Nếu được lựa chọn một lần nữa…

09:06, 22/06/2017

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, tôi thấy mình hạnh phúc vì nghề đã lựa chọn mình và đã trở thành một phần rất nhỏ với đủ đầy buồn vui với nghề mà mình đã chọn để ngày một lớn lên.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, tôi thấy mình hạnh phúc vì nghề đã lựa chọn mình và đã trở thành một phần rất nhỏ với đủ đầy buồn vui với nghề mà mình đã chọn để ngày một lớn lên.
 
Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng cán bộ, phóng viên, CNV Báo Lâm Đồng. Ảnh: V.Báu
Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng cán bộ, phóng viên, CNV Báo Lâm Đồng. Ảnh: V.Báu
Ngày đầu tiên vào nghề, không phải là những cái vỗ vai động viên, mà là một gáo nước lạnh của một đồng nghiệp lớn tuổi dành cho tôi: “Cơ quan không còn biên chế đâu, hợp đồng cũng rất khó, kiếm việc khác mà làm, chờ đợi sẽ rất lâu đấy…”.
 
Tất nhiên, với tất cả sự dư thừa năng lượng của một gã trai mới lớn, câu nói ấy chẳng hề có tí kí lô trọng lượng nào đối với tôi. Hơn một tuần đọc báo, đến khi đặt bút viết bản tin đầu tiên, điều làm tôi lo sợ, hoang mang và phần nào đó là sự nản lòng chính là bản thảo đỏ ối như ráng chiều Tây Nguyên, với đầy nét bút biên tập dọc ngang mà “cha đẻ” của nó dù có đeo kính lúp cũng chẳng thể nhận ra hình hài của “đứa con tinh thần”, dù nó mới được sinh ra.
 
Cái bản tin ấy, sau nhiều lần chết đi, sống lại cũng đã đàng hoàng được đăng lên mặt báo, dù rất khiêm tốn nằm lẻ loi ở một góc. Những ngày tháng màu hồng trong suy nghĩ đã dần bị mờ đi, thời gian đầu làm nghề, tôi như đi trong cơn mưa chiều, ướt lạnh dầm dề, mỗi một bản tin, bài viết như bong bóng vừa mới hình thành đã vỡ vụn. Hơn một lần, tôi đã rơi vào trạng thái gần như trầm cảm bởi những cú điện thoại từ số máy 0633.822.47… réo gọi truy vấn.
 
Cái tật của tôi, mà theo cách gọi của các “bác sĩ” phòng tòa soạn “bắt bệnh” chính là sự vô tội vạ. Vô tội vạ viết, vô tội vạ đặt vấn đề và hàng trăm thứ vô tội vạ khác chỉ làm sao để tôi “thỏa chí tang bồng”, mặc sức phóng tay, mặc sức nói cho sướng miệng. Sau nhiều lần được kê đơn, uống thuốc, tôi mới thấy đúng như những gì “bác sĩ” kê đơn bắt bệnh. Lắng đi, đọc lại, mới thấy những gì mình viết còn chẳng hay bằng bài chửi có vần điệu của một bà già ở quê mất gà chửi đổng hàng xóm, nhiều lúc ngô nghê đến đỏ mặt, tẽn tò dù chỉ ở một mình.  
 
Ai rồi cũng phải lớn lên, thời gian hay đúng hơn là những chuyến đi, sự trải nghiệm đã cho tôi có sự chiêm nghiệm và trưởng thành. Làm báo, cần lắm một sự thành thực, thành thật nói, thành thật nghĩ và thành thật viết. Tôi hay đơn giản nghề, làm báo giống như người biết kể chuyện, dở hoặc hay tất cả đều do cảm xúc, dù lý trí cũng là một phần không thể thiếu.
 
Những người đi trước tại tòa soạn của tôi có một câu slogan bất hủ “Không có nhà báo nhỏ, chỉ có nhà báo không lớn” và họ hay nói với chúng tôi, những người đi sau bằng tất cả niềm tự hào vốn có. Chuyện lớn nhỏ trong nghề với tôi chỉ là một khái niệm, mà khái niệm thường là trừu tượng. Sự thành công của một người làm báo đương nhiên không dành cho những ai vô tâm, hời hợt và thiếu tình yêu với nghề. Nếu bạn biết trăn trở với từng cuộc đời, với từng nỗi đau, sự bất hạnh, cả sự quặn thắt với mỗi con chữ bạn sẽ nhận được quả ngọt dù bạn đang làm ở bất kì tòa soạn nào.
 
Nghề báo là một nghề khắc nghiệt, một nghề hiếm hoi đòi hỏi cùng lúc cả về trí, lực mà không một ai có thể làm thay công việc của chính mình. Sự nâng đỡ, nương tựa, dựa dẫm, ban ơn, lừa lọc, giả dối sẽ chỉ giúp bạn có được một công việc viết báo làng nhàng, một chỗ ngồi mà không bao giờ có thể tự mình đứng bằng đôi chân của chính mình. 
 
Chỉ có sự trung thực, tử tế trước cuộc sống và đạo đức nghề nghiệp (nói một cách khác gần hơn là cái tâm với nghề) mới giúp bạn dần có đầy đủ niềm tin và đam mê để đi đến cuối con đường của nghề báo.
 
Và với tất cả lí do trên, nếu được lựa chọn một lần nữa, tôi vẫn sẽ chọn nghề báo…          
 
LAM ANH