Sau 4 năm thực hiện, giai đoạn I (2012-2015) Dự án "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng" (viết tắt là Dự án NSCL) do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì quản lý đã tạo nên những hiệu quả nhất định, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tại địa phương...
Sau 4 năm thực hiện, giai đoạn I (2012-2015) Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” (viết tắt là Dự án NSCL) do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì quản lý đã tạo nên những hiệu quả nhất định, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tại địa phương. Giai đoạn II (2016-2020) của dự án cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 2/2016 và khởi động với nhiều thay đổi phù hợp.
|
Dự án NSCL thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động phát triển và hội nhập. Ảnh: Ngọc Ngà |
Tạo sự chuyển biến về nhận thức
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Theo thống kê năm 2005, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam còn quá thấp so với NSLĐ của các nước/vùng lãnh thổ khác, xấp xỉ bằng NSLĐ của Ấn Độ và đứng cuối cùng trong 20 nước/vùng lãnh thổ được chọn để so sánh. Nếu tách riêng 6 nước trong khối ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippin, Indonesia và Việt Nam) thì Singapore dẫn đầu và Việt Nam đứng cuối, NSLĐ của Việt Nam bằng 2,35% so với Singapore, bằng 10,95% so với Malaysia, bằng 28,73% so với Thái Lan, bằng 44,07% so với Philippin và bằng 63,37% so với Indonesia.
Trong Báo cáo “Xu hướng Lao động và Xã hội Việt Nam 2009” do Tổ chức lao động Quốc tế (ILP) công bố có đưa ra nhận định: “Tại Việt Nam, dù sự dịch chuyển sang các khu vực có năng suất lao động cao hơn có giúp cho tổng năng suất lao động tăng thêm 5,1%/năm nhưng năng suất lao động nhìn chung vẫn chỉ bằng 1/5 năng suất trung bình trong ASEAN và bằng khoảng 1/10 mức năng suất của Singapore”.
|
Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia vào Dự án NSCL, Công ty CP Dược Lâm Đồng (Ladophar) được đánh giá là doanh nghiệp đi đầu trong tỉnh về áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Trong phần trình bày tham luận tại Hội nghị Phổ biến, triển khai chương trình NSCL giai đoạn 2016-2020, đại diện Công ty Ladophar nhận định rằng, chính nhờ áp dụng một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến trên mọi khía cạnh và làm việc trên tinh thần 5S “Hiệu quả công việc ngày hôm nay phải cao hơn hiệu quả công việc ngày hôm qua” mà công ty ngày càng nâng cao khả năng cạnh tranh, uy tín và thương hiệu của mình trên thị trường, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ladophar là một trong số 168 doanh nghiệp chủ lực với 628 lượt tham gia Dự án NSCL của Lâm Đồng trong 4 năm qua, đạt tỷ lệ 19% (so với mục tiêu đề ra là 20%).
Bà Phạm Thị Nhâm - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Cơ quan thường trực của Ban điều hành Dự án NSCL cho biết: Qua 4 năm, dự án đã tổ chức 32 lớp đào tạo về NSCLvà các biện pháp cải tiến nâng cao năng suất, các hệ thống quản lý (HTQL), công cụ cải tiến, thu hút hơn 1.400 lượt người tham dự.
Qua dự án, các doanh nghiệp đã chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu và thực hiện cải tiến NSCL tại đơn vị, thể hiện qua số lượng các doanh nghiệp tham gia tập huấn và áp dụng các HTQL, công cụ cải tiến NSCL, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy tăng dần qua các năm.
Một số doanh nghiệp sau khi tham gia các nội dung của dự án đã nâng cao NSCL, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, thị phần như Công ty TNHH Hoa Mặt Trời thâm nhập được thị trường nước ngoài; Công ty TNHH Cà phê KCC xuất khẩu trực tiếp cà phê sang thị trường châu Âu; Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Rừng Hoa Đà Lạt xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc; Trang trại Langbiang Farm đã tăng gấp đôi giá thành sản phẩm dâu tây sau khi được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP…
Đẩy mạnh hỗ trợ các mô hình
Tháng 2/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020” với những mục tiêu cụ thể.
Theo bà Nhâm, điểm mới của giai đoạn II (2016-2020) là việc tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp; khảo sát phân loại doanh nghiệp của tỉnh về quy mô, loại hình và sản phẩm để có các giải pháp hỗ trợ phù hợp; thực hiện việc hỗ trợ doanh nghiệp theo chuỗi (từ trồng trọt đến sản xuất, chế biến và bán sản phẩm) nên đã đạt được hiệu quả nhất định. Các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận về nhãn hiệu đã được quan tâm hỗ trợ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo uy tín, hướng đến việc tạo nên thương hiệu cho sản phẩm. Cụ thể ở thời điểm hiện tại là 2 sản phẩm Actiso organic và chanh dây fairtrade.
Riêng trong năm 2016, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã đổi mới phương thức quản lý dự án để triển khai chương trình nâng cao NSCL trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có kết quả và hiệu quả; hỗ trợ 1 doanh nghiệp tham dự và đạt giải Vàng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, Giải thưởng Châu Á - Thái Bình; khảo sát 32 đơn vị đăng ký tham gia dự án và hướng dẫn các đơn vị này xây dựng đề cương dự án.
Đến nay, đã xét duyệt 18 dự án của 15 doanh nghiệp, ký hợp đồng hỗ trợ 11 dự án/8 đơn vị. Hỗ trợ 4 doanh nghiệp với 5 dự án áp dụng HTQL với số tiền 300 triệu đồng. Hỗ trợ 1 doanh nghiệp chứng nhận hợp quy 1 sản phẩm với số tiền 20 triệu đồng. Hỗ trợ 2 doanh nghiệp xây dựng 18 tiêu chuẩn cơ sở với số tiền là 18 triệu đồng.
157 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ du lịch và tổng hợp được khảo sát nhằm phân loại doanh nghiệp theo quy mô, loại hình, từ đó hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các HTQLCL và các công cụ nâng cao NSCL một cách hiệu quả. Thông qua việc triển khai dự án đã hỗ trợ một phần kinh phí triển khai áp dụng HTQL, công cụ cải tiến NSCL, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho doanh nghiệp.
Năm 2017, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, thành phố, huyện rà soát, khảo sát, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia dự án nâng cao NSCL để góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
VIỆT QUỲNH