Ha Đông cho rằng, người dân trong xã chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, chủ yếu là trồng cà phê, nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ông cho biết, hiện nay chỉ còn thôn Đưng Trang cách trung tâm xã chừng 10 km là chưa có đường bê-tông đến thôn, mùa mưa chỉ có cách đi bộ. Bên cạnh đó, có những tiểu khu của thôn 4 ở cách rất xa, đi lại vô cùng khó khăn. Tuy bà con đã có ý thức bảo vệ rừng (do nhận khoán), nhưng vẫn còn những tiểu khu bà con phá rừng trong thời gian qua, như tiểu khu 26, 27 của thôn 4. Bà con muốn trở về làng cũ, không muốn ở nơi quy hoạch tập trung, vì thói quen. Nhưng muốn đến vận động cũng không dễ dàng, bởi tiểu khu đó nằm mãi trong Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, gần tỉnh Đắk Lắk, cách trung tâm xã 30 km. “Việc tuyên truyền gặp nhiều khó khăn, vì địa bàn rộng, đường sá xa xôi, bà con ở phân tán, vì người dân không nghe, vì hình thức tuyên truyền chưa sinh động, nên bà con vẫn quay về làng cũ”, ông Bo Niêng Ha Đông không giấu giếm. Nhưng, cũng có thực tế là còn không ít bà con vẫn ỷ lại, trông chờ vào sự trợ cấp của Đảng, Nhà nước nên không chịu khó lao động, sản xuất…
 
Một khó khăn khác, đó là tình trạng thiếu đất sản xuất, hoặc chưa thể chuyển đổi từ trồng cà phê sang các loại cây khác cho giá trị kinh tế cao hơn, như rau, củ, quả, cây công nghiệp. Thêm nữa, địa hình của xã khá dốc, nên muốn chuyển đổi, bà con cũng phải có tiền để san lấp mặt bằng. Mà với mức thu nhập chênh vênh giữa cận nghèo, thoát nghèo, không có tích lũy thì việc đầu tư là không hề dễ dàng, dù cho Chương trình 135 cũng hỗ trợ bà con sản xuất, nuôi bò, xát cà phê; Chương trình 30a hỗ trợ phân bón, tăng thu nhập cho bà con… 
 
Cũng nằm cạnh đường liên thôn, cũng ở thôn 1, nhưng gia đình ông Bo Niêng Ha Chiêng vẫn trong diện nghèo. Nhà ông có 4 người con, có 1,2 mẫu cà-phê, chăn nuôi thì ít. “Thu nhập nhiều hay ít là do được mùa hay không, năm nay thời tiết thay đổi, chỉ được khoảng 44 triệu đồng thôi”, ông Ha Chiêng cho biết.
 
Những hộ như gia đình ông Bo Niêng Ha Chiêng không phải là hiếm gặp ở Đưng K’Nớ. Ông Bo Niêng Ha Đông có đề xuất tâm tư nguyện vọng của bà con cũng như lãnh đạo xã là “muốn quy hoạch khu dân cư mới, ở tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị cao, như các xã khác trong huyện”. Trong khi lãnh đạo xã đã thống nhất kế hoạch và giải pháp thực hiện giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, với những nhiệm vụ, hành động cụ thể, rõ ràng, đồng thời cũng có những kiến nghị, đề xuất nhằm góp phần giúp người nghèo có thêm điều kiện, nguồn lực vươn lên thoát nghèo. Để mỗi khi có khách đến chơi, họ không phải rưng rưng thương nhớ trước những gia cảnh nghèo khó nơi rừng sâu, núi thẳm lúc ra về…  
 
NGUYỄN TRI THỨC