Gia đình văn hóa - xã hội văn minh

08:06, 27/06/2017

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt gia đình càng tốt hơn. Trong 24 gia đình tiêu biểu toàn tỉnh vừa được Sở VH-TT-DL Lâm Đồng biểu dương nhân ngày Gia đình Việt Nam, mỗi tổ ấm một phong cách sống, một nền nếp sinh hoạt riêng, đang là những điểm sáng lấp lánh...

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt gia đình càng tốt hơn. Trong 24 gia đình tiêu biểu toàn tỉnh vừa được Sở VH-TT-DL Lâm Đồng biểu dương nhân ngày Gia đình Việt Nam, mỗi tổ ấm một phong cách sống, một nền nếp sinh hoạt riêng, đang là những điểm sáng lấp lánh. Họ là điển hình tiêu biểu trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống: hòa thuận, thương yêu nhau, chung thủy, nghĩa tình, vươn lên làm giàu chính đáng, có trách nhiệm với cộng đồng - góp phần tạo nên một xã hội tốt đẹp, văn minh.
 
Gia đình ông bà Nguyễn Kim Quý - Nguyễn Kim Thu (Châu Sơn, Lạc Xuân, Đơn Dương): Gia đình êm ấm, cộng đồng êm ấm mới là hạnh phúc trọn vẹn 
 
Ông Quý và bà Thu lập gia đình với nhau hơn 30 năm, họ đã tạo dựng nên một tổ ấm hạnh phúc. Ông bà sinh được 4 người con (2 trai, 2 gái), bây giờ thêm con dâu, con rể và 2 cháu nội, 2 cháu ngoại. Ông bà luôn răn dạy con cháu phải giữ vững nền nếp gia đình. Dù 3 thế hệ sống chung dưới một mái nhà, nhưng ngôi nhà luôn hòa thuận, đầm ấm. 
 
Trước đây, ông Quý là trưởng thôn, 6 năm nay, thôn Châu Sơn được chọn làm điểm xây dựng CLB phòng chống bạo lực gia đình của tỉnh, ông Quý lại làm chủ nhiệm CLB. Ông quan niệm, mình nói mà bà con nghe theo, vận động được bà con vào CLB thì trước hết gia đình mình phải làm gương. 
 
Là địa bàn cư dân sống rải rác quanh một vùng đồi, ban ngày bà con đi làm nông nghiệp, CLB luôn sinh hoạt vào ban đêm. Dù khó khăn, nhưng ông Quý đã vận động được ba phần tư số hộ gia đình trong thôn sinh hoạt CLB đều đặn. Nghe ở đâu có chuyện gia đình xích mích, bất hòa là ông tới. Qua vận động, ông Quý thấy, bạo lực gia đình từng đi kèm với rượu chè, cờ bạc, bạo lực xảy ra là do không kiểm soát được lý trí; nên nội dung sinh hoạt CLB cũng được ông mở rộng ra các vấn đề như phòng chống tệ nạn xã hội, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, triển khai Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Chăm sóc bảo vệ trẻ em... Nhờ ông thường xuyên sâu sát từng hộ gia đình, tích cực vận động, tổ chức sinh hoạt CLB đều đặn, tình trạng bạo lực gia đình trong thôn đã giảm rõ rệt. 
 
Gia đình anh chị Kơ Son Đa Vít - Liêng Jrang K’Sinh (buôn Liêng Trang, xã Đạ Tông, Đam Rông): Cả nhà tôi đều yêu ca hát
 
Không sinh nhiều con để có nhiều lao động và phải có con gái để nối dòng như đồng bào K’Ho ở Đam Rông xưa nay vẫn nghĩ, vợ chồng anh chị Kơ Son Đa Vít - Liêng Jrang K’Sinh lấy nhau và sinh được 2 con trai, cháu lớn cách cháu bé 5 tuổi. Chẳng bao lâu, họ lại nhận nuôi thêm 2 con gái sinh đôi, gia đình trở nên đông con. Nhờ Chương trình 30a, Hội Phụ nữ xã đã tạo điều kiện tín chấp cho gia đình anh chị vay 30 triệu đồng, hỗ trợ cây giống vật nuôi. Từ đó K’Sinh đầu tư chăm sóc cải tạo 6 ha cà phê và các loại cây ăn trái khác quanh nhà, trồng được 3 sào bắp, 6 sào lúa nước, 10 ha keo (nguyên liệu làm giấy) phủ xanh đất trống đồi trọc vừa làm kinh tế vừa cải thiện môi trường, nuôi 8 con bò và nhiều heo gà. Bình quân mỗi năm gia đình Đa Vít - K’Sinh thu nhập từ 300 triệu đồng từ cà phê vườn tược trở lên, đủ sức để nuôi dưỡng 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi học.
 
Ngoài thời gian làm bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân, anh Đa Vít còn giúp vợ việc nhà, chăm sóc các con. Được chồng chia sẻ, chị K’Sinh tích cực tham gia công tác xã hội, chị là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của thôn, thường xuyên vận động bà con thực hiện lối sống vệ sinh, phòng dịch, bảo vệ sức khỏe. Gia đình anh chị cùng làm gương để chị em đồng bào nhìn vào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, chăm sóc nuôi dạy con cái tốt, sinh đẻ có kế hoạch. Cả gia đình yêu văn nghệ, cùng lên sân khấu và đoạt giải nhì Liên hoan Gia đình nghệ thuật do Sở VH-TT-DL tổ chức; chị K’Sinh còn đoạt giải A trong Liên hoan hát ru toàn tỉnh do Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức với làn điệu ru con truyền thống của người K’Ho... Tiếng đàn, tiếng hát làm cho họ thêm yêu cuộc sống, cùng nhau làm ăn, nuôi dạy các con, xây dựng gia đình hạnh phúc - anh Đa Vít tâm sự. 
 
Gia đình ông bà Lê Hùng Hải - Nguyễn Thị Tuyết Mai (thôn 3, xã Đạ M’ri, Đạ Huoai): Vườn cây nặng trái, con cái thành đạt
 
33 năm xây dựng gia đình với nhau, dù đứng trước bao khó khăn nhưng ông bà Hải - Mai không khi nào to tiếng cãi vã nhau, bảo nhau cùng làm ăn nuôi lớn 4 người con. Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, khu vườn tuy rộng, nhưng thời gian đầu phải đổ rất nhiều mồ hôi mới có cơm ăn. Hơn chục năm qua, ông bà được bà con lối xóm ngợi khen vì sự tiến bộ trong trồng trọt, biết áp dụng tiến bộ trong chọn giống và chăm sóc cây sầu riêng. Cả khu vườn được nhanh chóng chuyển qua trồng giống sầu riêng Ri-6 hạt lép, cơm vàng, vị thơm ngậy, được khách hàng ưa chuộng. Thu nhập của gia đình không ngừng nâng cao, đời sống được cải thiện nhờ vườn cây ăn trái cho năng suất, chất lượng. 
 
Luôn ý thức xây dựng gia đình văn hóa, ông bà quan tâm răn dạy các con sống hòa thuận, nghĩa tình, trách nhiệm với cộng đồng. 4 người con đều học hành, chăm ngoan, trưởng thành và nay đã có công ăn việc làm ổn định. Người con trai đầu đã 31 tuổi, con út 25 tuổi, các con ông Hải bà Mai đều theo tấm gương cha mẹ mà vươn lên tự lập, kiếm sống chân chính bằng sức lao động của mình. Ngôi nhà ba thế hệ chung sống hòa thuận, hạnh phúc, luôn đầy ắp tiếng cười. 
 
Gia đình anh chị Nguyễn Đình Tân - Ngô Thị Tâm (thôn Đức Long, xã Hoài Đức, Lâm Hà): Gia đình nhỏ, hạnh phúc lớn
 
Xây dựng gia đình với nhau trên vùng kinh tế mới còn đầy những khó khăn, liên tiếp 2 cậu con trai ra đời, anh Tân - chị Tâm cùng chung lưng đấu cật chịu khó lao động gây dựng cuộc sống, chăm lo phát triển gia đình, nuôi dạy con cái trở thành người có ích. Đến nay, con trai đầu của anh chị đã tốt nghiệp đại học, con trai thứ 2 đang học Đại học Điện lực Hà Nội, anh chị luôn dạy con cái yêu thương, đùm bọc nhau, tương thân tương ái, chan hòa với bà con lối xóm, trong đó anh chị nêu gương mẫu mực. 
 
Chi tiêu tiết kiệm, có của ăn của để, anh chị dành vốn mua sắm máy cơ giới phục vụ nông nghiệp. Với diện tích sản xuất 4 ha, anh chị mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thực hiện thâm canh, đa canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng xen canh cây tiêu vào vườn cà phê; mô hình đã giúp họ tăng thu nhập, giảm rủi ro về giá cả.
 
Chị Tâm tham gia vào ban chấp hành chi hội phụ nữ của thôn, nhận thấy phong trào “5 không, 3 sạch” với các nội dung “sạch bếp, sạch nhà, sạch ngõ”, “không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học, không đói nghèo, không sinh con thứ ba trở lên” là một cuộc vận động thiết thực xây dựng gia đình văn hóa; chị làm theo ngay và vận động bà con cùng thực hiện các tiêu chí, gìn giữ môi trường sống sạch, đẹp. Anh chị cùng bà con góp công góp của làm 1 km đường bê tông, 4 km đường đá cấp phối phục vụ cho việc đi lại, vận chuyển nông sản dễ dàng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Vượt qua khó khăn, cuộc sống vật chất, vươn lên làm giàu, nuôi dạy con cái thành đạt, họ được bà con trong thôn tin yêu.
 
QUỲNH UYỂN