Trong hai cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc, có biết bao chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, bị tra tấn dã man, nhưng họ vẫn một lòng sắt son, kiên trung đi theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ kính yêu, quyết bảo vệ và giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc...
Trong hai cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc, có biết bao chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, bị tra tấn dã man, nhưng họ vẫn một lòng sắt son, kiên trung đi theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ kính yêu, quyết bảo vệ và giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Đất nước hòa bình, họ trở về với cuộc sống đời thường, tiếp thêm ngọn lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
|
Các hội viên Hội CSCMBĐBTĐ Lâm Đồng trở lại thăm nhà tù Côn Đảo, nơi các chiến sĩ từng bị địch bắt giam giữ, tra tấn |
Trở về địa phương, hầu hết những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đều phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thử thách như việc bị tra tấn dã man và bị gông cùm, giam giữ lâu ngày trong các nhà tù, trại giam quá khắc nghiệt đã làm mất đi ít nhiều sức lực. Đặc biệt là thần kinh bị tổn thương, tâm lý bị khủng hoảng, cùng với tuổi đã cao, năng lực, trình độ hạn chế nên việc khắc phục khó khăn để tạo lập cuộc sống và chăm lo gia đình không mấy dễ dàng.
Từ thực tế đó, Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (CSCMBĐBTĐ) Lâm Đồng chính thức được thành lập, tổ chức Đại hội lần thứ I vào ngày 12/6/2012. Qua 5 năm đi vào hoạt động, Hội đã thực sự phát huy được vai trò, mục đích, ý nghĩa và thể hiện rõ là nơi tiếp lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay thông qua nhiều hoạt động bổ ích.
Tổng số hội viên (HV) trong Hội hiện có 860 HV, bao gồm: 85 HV là tù binh Phú Quốc, 75 HV tù binh Côn Đảo, số còn lại là tù binh ở khắp các địa phương trong cả nước. Toàn Hội có 8 Mẹ Việt Nam Anh hùng, được coi là niềm tự hào to lớn nhất của Hội, là điểm tựa, nguồn động viên tinh thần vững chắc của hầu hết các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày năm xưa. Hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng hàng năm được Hội CSCMBĐBTĐ thường xuyên tổ chức gặp mặt các chiến sĩ và ôn lại lịch sử hào hùng, qua đó tạo sự gắn bó đoàn kết giữa các thế hệ chiến sĩ cách mạng. Ngoài ra, Hội còn tổ chức cho anh chị em đi thăm lại chiến trường xưa và tham quan các di tích lịch sử theo từng nhóm các bạn tù Côn Đảo, Phú Quốc, Phú Tài, Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt và nhiều nhà tù khác. Kịp thời phân công HV tham gia các sự kiện trọng đại như dịp Trại giam Phú Quốc, nhà tù Côn Đảo vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Lễ kỷ niệm lần thứ 113 ngày giỗ các anh hùng liệt sỹ bị sát hại tại Côn Đảo; Kỷ niệm 60 năm ngày phá ngục nhà tù Tân Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai… và các ngày lễ lớn của đất nước, của Hội cũng như lễ truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các HV đã từng bị địch bắt giam giữ tại Phú Quốc và nhà tù Côn Đảo.
Đặc biệt, một hoạt động nổi lên và để lại dấu ấn sâu sắc đó là nhiều năm qua, Hội CSCMBĐBTĐ Lâm Đồng đã phối hợp chặt chẽ với Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục các huyện tổ chức giao lưu tại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt để kể chuyện về những tấm gương đấu tranh kiên trung, bất khuất, dũng cảm hy sinh của các anh hùng liệt sỹ cách mạng năm xưa trong các nhà tù, trại giam của Mỹ, Ngụy cho cán bộ, giáo viên, đoàn viên ưu tú và hơn 6.500 học sinh cấp II, cấp III bằng những câu chuyện người thật, việc thật; hành động cụ thể trong đấu tranh anh dũng được chuyển tải sinh động qua lời kể của các ông bà, cô chú là chiến sĩ cách mạng năm xưa như một cách truyền lửa nhiệt huyết lòng yêu nước một cách mạnh mẽ nhất cho thế hệ trẻ . Những kỷ niệm xúc động trong những ngày tháng bị giam cầm trong ngục tối lao tù của các chiến sĩ cách mạng đã cho thấy phác thảo sinh động về hình ảnh người chiến sĩ gan dạ, dám xả thân cho sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc.
Hòa bình lập lại, trở về đời thường có cuộc sống ấm no, nhưng hình ảnh người lính Cụ Hồ bị tra tấn dã man trong nhà tù Phú Quốc, Côn Đảo vẫn cứ đau đáu, đeo bám trong tâm hồn những người chiến sĩ trong suốt cuộc đời sau này. Vì thế, những hoạt động thăm hỏi, động viên giúp đỡ nhau về tinh thần cũng như vật chất đã được anh em HV trong Hội thường xuyên quan tâm chú trọng. Trong 5 năm qua, nhiều hoạt động “nghĩa tình thủy chung” thể hiện sự tương trợ gắn bó, yêu thương, giúp đỡ nhau giữa các HV cựu tù như thăm hỏi, phúng viếng, động viên thân nhân gia đình của 100 HV, Mẹ Việt Nam anh hùng đã không may qua đời. Kịp thời thăm nom HV lúc ốm đau, bệnh tật với khoảng 353 lượt, kinh phí trên 106 triệu đồng, hỗ trợ tặng quà tết cho HV nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí trên 45 triệu đồng. Món quà vật chất tuy không nhiều nhưng hoạt động “nghĩa tình thủy chung” ấy đã động viên tinh thần và nghị lực giúp các HV vượt qua nỗi đau bệnh tật, khó khăn trong cuộc sống.
Ngoài việc tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương, các HV trong Hội còn là những tấm gương mẫu mực tại khu dân cư, tích cực tham gia các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào vì người nghèo, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phong trào “Xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh”… Đặc biệt, vào năm 2014, khi Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam, bên cạnh việc tỏ rõ thái độ lên án với hành động phi pháp trên, các HV đã thể hiện bằng cách dành một một phần nhỏ kinh phí của mình ủng hộ, động viên tinh thần các chiến sĩ nơi đảo xa 50 triệu đồng vào “Quỹ vì Trường Sa thân yêu”. HV ở khắp các địa phương trong tỉnh, nhất là HV ở thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh đã tích cực tham gia phát triển kinh tế làm giàu trên quê hương, trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi, gương mẫu nộp thuế đúng quy định, có hộ mỗi năm đóng thuế cho nhà nước hàng tỷ đồng, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương và vinh dự được UBND tỉnh, các địa phương kịp thời tuyên dương.
Trao đổi về những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2017 - 2022, Anh hùng lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội CSCMBĐBTĐ Lâm Đồng Mai Thanh Minh cho biết: Với mục tiêu “Tiếp tục phát triển tổ chức Hội các địa phương còn lại trong tỉnh, xây dựng tổ chức Hội các cấp ngày càng vững mạnh để tập hợp HV, tăng cường công tác chính trị tư tưởng và sinh hoạt truyền thống để giữ vững phẩm chất cách mạng và phát huy truyền thống cách mạng, thiết thực bảo vệ quyền lợi chính đáng cho HV bằng việc rà soát để đảm bảo thực hiện đầy đủ chế độ chính sách và kịp thời quan tâm thăm hỏi, động viên các HV…”, Hội CSCMBĐBTĐ Lâm Đồng sẽ tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng đi sâu giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng trong chốn lao tù, khơi dậy lòng yêu nước, hun đúc ngọn lửa cách mạng cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Điều mà Ban lãnh đạo Hội cũng như nhiều HV trăn trở nhất hiện nay, đó là trong 5 năm qua, mặc dù Hội và Ban liên lạc đã tích cực tham gia giải quyết chính sách, chế độ cho 50 chiến sĩ bị địch bắt tù đày nhưng so với hồ sơ tồn đọng hiện nay gần 100 hồ sơ thì còn quá ít. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tồn đọng hồ sơ chủ yếu do không có hồ sơ gốc hoặc hồ sơ bị thất lạc nên mặc dù các cơ quan chức năng trung ương và địa phương đã tích cực hỗ trợ trong việc xác minh, thẩm định hồ sơ nhưng kết quả vẫn không như mong đợi. Đây cũng là tâm tư, niềm mong mỏi của những cựu tù gửi tới các cơ quan chức năng quan tâm đối với sự hy sinh lớn lao, sự dũng cảm, xả thân quên mình vì nước của các chiến sĩ bị địch bắt tù đày năm xưa.
HÀ NGUYỆT