Theo đường thư qua…

09:05, 18/05/2017

Trên các nẻo đường, không nơi nào vắng dấu chân người bưu tá. Họ mang những cánh thư, tờ báo, bưu phẩm đến trao tận tay người nhận. Và, trong thời đại của điện thoại, internet đòi hỏi phải làm mới con đường thư đi có từ xa xưa, không những để duy trì mà còn phát triển.

Trên các nẻo đường, không nơi nào vắng dấu chân người bưu tá. Họ mang những cánh thư, tờ báo, bưu phẩm đến trao tận tay người nhận. Và, trong thời đại của điện thoại, internet đòi hỏi phải làm mới con đường thư đi có từ xa xưa, không những để duy trì mà còn phát triển.
 
Đội ngũ bưu tá sẵn sàng phục vụ khách hàng. Ảnh: H.Y
Đội ngũ bưu tá sẵn sàng phục vụ khách hàng. Ảnh: H.Y
Làm mới nghề 
 
Làm mới con đường bưu tá xưa bằng các dịch vụ mới không những chỉ tồn tại mà còn là phát triển đối với dịch vụ chuyển phát của ngành Bưu điện. Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh chia sẻ, nghề bưu tá tham gia công đoạn cuối cùng của dịch vụ chuyển phát, là nghề mang lại niềm vui đến mọi người. Ngày xưa, bưu tá vận chuyển tài liệu, thuốc men phục vụ chiến tranh, đóng góp vào công cuộc giành độc lập của dân tộc nên biết bao gian nan vất vả qua những dấu chân của những người bưu tá hằn lên những cung đường. Và họ được ví như “cánh chim không mỏi”, mang ý nghĩa lớn trong kết nối thông tin được mọi người tôn trọng.
 
Theo bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh, toàn hệ thống Bưu điện tỉnh có 189 tuyến phát thư với gần 200 bưu tá, tất cả đều được Bưu điện tỉnh hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, trang bị xe, smartphone, quần áo bảo hộ.... Trong đó, địa bàn thành phố Đà Lạt có 33 người. 60% có tuổi đời từ 25-30 tuổi, số còn lại là trung niên. Thu nhập bình quân của nhân viên bưu tá từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều nhân viên bưu tá sống đủ với nghề nhờ kiêm thêm nhiều dịch vụ, như: vận động độc giả đặt mua báo, bán bảo hiểm, phát tờ rơi quảng cáo cho các siêu thị, bán hàng...

Công nghệ thông tin phát triển như vũ bão kéo theo sự thay đổi cách thức thông tin của xã hội cũng phát triển, dần thay thế những thư tay, tài liệu bằng thư điện tử, điện thoại, song hiện nay các loại hợp đồng, hóa đơn chứng từ hay hàng hóa vẫn được nhiều người tín nhiệm, gửi cho đối tác hoặc người thân thông qua hệ thống bưu chính truyền thông mà bưu tá là những người trực tiếp giao, nhận bưu phẩm, bưu kiện. Đặc biệt, những năm gần đây cũng thông qua công nghệ thông tin, nhiều hình thức chuyển phát mới ra đời như mua sản phẩm qua mạng, điện thoại, bưu tá nhận hàng từ đơn vị cung ứng rồi chuyển phát cho người nhận theo hình thức giao hàng và thu tiền trực tiếp từ người nhận. Theo thống kê của Bưu điện tỉnh, có hơn 30% thư gửi đến (bưu kiện, hàng hóa, thư đảm bảo...) là hàng thương mại điện tử. Dù bị sự cạnh tranh khốc liệt của các ngành dịch vụ chuyển phát khác nhưng Bưu điện vẫn được người dân tin tưởng sử dụng bởi mạng lưới rộng khắp đến từng huyện, xã. 

 
Ông Lê Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khai thác vận chuyển Đà Lạt cho biết, nhờ độ nhanh chóng, an toàn, chính xác, thái độ phục vụ của người bưu tá nên ngành Bưu điện luôn được người dân tin tưởng và lựa chọn hàng đầu. Ở Đà Lạt, mỗi tháng có hơn 200.000 bưu gửi đến, bên cạnh đó mỗi ngày 24.000 tờ báo, khối lượng công việc là rất lớn. Bưu điện đã có cách làm là khoán toàn bộ bưu phẩm, bưu kiện cho nhân viên bưu tá. Số tiền họ nhận được cũng phụ thuộc vào số sản lượng mà họ phát được trong từng tháng… Có những nhân viên bưu tá thu nhập 12 - 14 triệu đồng/tháng, ngoài bưu phẩm gửi đến họ còn có thể kiếm thêm thu nhập nhờ bán hàng của bưu điện... Để có thể đáp ứng đủ yêu cầu của một bưu tá, ngay khi được tuyển dụng, đội ngũ này sẽ được huấn luyện một cách bài bản về việc lên kế hoạch giao thư đúng hẹn, địa chỉ, đồng thời, phải hết sức cẩn thận, tỉ mỉ, tránh sai sót khi làm các thủ tục xác nhận giao hoặc nhận bưu phẩm, bưu kiện. Hầu hết đội ngũ bưu tá của Bưu điện tỉnh là những người trẻ có trình độ, yêu nghề và có kinh nghiệm, làm việc trách nhiệm...
 
Vui cùng cánh thư đi 
 
Hằng ngày, đúng vào 7h sáng, các nhân viên bưu tá tại Bưu điện tỉnh đã có mặt đông đủ để chia, chọn, sắp xếp, phân loại thư từ, bưu kiện, báo chí, công văn theo lịch trình đường đi. Với tôn chỉ “Sạch ô - Róc túi - Khớp hành trình”, mỗi bưu tá đều có một cuốn sổ nhỏ ghi chi tiết lộ trình điểm phát từng buổi để quá trình giao nhận chính xác, thuận tiện, không bị sót. Khi kết thúc buổi làm việc cũng là lúc hoàn thành việc giao nhận số lượng bưu phẩm, thư từ của mình. Anh Hứa Ngọc Bạch (SN 1989), nhân viên bưu tá Đà Lạt tâm sự, công việc bưu tá không theo giờ hành chính, khi nào chuyển hết thư, báo, bưu phẩm được giao thì mới kết thúc một ngày làm việc và phải làm luôn cả ngày thứ bảy, chủ nhật để kịp giao hàng cho khách hàng. Luôn tự vấn trách nhiệm của mình nên anh tìm mọi cách để phát cho bằng được. Thời tiết dù thế nào cũng vẫn phải “lên đường” để hoàn thành nhiệm vụ. Vất vả, áp lực lớn nhưng với chúng tôi, nghề này đã để lại nhiều kỷ niệm vui, buồn khó quên, khiến tôi càng thêm gắn bó với nghề.
 
Để trở thành một bưu tá giỏi, đòi hỏi lòng yêu nghề, chịu khó vì nghề này cực nhọc, vất vả, rong ruổi khắp các nẻo đường... nhưng vui nhất là đem tin vui tới mọi nhà, mọi người một cách kịp thời, nhanh chóng. Anh Thạch Kim Oanh Na chia sẻ những kỷ niệm vui khi làm nghề bưu tá, anh gắn bó với nghề được 4 năm lắm chuyện buồn vui của nghề anh đã từng trải qua, có những lúc trời mưa, những lá thư ướt nhưng khách hàng thông cảm làm mình cảm thấy được chia sẻ và được mọi người tôn trọng. Nghề này mở mang được nhiều kiến thức bởi gặp gỡ nhiều người, mỗi người cho mình những trải nghiệm khác nhau, đó là điều thú vị nhất của nghề mang lại cho mình. Hàng ngày, anh phải phân loại công văn, thư từ, bưu phẩm, báo chí... theo các tuyến đường được phụ trách để phát cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong nội thành của thành phố Đà Lạt. Anh cho rằng có lẽ nghề bưu tá “chọn” anh bởi vì anh có trí nhớ khá đặc biệt đối với các địa chỉ, các tuyến đường. Hàng ngày, anh phải chuyển phát một số lượng thư từ rất lớn nhưng nhiều khách hàng rất cảm kích trước thái độ phục vụ của anh. “Nghề bưu tá là nghề “làm dâu trăm họ” nên đôi lúc vẫn có những khách hàng có thái độ không tôn trọng. Nhưng đối với tôi, nghề bưu tá là nghề mang lại thông tin, nối những nhịp cầu tình cảm cho mọi người nên tôi rất hãnh diện và yêu nghề bưu tá của mình” - anh Na chia sẻ. 
 
Bà Phạm Thị Ngọc cho rằng, nếu không yêu nghề, người bưu tá sẽ không đủ nhiệt huyết để phục vụ khách hàng. Chính những lời cảm ơn thân thiện của khách hàng là niềm vui, động lực giúp họ thêm gắn bó với nghề hơn.
 
HOÀNG YÊN