Nặng lòng với công tác giảm nghèo

08:05, 23/05/2017

Phải hiểu được bà con nghĩ gì, muốn gì, cần gì mới giúp bà con tìm cách thoát nghèo được. Quan trọng là người làm cán bộ có thực sự muốn gần dân, hiểu dân để giúp dân hay không mà thôi...

“Phải hiểu được bà con nghĩ gì, muốn gì, cần gì mới giúp bà con tìm cách thoát nghèo được. Quan trọng là người làm cán bộ có thực sự muốn gần dân, hiểu dân để giúp dân hay không mà thôi” - đó là những tâm sự nhẹ nhàng, phóng khoáng mà đậm màu chân thật của vị Bí thư Chi bộ Tou Prong Dzung đã thực sự cuốn hút chúng tôi ngay từ lúc bắt đầu tìm hiểu về câu chuyện giảm nghèo ở thôn Ka Đô cũ, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương.
 
Ông Tou Prong Dzung (bìa phải) tới thăm hỏi người dân trồng ớt sừng trong thôn vì từ tết tới nay, ớt sừng liên tục mất giá. Ảnh: N.Ngà
Ông Tou Prong Dzung (bìa phải) tới thăm hỏi người dân trồng ớt sừng trong thôn vì từ tết tới nay,
ớt sừng liên tục mất giá. Ảnh: N.Ngà
“Đôi mắt” của buôn làng 
 
Ka Đô cũ như buôn nhỏ của người Chu Ru với 186 hộ dân đang chung sống. Người dân Ka Đô vẫn nói về Ka Đô cũ như thôn “mẹ” của xã. Là người sinh ra, lớn lên và làm việc cả đời mình ở mảnh đất này, ông Tou Prong Dzung (66 tuổi) - Bí thư chi bộ thôn nhớ lại: Ngày đó thôn có tên là Ka Du, là thôn có số dân đông hơn các thôn lân cận. Và trong câu chuyện của ông bà ngày ấy, thôn Ka Du là nơi có cây đa thần. Sau này để thành lập xã người ta dồn các thôn lân cận như Ta Ly, Tan Niêng về thôn Ka Du để thành lập xã Ka Đô từ đó.
 
Trong dòng hồi ức của ông Tou Prong về những năm tháng ấy có cảnh bà con trồng bắp, trồng lúa một vụ chẳng đủ ăn, đói kém triền miên. Mùa đói giáp hạt cả gia đình vào rừng kiếm rau, củ về ăn qua ngày. Mỗi lần muốn có muối để ăn người ta lại mang gùi, đi bộ mang dăm ba sản vật từ rừng xuống tận Phan Rang đổi muối về ăn…
 
Ông Tou Prong Dzung là người hiếm hoi ở thời kỳ đó được đi học. Ai có việc gì liên quan đến việc đọc, viết đều tìm đến ông. Ông được ví như “đôi mắt” của buôn làng. 
 
Sau này, ông trở thành giáo viên giảng dạy bình dân học vụ, kiêm cán bộ thu thuế nông nghiệp. Ông vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 1993 và từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng ở xã: cán bộ thống kê kế hoạch, rồi trưởng ban tài chính xã. 
 
Những năm 90, ông Tou Prong Dzung đảm nhận cương vị chủ tịch xã. Ông là một trong những người đầu tiên tiến hành trồng xen canh bí đỏ, dâu tằm, mía… “Mình nói được, phải làm được, nói đi đôi với làm thì bà con mới nghe mình chứ”. Với quan điểm đó, ông đã vận động bà con phá thế độc canh cây lúa ở vùng đất thấp và cây bắp ở vùng đất cao hơn để trồng xen tăng thêm thu nhập. Riêng với bà con ở buôn làng Chu Ru này, Tou Prong Dzung còn là người đưa đường chỉ lối trong việc phát triển kinh tế. 
 
Những năm 2000, Ka Đô đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm củng cố, nâng cao hoạt động các chi bộ, đồng thời chú trọng nhiệm vụ phát triển đảng viên mới. Ông Tou Prong Dzung vừa đảm nhận cương vị Chủ tịch Mặt trận xã kiêm Bí thư Chi bộ liên thôn: Ka Đô cũ, Ka Đô mới, Ta Ly với 4 đảng viên đều là người DTTS. Những năm tháng đó, có 5 cá nhân tiêu biểu đã được phát hiện, bồi dưỡng và đứng vào hàng ngũ của Đảng. 
 
Khi số lượng đảng viên tăng lên, 4 thôn trên được tách ra để thành lập các chi bộ độc lập. Ông Tou Prong Dzung về nghỉ hưu song vẫn là Bí thư Chi bộ thôn Ka Đô cũ, đồng thời là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Với ông “Mình có hưu thì tính Đảng trong mình vẫn không có gì thay đổi”. Bởi thế ông cùng với 4 đảng viên khác trong Chi bộ thôn đã có nhiều nỗ lực để chung tay giúp bà con vươn lên trong công cuộc thoát nghèo.
 
Nặng lòng với chuyện giảm nghèo
 
Đồng chí Nguyễn Khánh Chỉnh - Bí thư Đảng ủy xã Ka Đô nhận định: Chi bộ thôn Ka Đô cũ là một trong những chi bộ tiêu biểu của xã trong nhiều năm qua. Nhờ không ngừng chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tập thể Chi bộ thôn đã lãnh đạo, chỉ đạo  đưa Ka Đô cũ trở thành thôn dẫn đầu về công tác giảm nghèo trong 5 thôn DTTS ở xã.
 
Ông Tou Prong Dzung nói: Bà con ở đây đa phần đều có đất đai. Có đất là có tư liệu sản xuất quan trọng nhất rồi. Vì vậy, bà con phải chịu khó, cần cù tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì mới tăng thu nhập được. Với sự kiên trì vận động từ bao năm nay của cán bộ thôn nói chung và bản thân người Bí thư Chi bộ nói riêng, đến nay trên toàn bộ 154 ha đất sản xuất của bà con đã có đến hơn 50% là sản xuất rau thương phẩm. Thu nhập bình quân của bà con hiện nay khoảng 50 triệu đồng/năm. Đó là con số mà nhiều năm trước đây người dân chẳng dám mơ ước. 
 
Nhiều người trong thôn như ông Toneh Jung vẫn nhắc lại câu chuyện mà ông Dzung nói trong mỗi lần họp thôn rằng, mỗi gia đình có ít nhất 1 sào đất, làm vài ba ngày hết đất, thời gian rảnh rỗi thì đi làm công cho người ta. Làm từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều và một bữa cơm trưa hai vợ chồng ít nhất cũng thu về được 200 ngàn đồng. Một tháng đi làm 20 ngày thôi cũng đã có được 4 triệu đồng rồi, vậy sao không chịu đi làm, dành dụm mua cặp bò gây giống. Sau 3 năm nếu bò cái đẻ thì sẽ có bê con, bò thịt thì bán được mấy chục triệu đồng làm vốn sản xuất. Cứ gây dựng dần vậy mới có vốn làm ăn chứ sao có thể trông chờ vào Nhà nước mãi được. 
 
“Với bà con mình phải tuyên truyền, vận động bằng thực tế không thể nói suông lý thuyết được. Đảng viên là người đầy tớ giúp việc cho dân. Không phải giúp bằng hiện vật mà giúp bằng trí óc” - Bí thư Chi bộ Tou Prong Dzung nhấn mạnh.
 
Trong hành trình giảm nghèo của bà con có nhiều phương pháp phối hợp, Bí thư Chi bộ Tou Prong Dzung cũng có nhiều cách thuyết phục, vận động khác nhau. Ông chọn cách lấy gia đình làm ăn khấm khá so sánh với gia đình còn khó khăn về số người, nhân lực lao động, diện tích đất... Nhờ gia đình khá giả hướng dẫn cách làm ăn cho gia đình chưa có nhiều kinh nghiệm trong tăng gia, sản xuất. Từ đó, bà con càng trở nên đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau. Ông Tou Prong Dzung kết luận “Khi bà con tự hướng dẫn, động viên nhau trong sản xuất, làm ăn sẽ hiệu quả hơn bất cứ lời tuyên truyền động viên nào”.
 
Ông Ma Reng, một người dân trong thôn nhớ lại: “Có lần bình xét hộ nghèo, một số hộ thắc mắc, ông Dzung bảo “tôi tính đơn giản tiền làm công 20 ngày trong tháng thôi, vợ chồng anh đã có ít nhất 4 triệu đồng. Trong khi Nhà nước quy định hộ nghèo là thu nhập 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn. Vậy gia đình hết nghèo chưa?”.
 
 Nhắc lại chuyện đó, ông Tou Prong Dzung chỉ cười nói: “Thuyết phục bà con chỉ đơn giản vậy thôi, quan trọng là mình phải nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như hiểu rõ hoàn cảnh, đặc điểm của từng hộ gia đình mới nói chuyện, giải thích thấu tình đạt lý được”. 
 
Sau nhiều nỗ lực, đến cuối năm 2016, thôn Ka Đô cũ chỉ còn 5 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.
 
Để bà con tin 
 
“Phải để bà con tin mới đồng lòng thoát nghèo được”, Bí thư Chi bộ này đã nói với chúng tôi về nỗ lực của Chi bộ trong việc vận động bà con vươn lên thoát nghèo. Trong Chi bộ thôn Ka Đô cũ, các đảng viên được phân công trách nhiệm giúp đỡ bà con vươn lên trong sản xuất bằng phương pháp kỹ thuật, động viên tinh thần hay đề xuất với lãnh đạo xã khi có chương trình hỗ trợ cây giống, vật nuôi… 
 
Đặc biệt, cá nhân Bí thư Chi bộ cùng các đoàn thể thôn thường xuyên đi vận động bà con hạn chế ăn nhậu, tiết kiệm trong chi tiêu. Ông Tou Prong Dzung kể: “Có khi đi vận động bà con nhắc mình “có lúc ông cũng sai đấy thôi”. Mình phải lắng nghe, phải xin lỗi bà con và động viên cùng nhau sửa chữa. Con người mà, ai cũng có lúc thế này, thế nọ nhưng mình phải gần gũi để chỉ cho nhau thấy cái sai, phải biết lắng nghe để sửa chữa như tinh thần phê và tự phê”.  
 
Thứ bảy hàng tuần, người ta lại thấy Bí thư Chi bộ cùng với trưởng thôn và cán bộ Mặt trận thôn đi từng nhà. Hộ nào còn xả rác bừa bãi, cãi vã thì nhắc nhở, nhà nào có tin vui thì chúc mừng, ai ốm đau, bệnh tật thì thăm hỏi, động viên… Đó là cách mà lãnh đạo thôn làm để nắm chắc tình hình và tâm lý người dân trên địa bàn. Ka Đô cũ cũng là thôn đi đầu trong 5 thôn vùng đồng bào DTTS của xã trong xây dựng nông thôn mới, nhất là vấn đề làm đường giao thông. Hiện nay, toàn bộ bốn con đường trong thôn bà con đã chung tay thực hiện 100%.
 
Ông Tou Prong Dzung từng có mặt trong đoàn người uy tín ở Tây Nguyên đến với Trường Sa. Hiện ông là tổ trưởng của 5 người uy tín ở xã. Đưa bàn tay có đeo chiếc nhẫn bạc truyền thống của người Chu Ru, ông nói: “Đảng viên phải gương mẫu đi đầu thì bà con mới tin đảng viên, tin chi bộ, tin sự lãnh đạo của cấp trên. Mà mình là người con của dân tộc Chu Ru nên càng phải hết lòng để giúp đỡ cho bà con chứ”.
 
NGỌC NGÀ