Mười ngày đến thăm 12 đảo và nhà giàn DK1/7, có lẽ ngần ấy thời gian chưa đủ để chúng ta trải nghiệm tất cả đời sống, sinh hoạt cùng những gian khổ, hiểm nguy của quân và dân trên đảo. Song, tất cả đều cảm nhận được rằng quân và dân ở Trường Sa đang ra sức dựng xây để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, và hành trang trở về đất liền ủ ấp biết bao tình cảm, kỷ niệm…
[links()]
“Mười ngày đến thăm 12 đảo và nhà giàn DK1/7, có lẽ ngần ấy thời gian chưa đủ để chúng ta trải nghiệm tất cả đời sống, sinh hoạt cùng những gian khổ, hiểm nguy của quân và dân trên đảo. Song, tất cả đều cảm nhận được rằng quân và dân ở Trường Sa đang ra sức dựng xây để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, và hành trang trở về đất liền ủ ấp biết bao tình cảm, kỷ niệm…”, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến thổ lộ.
Có lẽ xuất phát từ suy nghĩ ấy, trong cuộc họp tổng kết của đoàn Lâm Đồng diễn ra tại phòng sinh hoạt của thủy thủ tàu HQ 561 ngày quay vào bờ, Bí thư Nguyễn Xuân Tiến đề nghị 30 thành viên trong đoàn chia sẻ cảm nhận và đóng góp ý kiến để tỉnh xây dựng kế hoạch “hướng về biển đảo” thiết thực hơn trong thời gian tới.
|
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến (thứ ba phải qua) cắt băng khánh thành khu nhà ở tặng bộ đội đảo Sơn Ca. Ảnh: N.Nghĩa |
Trong chuyến đi lần này, đoàn Lâm Đồng đã tổ chức khánh thành và bàn giao căn nhà ở, tặng bộ đội đảo Sơn Ca. Kế hoạch đã được hình thành từ cuối năm 2009, nhưng để đặt được những viên đá đầu tiên khởi công công trình phải mất thời gian chuẩn bị khá dài, việc vận chuyển thiết bị, vật liệu xây dựng ra đảo vô cùng khó khăn, nên đến năm 2017, công trình mới cơ bản hoàn thành.
Ngay sau chuyến đi, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến đã kiến nghị với Quân chủng Hải quân để tỉnh kết nghĩa với đảo Sơn Ca. Qua đó, tỉnh sẽ thúc đẩy các hoạt động hướng về biển, đảo tập trung hơn; đồng thời, tổ chức các chương trình, hành động theo từng giai đoạn cụ thể, thiết thực và tiếp tục phát động trong toàn thể cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tỉnh Lâm Đồng, huy động sức mạnh toàn dân để hỗ trợ phát triển đời sống cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo Sơn Ca, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. |
Đây là tấm lòng của cán bộ, chiến sỹ và các dân tộc anh em đang sống và làm việc tại Lâm Đồng. Để có nguồn kinh phí xây dựng, cách đây gần mười năm, tỉnh phát động và kêu gọi cán bộ, quân và dân hướng về Trường Sa, với chương trình “Vì biển đảo”. Phát biểu tại lễ bàn giao nhà, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến xúc động: “Người dân Lâm Đồng tự hào vì từ nay trên đảo Sơn Ca, mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng cả của Tổ quốc, có một công trình của sự đoàn kết, gắn bó giữa miền cao nguyên với quân và dân tại một xã đảo xa xôi. Hòn đảo mà trong tương lai sẽ thêm sắt son với Lâm Đồng, thông qua những hoạt động kết nghĩa”.
Mười ngày đi thăm và tìm hiểu vùng biển đảo, các thành viên trong đoàn đã phần nào hiểu rõ hơn và nhận thức sâu hơn về tình hình biển đảo hiện nay, cũng như điều kiện sống, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của chiến sỹ nơi đảo xa. Trước toàn thể cán bộ, chiến sỹ, nhân viên, thủy thủ đoàn tham gia đoàn công tác ngày rời tàu HQ 561, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đã gói ghém cảm xúc: “Chuyến đi đã mang ra tình cảm và mang về niềm tin. Đó là niềm tin và trách nhiệm đối với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.
Thực tế, ngoài sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, thì sự đóng góp ủng hộ của đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài những năm qua, đã góp phần cải thiện điều kiện sống, thay đổi diện mạo trên một số đảo, điểm đảo và nhà giàn. Đặc biệt là các công trình dân sự như: Trạm Y tế, nhà văn hóa, trường học hay các trang thiết bị phục vụ cho lực lượng kiểm ngư và cán bộ, chiến sỹ, như: xuồng máy, áo phao, máy lọc nước, nhà kính, nhà lưới trồng rau; thiết bị điện tử, đồ gia dụng, tấm năng lượng mặt trời... Tuy nhiên, sự cải thiện cũng mới chỉ ở mức cơ bản, nên vẫn cần nhiều hơn nữa sự chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân, các đơn vị, tổ chức, nhất là khi điều kiện nước ta còn nhiều khó khăn về ngân sách đầu tư cho lực lượng hải quân.
“Tận mắt chứng kiến và trò chuyện với các chiến sỹ trên đảo mới thấy được hết những khó khăn, vất vả của những người ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc. Với tôi, đại diện thành phố Đà Lạt, sau chuyến đi này sẽ có kế hoạch cụ thể hơn trong việc chỉ đạo, cũng như tổ chức các hoạt động hướng về biển, đảo. Mong rằng, Đà Lạt nói riêng và tỉnh chúng ta sẽ có nhiều đóng góp thiết thực và hiệu quả hơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ biển, đảo quê hương”, Bí thư Thành ủy Đà Lạt Huỳnh Thị Thanh Xuân bộc bạch.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh trồng cây trên đảo Sơn Ca. Ảnh: N.Nghĩa |
Là tiến sĩ nông nghiệp, trong chuyến đi này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đặc biệt quan tâm, tìm hiểu về điều kiện thổ nhưỡng và môi trường sinh thái ở các đảo.Trước chuyến đi, Tiến sĩ Phạm S đã nhân giống hơn 30 cây xà cừ Tây Ấn, đích thân chăm sóc, gói ghém cẩn thận để mang ra trồng thử nghiệm tại các đảo. Đây là loại cây đại mộc quý có xuất xứ Indonesia, một đất nước có khí hậu, thổ nhưỡng khá giống các đảo của Việt Nam. Xà cừ Tây Ấn có tuổi thọ hàng trăm năm, là cây lâm nghiệp quý đầu tiên được đưa ra trồng ở đảo. Tiến sĩ Phạm S cho biết, đã nghiên cứu kỹ và nhận thấy loài cây này rất phù hợp với sinh thái các đảo ở quần đảo Trường Sa. Cây sinh trưởng nhanh có tán lớn, sum suê, rợp mát. Ông hy vọng, tương lai loài cây này sẽ góp phần tạo môi trường xanh trên đảo, làm đa dạng sinh học, tạo nên môi trường lý tưởng để không chỉ che mát cho bộ đội, mà còn là nơi cho các loài sinh vật biển sinh sôi nảy nở, tạo ra điều kỳ diệu ở Trường Sa.
“Với tôi, việc trồng cây ngay giữa biển Đông, nơi gió to, nắng nóng, mang nhiều ý nghĩa. Ngoài mục đích tạo môi trường sinh thái tốt hơn, đây còn là điều thể hiện tình người với đất, với biển đảo; tình quân với dân. 30 thành viên đại diện cho 1,3 triệu dân Lâm Đồng trồng 30 cây đại mộc trên các hòn đảo ngoài khơi xa, là đại diện cho ý chí của các tầng lớp nhân dân tỉnh Lâm Đồng, luôn đặt niềm tin sâu sắc đến các chiến sỹ Trường Sa và biển, đảo quê hương”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cho biết.
Phó Chủ tịch Phạm S cũng chia sẻ, chuyến đi đã để lại trong ông nhiều cảm xúc thiêng liêng với Tổ quốc, sự cảm phục đối với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo; củng cố thêm niềm tin vào sức mạnh, ý chí và sự kiên cường nơi đầu sóng, ngọn gió đối với các chiến sỹ đang công tác tại các đảo tiền tiêu Tổ quốc.
Chúng tôi kết thúc chuyến thăm Trường Sa vào một đêm trăng. Khác với ngày ra khơi, hành trình trở về biển thật êm ả. Đêm trước ngày rời tàu, hàng đàn cá chuồn bay là là mặt nước như muốn gửi lời tạm biệt. Ánh trăng hạ tuần treo trên gác ca bin tàu HQ 561 rọi xuống mặt biển lấp lánh, và hình ảnh những người lính trẻ ôm súng đứng gác bên cầu vào đảo Trường Sa lại ùa về. Trong bộ quân phục trắng, họ đứng trên bến tàu ca vang “Trường Sa không xa…”. Trong đêm trăng tiễn biệt, những ánh mắt, cánh tay giữa biển khơi vẫy chào chúng tôi chất chứa biết bao cảm xúc…
Trên hải trình mười ngày được cùng đoàn để đưa tin và làm việc, được nghe Bí thư Tỉnh ủy và các anh, chị trong đoàn sẻ chia, tâm sự những ý tưởng họ hoạch định trong thời gian tới hướng về biển đảo, tôi tin rằng, Lâm Đồng sẽ sớm kéo gần khoảng cách với đảo xa. Và sóng Trường Sa mãi vỗ về giữa đại ngàn Nam Tây Nguyên hùng vĩ.
Ghi chép: NGUYỄN NGHĨA