Họ là những chiến sỹ cảnh sát nhưng đã tổ chức nhiều chương trình giúp đỡ học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đạ Tẻh. Dạy kèm cho học sinh yếu kém, đôn đốc học sinh học bài ở nhà, quyên góp sách vở, bàn ghế để làm góc học tập cho học sinh là những việc làm được những "thầy giáo" đặc biệt này thực hiện.
Họ là những chiến sỹ cảnh sát nhưng đã tổ chức nhiều chương trình giúp đỡ học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đạ Tẻh. Dạy kèm cho học sinh yếu kém, đôn đốc học sinh học bài ở nhà, quyên góp sách vở, bàn ghế để làm góc học tập cho học sinh là những việc làm được những “thầy giáo” đặc biệt này thực hiện. Hiện nay, cách làm này đã được nhân rộng tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đạ Tẻh đạt hiệu quả rất tích cực.
|
Các chiến sỹ công an hướng dẫn học sinh buôn Tôn K’Long học bài tại nhà. Ảnh: H.Sang |
“Thầy giáo” của buôn làng
Những tập hồ sơ được phân loại theo từng tháng, từng năm, từng cái tên học sinh kèm theo năng lực học tập được phân loại theo từng danh sách. Tất cả những phần việc của những giáo viên thực thụ được các anh thực hiện rất bài bản và quy củ đúng như tác phong của những chiến sỹ cảnh sát.
Xuất phát từ thực trạng một số học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở là người dân tộc thiểu số tại buôn Đạ Nha (xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh) bỏ học do việc tiếp thu bài giảng kém hoặc có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ không quan tâm đến việc học của các em, Đội An ninh (Công an huyện Đạ Tẻh) đã chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh dân tộc nơi đây có học lực trung bình, yếu.
Để thực hiện kế hoạch này, Đội An ninh đã thành lập Tổ công tác gồm 6 người. Thiếu tá Nông Hùng Cường, Đội phó Đội An ninh, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết: “Nhiệm vụ chính của Tổ công tác là bồi dưỡng cho học sinh trung bình, yếu. Để làm được việc này thì Tổ đã làm việc cụ thể với ban lãnh đạo buôn Đạ Nha, cấp ủy, chính quyền và hiệu trưởng các trường để phối hợp, tạo điều kiện để Tổ công tác làm công tác dân vận, giúp đỡ các em trong học tập và sinh hoạt tại trường cũng như tại nhà. Các thành viên trong Tổ thường xuyên quản lý, kèm cặp, đôn đốc, giúp đỡ các em học sinh học bài, làm bài, soạn bài ở nhà nhằm tạo không khí học tập vui vẻ, thân thiện, tránh tình trạng học sinh bỏ học, bỏ tiết vì nhiều nguyên nhân”.
Những việc làm tưởng chừng vô cùng đơn giản đó nhưng lại rất khó thực hiện đối với vùng đặc thù như buôn Đạ Nha. Học sinh không có tư tưởng phải chuẩn bị bài, học bài trước ở nhà, phụ huynh thường không quan tâm đến chuyện học của con em mình. Đến trường, nếu giáo viên phạt hay la mắng là các em sẵn sàng bỏ học ngay.
Sinh ra và lớn lên tại buôn Đạ Nha, anh K’ Klút, một người dân bản địa, thành viên Tổ công tác rất hiểu tập tính của bà con trong buôn. Ngay khi được phân công nhiệm vụ, mỗi tuần 3 buổi, anh đều có mặt tại nhà học sinh để kèm cặp, động viên các em. Anh K’Klút chia sẻ: “Khi nhận được thông báo từ giáo viên về những học sinh bỏ học hoặc chậm tiếp thu thì mình vào tận nhà để hướng dẫn thêm, động viên học sinh và gia đình cho con em trở lại trường học. Trước đây, tình trạng học sinh bỏ học rất nhiều, đặc biệt là ở độ tuổi cấp I. Từ khi tăng cường công tác vận động, nhắc nhở thì việc duy trì sỹ số tương đối tốt. Các em đã tạo được thói quen tự học và không còn ý nghĩ bỏ học. Trong năm học trước, tôi kèm cho 5 học sinh tiểu học có học lực yếu. Kết quả cuối năm các em đều hoàn thành chương trình học”.
Từ năm 2012 đến năm 2015, buôn Đạ Nha có 22 học sinh bỏ học. Không để tình trạng này tiếp diễn nên ngay khi Tổ công tác của Đội An ninh được thành lập, các thành viên và chính quyền địa phương, nhà trường trực tiếp đi đến 96 gia đình các em học sinh để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến học trung bình, yếu, lắng nghe ý kiến và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em. Tổ công tác cũng trực tiếp gặp gỡ toàn bộ phụ huynh để nắm hoàn cảnh gia đình, vận động phụ huynh cho con em đến trường.
“7 giờ tối hàng đêm, chúng tôi đều đánh kẻng khuyến học. Sau đó, các thành viên đi đến từng gia đình để động viên các em học bài, làm bài ở nhà. Ngoài việc dạy kèm, đôn đốc các em học, các thành viên còn tranh thủ vận động, tuyên truyền cho bố mẹ, người thân trong gia đình các em về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, không phát rừng làm rẫy trái phép và chấp hành tốt an toàn giao thông. Sau 2 năm triển khai, tình hình an ninh trật tự tại địa bàn được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng phức tạp. Đặc biệt, việc học tập của các em có kết quả khác biệt. Tỷ lệ duy trì sỹ số đạt tốt. Theo đánh giá của nhà trường thì các em có tiến bộ. Không chỉ các em có ý thức tự giác trong việc học mà ngay cả bố mẹ các em cũng đã dần thay đổi. Khi mới vào, nhiều phụ huynh còn cảm giác bị làm phiền, không chịu hợp tác nhưng nay thì đã quan tâm hơn đến việc học của con em mình” - Thiếu tá Nông Hùng Cường cho biết thêm.
Thắp sáng ước mơ
Năm học trước, số lượng học sinh trên địa bàn buôn Đạ Nha là 170 em, chủ yếu là học sinh tiểu học. Qua thời gian nghỉ hè, nhiều em “tái mù” nên chất lượng đầu năm học không cao. Một số em đọc, viết và tính toán chậm. Dù nhà trường có tổ chức dạy phụ đạo nhưng các em đi không đầy đủ. Sau khi có sự hỗ trợ của Tổ công tác Đội An ninh, đến cuối năm học, tỷ lệ duy trì sỹ số của các trường đạt trên 98%, năng lực học tập đạt chiếm tỷ lệ 97% đối với bậc tiểu học và trên 80% đối với bậc trung học cơ sở. Từ những kết quả đã đạt được ở buôn Đạ Nha, bước sang năm học 2016 - 2017, ngoài buôn Đạ Nha thì mô hình này còn được nhân rộng ở 2 buôn đồng bào dân tộc thiểu số nữa là Tố Lan (xã An Nhơn) và Tôn K’Long (xã Đạ Pal).
Thiếu tá Nông Hùng Cường cho biết: “Cách làm có thay đổi khi lực lượng chủ lực để triển khai mô hình này là các ban, ngành, đoàn thể của xã và lãnh đạo các thôn, buôn. Về phía chiến sỹ công an chỉ có 2 đồng chí phụ trách một buôn. Song song với nhiệm vụ đôn đốc và dạy kèm cho học sinh trung bình, yếu, các chiến sỹ công an cùng với chính quyền địa phương còn vận động xây dựng góc học tập Thắp sáng ước mơ cho các em. Các em được làm góc học tập với bàn học, đèn bàn, sách vở. Góc học tập là động lực giúp các em ngày càng ham học, ham đến trường để mở ra một tương lai tươi sáng hơn”.
Tổng số học sinh của 3 buôn Đạ Nha, Tố Lan, Tôn K’Long là 234 em. Đến nay, đã có 90 em được tặng đèn bàn, 83 em được tặng bàn học để xây dựng góc học tập Thắp sáng ước mơ. Ngoài ra, có 80 đôi giầy ba ta, 700 cuốn vở cũng đã được trao tặng cho các em. Theo ông Nguyễn Quốc An, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Pal, Tổ trưởng Tổ dân vận buôn Tôn K’Long, dù mới được triển khai từ cuối năm 2016, nhưng chương trình Thắp sáng ước mơ đã nhận được sự đồng thuận của các gia đình và tạo được động lực cho các em học sinh. Do phân hiệu trường tiểu học tại Tôn K’Long nằm cách xa trung tâm xã nên việc đôn đốc, dạy kèm cho các em học sinh là rất cần thiết. Ngoài ra, việc tặng đèn bàn, bàn học cũng là một cách chăm lo giúp các em thích thú hơn khi ngồi vào bàn học. Đây thực sự là chương trình có ý nghĩa đối với học sinh vùng sâu, vùng xa.
Còn theo bà Nguyễn Thị Minh, Trưởng Ban Dân vận huyện Đạ Tẻh, ngoài làm tốt công tác dân vận thì mô hình của Đội An ninh Công an huyện Đạ Tẻh còn có ý nghĩa rất lớn trong việc thắp sáng ước mơ cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua chương trình này, các em có học lực trung bình, yếu nắm được kiến thức cơ bản để theo kịp các bạn trong lớp. Bên cạnh đó, các em còn được tạo môi trường học tập vui vẻ, thân thiện, tiếp thêm động lực để các em đến lớp và theo đuổi những bậc học cao hơn. Không chỉ các em học sinh mà các hộ gia đình đồng bào dân tộc nơi đây còn được các thành viên trong tổ công tác tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật giúp bà con nâng cao nhận thức, đảm bảo tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại các buôn.
HỮU SANG