Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) sửa đổi là một trong những nội dung trong chương trình nghị sự kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội, tháng 5/2017. Theo đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) sẽ từng bước được thực hiện theo cơ chế thị trường.
Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) sửa đổi là một trong những nội dung trong chương trình nghị sự kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội, tháng 5/2017. Theo đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) sẽ từng bước được thực hiện theo cơ chế thị trường.
|
Mô hình xuất sắc về nhận khoán quản lý BVR của cộng đồng DTTS thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng. Ảnh:M.Đạo |
Gần 9 năm thực hiện chính sách
Sau gần 8 năm triển khai hoạt động của Quỹ BV&PTR và 5 năm (2011-2015) tỉnh Lâm Đồng thực hiện chính thức chính sách chi trả DVMTR theo Nghị định số 99/NĐ-CP (Nghị định 99), tổng số tiền DVMTR đã thu được trong 5 năm (2011-2015) là 752.179 triệu đồng, đạt 115% so với kế hoạch. Trong đó, thu từ các đơn vị thủy điện 707.741 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 94,09 %); thu từ cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch 40.684 triệu đồng (5,41%) và thu từ cơ sở kinh doanh du lịch 3.754 triệu đồng (0,5%). Tổng số tiền DVMTR đã giải ngân trong 5 năm (2011-2015) là 686.687 triệu đồng, đạt 92% so với kế hoạch; trong đó, chi cho các chủ rừng 606.123 triệu đồng. Diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR để quản lý, bảo vệ và số hộ tăng dần theo từng năm (diện tích chi trả bình quân hàng năm khoảng 330.000 ha; số hộ dân được chi trả hàng năm khoảng 16.000 hộ, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70%).
Năm 2016, tổng thu tiền DVMTR là 154.518 triệu đồng; tổng chi trả DVMTR 199.024 triệu đồng; diện tích giao khoán QLBVR được chi trả 381.560 ha.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Sơn, nhiệm vụ của ngành năm 2017 là: “Tiếp tục thiết kế giao khoán quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) thêm khoảng 21.700 ha, trong đó từ nguồn DVMTR là 12.200 ha, nâng tổng số diện tích giao khoán QLBVR toàn tỉnh lên 418.500 ha. Thông qua đó, giải quyết thêm sinh kế cho 1.000 hộ dân sống gần rừng tham gia hoạt động BVR”.
Phó Giám đốc Quỹ BV&PTR Lâm Đồng Nguyễn Văn Bằng cho biết thêm: Kế hoạch tổng dự toán thu trong năm 2017 sẽ hơn 154.129 triệu đồng. Trong đó, thu từ các nhà máy thủy điện hơn 140.360 triệu đồng; thu từ các nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch 12.883 triệu đồng và thu từ các đơn vị kinh doanh du lịch 96.616 triệu đồng. Cũng theo ông Bằng, năm 2017, tổng dự toán chi tiền DVMTR là hơn 199.765 triệu đồng; trong đó chi trả cho chủ rừng nhận khoán QLBV với tổng diện tích chi trả 362.118 ha; chi trồng rừng phân tán, trồng cây phân tán gần 1.168 triệu đồng. Đối với lĩnh vực trồng rừng thay thế, tổng dự kiến thu hơn 90.073 triệu đồng (tương ứng diện tích phải trồng 1.063,3 ha) và chi theo hồ sơ dự án đã thẩm định phê duyệt dự kiến 1.780,45 ha (tương đương hơn 54.658 triệu đồng).
Dĩ nhiên để hoàn thành các nhiệm vụ nêu trên, Quỹ BV&PTR Lâm Đồng, các đơn vị chức năng cần nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Đó là, đôn đốc các chủ rừng; kiểm tra, giám sát, thanh toán đầy đủ, kịp thời cho các đơn vị chủ rừng, các hộ nhận khoán QLBVR; phân bố kịp thời kinh phí trồng rừng, trồng cây phân tán...
Tăng thu nhập cho người làm nghề rừng
Ở Việt Nam, triển khai thực hiện chi trả DVMTR đã sang năm thứ 9, trong đó có 2 năm đầu thí điểm tại tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Sơn La. Đến năm 2010, Chính phủ chính thức có Nghị định 99 để triển khai việc chi trả DVMTR trên toàn quốc. Mới đây, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 147/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 99. Theo đó, từ ngày 1/1/2017, đơn giá tiền DVMTR đối với các nhà máy thủy điện đã được điều chỉnh tăng từ 20 đồng/kWh lên 36 đồng/kWh điện thương phẩm; đối với các nhà máy cung ứng nước sạch đơn giá tăng từ 40 đồng/m3 lên 52 đồng/m3 nước thương phẩm. Tuy vậy, các nhà khoa học và chuyên gia quốc tế cho rằng, mức chi trả này vẫn rất thấp so với giá trị thực đóng góp của rừng. Vì vậy, theo quy luật cơ chế thị trường, chi trả DVMTR sẽ từng bước tăng dần mức lên, trong đó, thời gian đầu, Nhà nước giữ vai trò trung gian giữa người mua và người bán để tạo công bằng và minh bạch.
Tổng thu tiền DVMTR toàn quốc từ năm 2011 đến hết năm 2016 là 6.510,7 tỷ đồng; trong đó thu từ cơ sở sản xuất thủy điện chiếm tỷ trọng lớn (97,04%) với 6.318,4 tỷ đồng. Số tiền chi trả cho các chủ rừng là 5.024 tỷ đồng để các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức quản lý BVR 5,87 triệu ha, chiếm 42% tổng diện tích rừng toàn quốc. Các địa phương cũng đã được phép sử dụng gần 385 tỷ đồng để hỗ trợ cho các chủ rừng xây dựng các công trình lâm sinh phục vụ phát triển rừng, BVR và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Sau kỳ họp Quốc hội tháng 5 này, Luật BV&PTR (sửa đổi) dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp tháng 10/2017. Điểm mới trong Luật sửa đổi lần này là sẽ đưa thêm những nguồn thu khác từ dịch vụ phi lâm sản, trong đó DVMTR sẽ là một bổ sung mới, quan trọng vào luật. Đây là cơ sở để hoàn thiện các cơ chế chính sách theo hướng mở rộng thêm các nguồn thu từ các dịch vụ phi lâm sản, đồng thời khuyến khích những dịch vụ trực tiếp giữa chủ rừng với các đơn vị sử dụng DVMTR, nhất là cho hoạt động du lịch sinh thái. Mục tiêu sẽ là từng bước tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng lên. DVMTR là xu hướng tất yếu để tạo nguồn tài chính bền vững, nhất là trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng ta buộc phải khôi phục phát triển rừng và không khai thác rừng tự nhiên nữa, nhưng vẫn phải tăng thu nhập cho người làm nghề rừng. Đây cũng là chính sách mà nhiều nước trên thế giới đã triển khai có hiệu quả.
MINH ĐẠO