Ở vào tuổi 60, đáng ra phải được nghỉ ngơi, vui hưởng tuổi già, thế nhưng, bà giáo già Võ Thị Ngọc Thanh (thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng) vẫn đang ngày ngày cần mẫn trên từng giá vẽ, chắt chiu từng đồng nuôi tụi nhỏ mồ côi cắp sách đến trường.
Ở vào tuổi 60, đáng ra phải được nghỉ ngơi, vui hưởng tuổi già, thế nhưng, bà giáo già Võ Thị Ngọc Thanh (thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng) vẫn đang ngày ngày cần mẫn trên từng giá vẽ, chắt chiu từng đồng nuôi tụi nhỏ mồ côi cắp sách đến trường.
|
Cô Võ Thị Ngọc Thanh bên các con. Ảnh: Thy Vũ |
Làm mẹ của những đứa trẻ bất hạnh
Nằm lọt thỏm trong một con hẻm sâu trên đường Thống Nhất, thị trấn Liên Nghĩa là Mái ấm nhân ái - nơi nuôi dưỡng 12 đứa trẻ mồ côi do bà giáo già Võ Thị Ngọc Thanh sáng lập nên.
Hôm chúng tôi tìm đến mái ấm, cô Thanh không có nhà. Thấy có khách đến, các em, từ lớn đến nhỏ lần lượt lễ phép chào khách. Sau khi mời khách vào nhà, các em lại tiếp tục công việc của mình, đứa thì lo xếp quần áo, đứa lo nấu cơm, đứa đang quét nhà, đứa nhanh nhảu đi tìm mẹ Thanh.
Khi về tới nơi, thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên trước sự tự giác của các em, cô Thanh cười thật tươi: “Cũng phải mất chừng 2 năm mọi thứ mới được như vầy đó! Giờ thì cô khỏe lắm, mọi chuyện các con đều tự lo cho nhau, đứa lớn chỉ đứa nhỏ, rồi công việc trong nhà cũng bảo ban nhau tự giác làm, chẳng chờ mẹ nhắc!”.
Mỗi đứa trẻ ở đây là một hoàn cảnh bất hạnh, đứa mồ côi, đứa bán vé số, đứa đánh giày… Trước khi được về sống chung dưới Mái ấm nhân ái, ngày ngày chúng lang thang hết hang cùng ngõ hẻm trong phố huyện từ sáng tới tối, đêm đến thì lại về công viên tìm chỗ ngủ.
Xót xa trước hoàn cảnh của các em, hơn 6 năm qua, cô Thanh đã nhận nuôi các em, vừa làm mẹ và cũng vừa làm cha, chăm cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ, chỉ các em từng nét chữ, bảo ban các em mọi điều hay lẽ phải trong cuộc đời.
Cô Thanh trầm ngâm nhớ lại, đó là một buổi chiều mưa năm 2011, cô tình cờ gặp bé Ngô Thị Hồng Thủy bị bệnh tim bẩm sinh, co ro xin ăn trước phòng tranh của mình. Lúc đó, khi gọi em vào nhà cho em ăn, thấy cô vẽ, Thủy cũng tỏ ra thích thú, cô Thanh liền bảo em hàng ngày tới đây để cô dạy vẽ cho. Lúc đó, Thủy liền hỏi: “Con không biết chữ, có học vẽ được không?”. Từ lúc đó, tôi quyết định sẽ dạy cho em biết chữ. Rồi mấy hôm sau, bé Thủy lại dẫn theo nhiều bạn nhỏ khác tới, tất cả chúng đều không biết chữ. Sau khi mở lớp dạy chữ cho các em, chúng đi bán một buổi, một buổi đến đây học chữ. Nhưng vì làm bán thời gian, vé số bán ế, dồn ứ lại, về nhà, các em lại bị đánh.
Vì muốn các em yên tâm học chữ, tôi đã thương lượng với gia đình các em sẽ trả nợ phần vé số các em không bán được thời gian đó, rồi xin cho các em tới ở và học ở nhà mình” - cô Thanh nhớ lại.
Ngã rẽ cuộc đời
Cô Thanh vốn quê Đà Lạt, là giáo viên dạy Văn. Ngày đó, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm văn tại Trường Cao đẳng Sư phạm TP Hồ Chí Minh, cô về dạy tại nhiều trường thuộc vùng sâu, vùng xa của TP Bảo Lộc, huyện Di Linh. Năm 2000, sau khi chồng mất, cô xin nghỉ dạy để về gần nhà, gần con, tiếp tục theo đuổi niềm đam mê hội họa từ thuở nhỏ.
Sau một thời gian mở phòng tranh tại TP Đà Lạt, cô quyết định dời phòng tranh về thị trấn Liên Nghĩa và cơ duyên khi cô gặp bé Thủy, nhận nuôi những đứa trẻ bất hạnh, rồi mua đất, cất Mái ấm nhân ái gần Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc để các con tiện đến lớp như hôm nay, chính là ngã rẽ đầy bất ngờ và cũng đầy niềm vui mà cô không nghĩ mình sẽ có được lúc về già.
Cô bảo, lúc này đây, cuộc sống của cô và tụi nhóc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cũng đã dần ổn định. Đứa lớn sang năm lên cấp II, đứa nhỏ lên lớp lá. Trong số 12 đứa trẻ của mái ấm, có 2 đứa cô vừa gửi lên Đà Lạt ở với con trai cô để theo học trường chuyên. Ngày chúng chăm chỉ tới trường, tối về tự ôn luyện bài vở, chẳng cần mẹ Thanh phải nhắc nhở, la rầy. Cô thì ngày ngày vẽ tranh, rồi chụp hình đám cưới, kiêm đám ma để có tiền trang trải chuyện ăn, chuyện học và mọi chi tiêu của mấy mẹ con. Mà nếu tháng nào có dư giả chút đỉnh thì lại giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác…
Nghe thì có vẻ mọi chuyện khá dễ dàng. Nhưng ít ai biết được rằng, 2 năm đầu khi nhận nuôi tụi nhỏ, do các em không có giấy khai sinh, không được đến trường, mẹ Thanh phải dạy các em vỡ lòng từng chữ. Rồi đến năm 2013, khi cuộc sống bắt đầu ổn định, cô Thanh lúc đó đã quyết định cầm cố ngôi nhà ở Đà Lạt của mình để có tiền lặn lội về quê của từng em, đứa Phan Thiết, đứa Đà Loan, đứa Đồng Xoài, đứa Tân Phú... nhờ công an địa phương xác nhận và làm giúp giấy khai sinh để về xin nhập KT3, rồi xin cho các em được đến trường.
Lan tỏa nhịp yêu thương
Khi ngồi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của đời mình, cô Thanh bảo, từ lúc lập nên mái ấm nhân ái cho đến nay, cô và các con cũng đã nhận được nhiều sự hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần của chính quyền địa phương, bạn bè và cả những mạnh thường quân khi nghe về mái ấm. Đó là những bạn bè ở xa, cách nửa vòng trái đất đã tin tưởng đặt tranh cô vẽ với giá cao hơn bình thường; rồi cô Trang bán thịt heo ở chợ Liên Nghĩa hơn nửa năm nay đều đặn mỗi tuần cho Mái ấm 20 kg thịt; anh Tuấn Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Mầm non Thế giới trẻ em; DN tư nhân Yên Tâm cũng đều đặn cho các em mỗi tháng 50 kg gạo.
Trước sự giúp đỡ của mọi người, cô Thanh luôn dạy các con nhận thì phải biết ơn, làm sai thì phải biết xin lỗi và trên hết, sống là phải biết thương yêu nhau, yêu thương mọi người, kể cả động vật.
Cô cũng kể thêm, mới cách đây hơn 1 tháng, bé Trần Thanh Tuyền có lượm được 1 chiếc điện thoại Iphone 7 plus, bé liền đến đồn công an thị trấn để nhờ các chú công an trả lại cho người mất. Lúc các chú công an gọi cô lên để làm thủ tục bàn giao cho người bị mất, cô thấy vui quá, vì các con đã hiểu và làm theo những gì mình dạy bảo!
Câu chuyện đang vui, nhưng khi nghe chúng tôi hỏi về tương lai của Mái ấm nhân ái và những đứa trẻ, giọng người giáo già lại chùng hẳn xuống: “Hiện, tôi đang nung nấu ước mơ sẽ xây được một thư viện để không riêng gì các con trong mái ấm mà các em nhỏ trong xóm cũng có thể đến đọc sách, học thêm về Internet, vì bây giờ, mỗi lần học giải toán trên mạng, các con phải ra tiệm Net trước nhà”.
Sau giây phút ưu tư, cô lại vui vẻ kể về những ngày hè của các con. Dường như với bà giáo Võ Thị Ngọc Thanh, những câu chuyện về các con là những câu chuyện dài không có đoạn kết. Mà, cũng dễ hiểu thôi, bởi, sự khôn lớn mỗi ngày của các con chính là niềm vui tuổi già của Mẹ!
Ghi chép: THY VŨ