Sống trọn vẹn cuộc đời thứ hai

09:05, 31/05/2017

Thấu hiểu nỗi đau khi sớm gặp phải bất hạnh mất đi một phần cơ thể, Thái Duy Đức (SN 1991) sống tại thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra, Đơn Dương) đã viết nên một câu chuyện cổ tích đẹp ngay giữa đời thường.

Thấu hiểu nỗi đau khi sớm gặp phải bất hạnh mất đi một phần cơ thể, Thái Duy Đức (SN 1991) sống tại thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra, Đơn Dương) đã viết nên một câu chuyện cổ tích đẹp ngay giữa đời thường.
 
Những ngày qua, câu chuyện của chàng trai ngồi xe lăn vẫn tự mình đón xe khách đưa bạn liệt tứ chi về Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh chữa bệnh khiến nhiều người cảm động.
 
Đức chăm sóc Linh trong bệnh viện. Ảnh: V.Quỳnh
Đức chăm sóc Linh trong bệnh viện. Ảnh: V.Quỳnh
Như một giấc mơ
 
Đến hiện tại, khi đã trải qua hơn một tháng nằm điều trị tại Khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, khi các vết loét trên cơ thể đã dần hồi phục, Nguyễn Xuân Linh (SN 1990, trú tại Đức Trọng) vẫn chưa thể tin rằng đây là sự thật. Bởi chưa bao giờ anh dám nghĩ có một ngày, mình có đủ tiền và được đưa xuống Sài Gòn chữa bệnh, lại được chăm nuôi bởi một người bạn cũng tật nguyền mà anh chỉ mới quen biết trước đó không lâu.
 
Thái Duy Đức vẫn còn nhớ lần đầu tiên đến thăm Linh, anh đã không cầm được nước mắt trước hoàn cảnh khốn cùng của bạn. Sau một tai nạn giao thông năm 19 tuổi, Linh bị dập tủy, gãy đốt sống cổ và bại liệt hoàn toàn. Mẹ Linh nay 60 tuổi, bị tai biến nằm một chỗ đã 12 năm, đầu óc không còn tỉnh táo. Bố Linh lại đang nằm viện do ung thư gan hơn năm nay. Do không được chăm sóc chu đáo nên các vết loét trên người Linh ngày càng nặng, hành hạ anh bằng những cơn sốt giật nhễ nhại mồ hôi.
 
Nhìn thấy cảnh đó, Đức quyết tâm bằng mọi giá phải đưa bạn xuống Sài Gòn chữa trị. Đức quay 2 video kèm một lá thư ngỏ đăng lên mạng xã hội để kêu gọi sự giúp đỡ, liên hệ các hội từ thiện. Sau khi chắc chắn nhận được sự giúp đỡ từ các Hội từ thiện ở TP Hồ Chí Minh cùng số tiền ủng hộ, Linh cùng Đức đi xe khách từ Lâm Đồng xuống Sài Gòn.
 
Và từ hơn một tháng nay, hình ảnh một chàng trai liệt hai chân, ngồi xe lăn chăm nuôi người bạn liệt tứ chi đã trở thành hình ảnh quen thuộc mà xúc động với nhiều người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh. 
 
Đức vẫn nhớ nỗi cực nhọc ngày 2 người dắt díu nhau vào bệnh viện: “Bản thân tôi tiểu tiện không cảm giác, ngày đầu tiên vừa di chuyển đường dài, vừa ôm nhiều đồ chèn lên bụng nên lúc Linh nhập viện thì người tôi cũng bê bết”.
 
Hàng ngày, từ 5h sáng đến 11h khuya, Đức ngồi trên xe lăn chăm sóc, lau rửa, xoa bóp chân tay cho bạn, tối đến lại ngủ ngay dưới giường bệnh. Từ những người xa lạ, Đức trở thành cánh tay vững chãi cho Linh, cùng đồng hành với Linh trong những ngày điều trị. 
 
Không chỉ vậy, những ngày Linh đang điều trị cũng là lúc bệnh của bố Linh trở nặng. Cũng chính Đức là người đón xe cùng đưa Linh về quê để gặp mặt bố lần cuối. Đức nhớ như in ánh mắt của bố Linh trước khi ra đi mãi mãi, như một lời cám ơn và gửi gắm con trai ông cho Đức. Đến nay, sức khỏe của Linh đã chuyển biến tích cực.
 
Đối với Đức, điều may mắn là có mẹ đồng hành trong mọi công việc thiện nguyện. Ảnh: V.Quỳnh
Đối với Đức, điều may mắn là có mẹ đồng hành trong mọi công việc thiện nguyện. Ảnh: V.Quỳnh
Sống xứng đáng cho lần sống thứ 2
 
Đức đã nói như vậy, rằng mình may mắn khi sau tai nạn, mở mắt dậy thấy vẫn còn được sống, nên “lần sống này” phải sống cho ý nghĩa, cho trọn vẹn.
 
Đây không phải là lần đầu tiên Duy Đức giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Ba mất khi Đức chưa tròn 2 tuổi. Một mình mẹ Đức làm thuê làm mướn, gồng gánh nuôi hai chị em Đức lớn lên. Cách đây 2 năm, trong một tai nạn lao động, Đức bị té từ trên cao xuống, gãy cột sống, dập tủy, gây di chứng bại liệt 2 chân, mất cảm giác hoàn toàn, tiểu tiện không kiểm soát. Những ngày đầu tỉnh dậy sau tai nạn, Đức bị chấn động tâm lý. Từng trải qua những đớn đau tột cùng, 4 lần hy vọng có thể hồi phục rồi lại thất vọng sống trong cảnh tàn phế, Đức hiểu hơn ai hết những tâm tư của người cùng cảnh ngộ. Đức mất gần 2 năm trời để lấy lại tinh thần, rời giường, rời căn phòng nhỏ của mình để trở lại với cuộc sống. Gần Tết năm 2017, Đức mới có thể lạc quan và có suy nghĩ tích cực trở lại.
 
Trong một lần tình cờ giúp được một người ngất xỉu giữa đường, Đức nhận ra mình còn có ích, còn thể làm được nhiều điều cho nhiều người khác. Từ đó, Đức coi mình là cầu nối giữa những mảnh đời bất hạnh, nhất là những người khuyết tật với các nhà hảo tâm. 
 
Hiện tại, ước mơ của Đức là có một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật tại địa phương, bởi gặp nhiều, tiếp xúc nhiều, Đức hiểu rõ nỗi khao khát của những người không may mắn khi cơ thể không lành lặn, là họ sẽ có khả năng tự nuôi sống bản thân, chứ không phải là gánh nặng của gia đình và xã hội. 
 
Mẹ Đức - cô Trần Thị Thu Lương, người phụ nữ 55 tuổi hết lòng ủng hộ chuyện con làm, bởi: “Từ lúc Đức đi nhiều, chia sẻ nhiều, tinh thần và tâm trạng Đức tốt hơn hẳn. Thế nên cô mừng lắm, lúc nào cũng ủng hộ và tự hào. Đức vui một thì mẹ vui mười, miễn sao Đức thấy hạnh phúc”.
 
VIỆT QUỲNH