Hòa vào nhịp đập của triệu triệu trái tim người dân cả nước dành cho biển đảo, Đoàn công tác của tỉnh Lâm Đồng do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến dẫn đầu, mang theo tình cảm của 43 dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất Nam Tây Nguyên, đã có hải trình 10 ngày ra thăm biển đảo...
[links()]
LTS: Hòa vào nhịp đập của triệu triệu trái tim người dân cả nước dành cho biển đảo, Đoàn công tác của tỉnh Lâm Đồng do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến dẫn đầu, mang theo tình cảm của 43 dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất Nam Tây Nguyên, đã có hải trình 10 ngày ra thăm biển đảo. Chuyến đi đọng lại rất nhiều cảm xúc, nhưng có lẽ cảm xúc lớn nhất mà các thành viên trong đoàn đều cảm nhận rõ đó là ý chí của những con người nơi đầu sóng cả. Ai cũng nhắc nhở nhau rằng, đi là để chia sẻ, động viên các chiến sỹ. Nhưng ra đây rồi thì chính họ, những con người đang sống nơi đầu sóng, ngọn gió lại truyền cho chúng tôi niềm tin và nhân thêm tình yêu với Tổ quốc. Từ số báo này, Báo Lâm Đồng giới thiệu tới độc giả loạt bài ghi nhận về chuyến đi này.
|
Chắc tay súng. Ảnh: N.Nghĩa |
Bài 1: “Lỗi nhịp” nơi đảo xa
Háo hức. Trên con tàu này tôi cảm được, ai cũng thế! Chúng tôi lên đường đến với Trường Sa vào những ngày tháng Tư đầy ắp những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, cũng là tháng mà quân và dân huyện đảo Trường Sa đang ra sức thi đua, chuẩn bị kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng Trường Sa.
Đúng 8 giờ sáng ngày 5/4, con tàu HQ 561 màu trắng có gắn hình chữ thập đỏ kéo ba hồi còi tạm biệt quân cảng Học viện Hải Quân, ở thành phố Nha Trang, chở 30 thành viên đoàn Lâm Đồng cùng 157 thành viên của các tỉnh bạn và một số đơn vị khác vượt sóng đi về phía đảo Song Tử Tây.
“Tháng Ba bà già đi biển”! Cả đoàn cứ tưởng thời tiết những ngày này (tháng Tư dương lịch), biển sẽ êm, thuận lợi cho hải trình dài 10 ngày ra thăm 12 đảo và nhà giàn. Nhưng, ngày tàu nhổ neo lại là ngày mưa tầm tã, sóng xô dữ dội. Tàu HQ 561 khá hoành tráng với trọng tải 150 tấn, là tàu bệnh viện được đánh giá hiện đại nhất nhì Đông Nam Á, từng “chinh chiến” cứu hộ nhiều sự kiện quốc tế lớn, cũng không thể bảo vệ được tất cả những thành viên đoàn tránh những trận say sóng đến mất kiểm soát…
Ba mươi thành viên của Lâm Đồng hầu hết đều lần đầu đi biển xa, nên phần lớn bị say sóng. Chiều tối, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến phải đi xuống từng phòng để thăm hỏi sức khỏe và động viên tinh thần các thành viên cố gắng giữ gìn sức khỏe để tham gia tốt các hoạt động do đoàn phát động và sẵn sàng tham gia kế hoạch làm việc của tỉnh và của đoàn khi tàu cập đảo.
|
Đoàn công tác của tỉnh tham quan xã đảo Song Tử Tây. Ảnh: N.Nghĩa |
38 giờ lênh đênh trên biển, chiều tối 6/4, khi tôi đang đứng tựa mạn tàu ngắm hoàng hôn thì nghe vang ba hồi còi. Nhìn chếch khoảng 15 độ phía trước mũi tàu, đảo Song Tử Tây ẩn khuất từ từ trong lấp lánh ánh đèn và thảm xanh của cây cối. Mọi người vội vã tay cầm điện thoại, máy hình vừa chạy về trước mũi tàu vừa gọi tên bạn bè ra ngắm hòn đảo đầu tiên trong hải trình.
Sáu giờ tối. Tàu thả neo cách đảo Song Tử Tây khoảng 1 km, nhưng chỉ có Đoàn văn công Hải Đăng của tỉnh Khánh Hòa cùng một số phóng viên báo, đài được di chuyển lên đảo, số còn lại ngủ lại trên tàu chờ sáng mới vào đảo. “Quân lệnh như sơn” - các thành viên ở lại tàu lòng dạ bồn chồn, bởi cảm giác “đảo ngay trước mắt mà vẫn chưa được đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc”.
Hơn 4 giờ sáng, ngày 7/4 hôm ấy, tôi cầm máy hình leo lên boong tàu chờ đón bình minh, không ngờ, đã có gần nửa thành viên đoàn cùng chung cảm xúc mà chẳng cần đợi tiếng báo thức thường nhật phát ra vào 5 giờ sáng: “Toàn tàu báo thức - báo thức toàn tàu”, qua hệ thống loa phát thanh của “nhà tàu”.
Khi đồng hồ trên máy hình báo 5 giờ 15 phút, bình minh đỏ rực. Ánh dương no tròn nhô lên mặt biển rồi “treo” lên cây điện gió đang quay tít phía đảo Song Tử Tây. Ánh sáng bắt đầu tỏa đều, những ngôi sao nhảy múa trên mặt biển và những hàng cây lá xanh ngan ngát trong đảo. Song Tử Tây hiện ra như một thảm cỏ xanh mát giữa màu nước bàng bạc. Đặt tay lên ngực trái, tôi cảm nhận trái tim mình đập rất nhanh vì xúc động. Thì ra, cảm xúc thiêng liêng là tim ta đập rất mạnh khi được nhìn thấy hòn đảo nhỏ của Tổ quốc giữa trùng khơi đang hiển hiện tràn đầy sức sống.
6 giờ 30 sáng, chúng tôi được đưa vào đảo bằng xuồng máy. Mỗi chiếc xuồng chở khoảng 8 đến 10 người. Là phóng viên nên tôi được di chuyển vào đảo ngay từ chuyến đầu tiên. Mặt biển hôm ấy thật bình yên, nước trong xanh lấp lánh lạ thường, nên những chuyến ca nô chở đoàn vào đảo diễn ra rất thuận lợi. Các chiến sỹ trên đảo dàn hàng ngang trên cầu đón chúng tôi. Tất cả đều rất trẻ. Nụ cười rạng rỡ, thân tình của họ xóa nhòa khoảng cách của những con người lần đầu gặp gỡ. Các thành viên đoàn hôm ấy bước lên đảo đầy hào hứng và phấn chấn vì được chạm vào “da thịt” của hòn đảo thiêng liêng.
Cảm giác lạ mà thật quen. Bởi đây là lần đầu được đi thăm biển đảo, được ngắm nhìn và trực tiếp trò chuyện, chứng kiến cuộc sống của quân và dân trên đảo. Giữa đảo xa này vẫn là những ngôi nhà sơn màu vàng, luống rau, mái chùa… Nếp sống của quân và dân chẳng khác là bao so với trong đất liền. Có khác chăng đó chỉ là màu da rám giòn, óng ánh đẹp như những bức tượng đồng của những chú lính trẻ. Có lẽ nắng và sóng biển đã tôi luyện họ thành những con người rắn rỏi, mạnh mẽ như thế.
Đảo Song Tử Tây là một trong những đảo có diện tích khá lớn trong số 21 các đảo lớn, nhỏ thuộc chủ quyền của Việt Nam. Gọi là lớn nhưng đảo cũng chỉ rộng chừng gấp đôi Công viên Yersin bên hồ Xuân Hương của thành phố Đà Lạt. Đứng đầu này chúng ta có thể nhìn thấy được đầu bên kia của đảo. Tháng Tư, màu nắng chói chang và rất ít gió, nhưng Song Tử Tây tươi mát bởi màu xanh của cây phong ba, bão táp và bàng vuông.
“Mời các thủ trưởng và đoàn công tác cùng các đồng chí tập trung tại sân cờ để làm lễ chào cờ” - tiếng loa vang lên cắt ngang buổi khám phá của chúng tôi. Mọi người nhanh chân di chuyển về phía sân cờ. Sau lễ chào cờ, quân và dân đảo Song Tử Tây đón đoàn bằng một lễ duyệt binh, diễu hành hoành tráng, với sự tham gia của lực lượng quân đội chính quy và dân quân tự vệ.
Tôi theo chân ba đồng chí lãnh đạo đoàn là Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng - Nguyễn Xuân Tiến; Đại tá Lê Xuân Thủy - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - Nguyễn Đắc Tài đến thăm, tặng quà các hộ dân trên đảo, trong đó có gia đình chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang. Nhà ở trên đảo thiết kế giống nhau và nằm tách hẳn với khu vực làm việc của lực lượng quân đội. Phía sau nhà là mảnh đất nhỏ gia đình chị trồng rau xanh, phía trước là cây xanh rợp mát, giàn hoa giấy màu hồng trước cổng. Chị Trang thổ lộ: “Cuộc sống của gia đình chị và người dân trên đảo bây giờ khá thuận lợi. Nhờ có hệ thống điện gió và điện năng lượng mặt trời, nên người dân có thể sử dụng điện hàng ngày. Con cái được đến trường và học theo chương trình mới của Bộ”.
|
Quân và dân đảo Sơn Ca chào đón Bí thư Nguyễn Xuân Tiến lên thăm đảo. Ảnh: Nguyễn Nghĩa |
Rời Song Tử Tây, chúng tôi được ghé thăm thêm một số đảo nổi nữa như đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông,… Qua tìm hiểu thì ở tất cả các đảo nổi đều đang có người dân sinh sống, có chùa, trường học, trạm xá, nhà văn hóa, hệ thống trụ sở chính quyền cấp xã… Điều kiện sinh sống của người dân khá đầy đủ. Tivi có thể xem 24/24. Hệ thống lọc nước hiện đại. Riêng điện thì dùng năng lượng mặt trời (đáp ứng được 65% nhu cầu của quân và dân), còn sử dụng điện gió (35%). Một số loại rau như mồng tơi, cải đắng, rau dền, mướp, cà chua, diếp cá… tỏ ra khá phù hợp và phát triển tốt, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quân và dân trên đảo. Một số loại rau không trồng được thường xuyên được chuyển ra đảo vài ba tháng một lần.
Tuy nhiên, giữa trùng khơi, những trận cuồng phong, những ngọn sóng lớn thật khó lường. Vẫn còn không ít những tấm gương chiến sỹ hy sinh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ biển, đảo. Cả những tấm gương chiến sỹ hy sinh vì sự bình yên của ngư dân giữa biển cả mênh mông. Chỉ một ngày trước khi tàu cập bến đảo Song Tử Tây, đảo cũng đón những cơn gió mạnh cấp 7. “Nhưng quân và dân trên các đảo hầu hết đều đã thuộc biển, thuộc trời, biết nghe mây, nhìn gió… nên đã hòa giải được bầu trời và biển đảo nơi họ sống và canh giữ.” - anh Trương Sỹ Nam - Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây chia sẻ.
Đến đảo để được nhìn, cảm nhận và hiện thực hóa những hình ảnh đã bồi đắp trong tâm thức tôi qua sách vở, phim ảnh hơn 40 năm qua. Giờ đây, tôi cảm được lồng ngực mình đã “loạn nhịp”, dường như những con sóng của biển, đảo quê hương đã hòa cùng nhịp trái tim tôi.
(CÒN NỮA)
Ghi chép: NGUYỄN NGHĨA