Là một trong những thôn khó khăn của xã Tân Nghĩa (Di Linh), nhưng nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi..., nên vài năm trở lại đây, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ở thôn Gia Bắc 1 đã có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn ngày càng thêm đổi mới.
Là một trong những thôn khó khăn của xã Tân Nghĩa (Di Linh), nhưng nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi..., nên vài năm trở lại đây, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ở thôn Gia Bắc 1 đã có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn ngày càng thêm đổi mới.
|
Từ nỗ lực vươn lên, nhiều người dân đã xây dựng những ngôi nhà khang trang. Ảnh: NDong Brừm |
Với mong muốn có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, năm 1991, một số hộ dân ở xã Gia Bắc đã chuyển về Tân Nghĩa sinh sống. Hiện nay, thôn Gia Bắc 1 có 184 hộ với 909 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên.
Già làng K’Sang cho biết, những năm đầu bà con về đây làm kinh tế chủ yếu là canh tác lúa rẫy và đi làm thuê, nên gặp nhiều khó khăn, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao.
Là thôn thuộc diện khó khăn, nên những năm qua, thôn Gia Bắc 1 được Nhà nước đầu tư từ các chương trình, dự án 134, 135, 30a… để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, đường giao thông nông thôn, hội trường thôn và hỗ trợ xây dựng 53 căn nhà đại đoàn kết, tình thương cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các phong trào, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chương trình xây dựng nông thôn mới luôn được chính quyền địa phương triển khai sâu rộng và được bà con đồng tình hưởng ứng, tạo được sự chuyển biến rõ nét về mặt nhận thức lẫn hành động của người dân, nhất là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.
Để giúp bà con thôn Gia Bắc 1 phát triển kinh tế, ổn định đời sống, chính quyền địa phương từ xã đến cơ sở đã xác định những việc làm cụ thể, đó là tập trung vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Nhờ nỗ lực vượt khó, hăng say lao động sản xuất, nhiều hộ đã thoát cảnh nghèo khó, vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình phải kể đến hộ bà Ka Long, đây là hộ dân đi đầu của thôn trong việc thay đổi tập quán canh tác truyền thống. Bà Ka Long đã vận động con cháu trong gia đình mở rộng diện tích, mạnh dạn chuyển đổi giống cà phê già cỗi sang trồng giống mới cho năng suất cao. Nhờ chăm chỉ chịu khó lao động sản xuất, đến nay, gia đình bà Ka Long đã có kinh tế khá ổn định, xây dựng được ngôi nhà khá khang trang với trị giá trên 1 tỷ đồng, mua sắm nông cụ sản xuất và ô tô phục vụ sinh hoạt gia đình.
Tương tự, năm 1992, vợ chồng Ka Yêu - K’Brệt chuyển về thôn Gia Bắc 1 sinh sống. Ngoài sản xuất cà phê, bà Ka Yêu còn mở tạp hóa buôn bán lẻ để phục vụ cho bà con trong thôn. “Gia đình tôi hiện canh tác 2,8 ha cà phê. Tuy chưa có điều kiện chuyển đổi giống mới, nhưng nhờ đầu tư thâm canh, nên mỗi năm bình quân thu được 8 tấn cà phê nhân. Nhờ đó, gia đình tôi đã xây dựng được ngôi nhà với số tiền 600 triệu đồng và chăm lo cho 4 người con ăn học” - bà Ka Yêu cho biết.
Đời sống kinh tế phát triển đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn môi trường sống sạch, đẹp.
Người dân đã biết nỗ lực vượt khó, tích cực thi đua lao động sản xuất; phát huy ý thức tự lực, tự cường, nêu cao tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, tang ma, mê tín dị đoan… đã được xóa bỏ, thay vào đó là xây dựng nếp sống mới giản dị và ra sức bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Ông K’Dôi, trưởng thôn Gia Bắc 1 trăn trở: “Được sự quan tâm của Nhà nước và chính quyền địa phương cùng với sự nỗ lực vươn lên của bà con, nên vài năm trở lại đây, đời sống của người dân thôn Gia Bắc 1 đã chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, số hộ nghèo và cận nghèo còn chiếm tỷ lệ khá cao (68 hộ nghèo, 60 hộ cận nghèo). Ngoài những người già neo đơn không nơi nương tựa thì có một số hộ nguyên nhân nghèo là do đông con, thiếu đất sản xuất. Bên cạnh đó, thôn còn khó khăn về điểm trường mẫu giáo cho các cháu học tập và đường giao thông nông thôn”.
Tuy có một số mặt vẫn còn những khó khăn nhất định, nhưng phải nói rằng, về thôn Gia Bắc 1 hôm nay đã có nhiều khởi sắc. Chúng tôi không chỉ chứng kiến về nhiều ngôi nhà xây, mái ngói khang trang “mọc” lên; một số đoạn đường thôn đã được trải nhựa, những ánh đèn đường chiếu sáng lung linh về đêm, mà còn nghe được câu chuyện kể về những tấm gương vượt khó làm giàu… Điều đó, đã giúp chúng tôi cảm nhận được tinh thần đoàn kết, sức sống mới ở một vùng quê nghèo.
NDONG BRỪM