Nếp nhà trong một gia đình ba thế hệ

08:06, 23/06/2017

Đã hơn 41 năm chung sống, vợ chồng ông bà Hồ Đức Lung và Hoàng Thị Sướng (tổ dân phố Chi Lăng, phường 9, Đà Lạt) chưa một lần to tiếng và cũng ít khi họ giận dỗi vì không vừa ý nhau. Ngôi nhà ba thế hệ đầm ấm, chan hòa của ông bà được xây dựng và vun đắp bởi tình yêu, tình đồng chí, đồng đội. 

Đã hơn 41 năm chung sống, vợ chồng ông bà Hồ Đức Lung và Hoàng Thị Sướng (tổ dân phố Chi Lăng, phường 9, Đà Lạt) chưa một lần to tiếng và cũng ít khi họ giận dỗi vì không vừa ý nhau. Ngôi nhà ba thế hệ đầm ấm, chan hòa của ông bà được xây dựng và vun đắp bởi tình yêu, tình đồng chí, đồng đội. 
 
Hai vợ chồng ông bà Thượng tá Hồ Đức Lung và Hoàng Thị Sướng quây quần bên các cháu nội, ngoại trong một ngôi nhà đầm ấm. Ảnh: Q.Uyển
Hai vợ chồng ông bà Thượng tá Hồ Đức Lung và Hoàng Thị Sướng quây quần bên các cháu nội, ngoại trong một ngôi nhà đầm ấm. Ảnh: Q.Uyển
Cùng quê xã Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình, lớn lên vào đúng những năm tháng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi vào giai đoạn ác liệt nhất, vận mệnh dân tộc đặt lên vai lớp người cùng thế hệ ông Hồ Đức Lung và bà Hoàng Thị Sướng, thôi thúc họ đứng lên đánh giặc, giữ nước. Năm 1963, ông Hồ Đức Lung nhập ngũ ở tuổi 19, cũng vào thời điểm Mỹ bắt đầu ném bom bắn phá miền Bắc. Ông vượt núi băng rừng tham gia chiến đấu ở các chiến trường phía Tây Trường Sơn trên đất bạn Lào, đối mặt với “muỗi vàng, bọ chó, gió Ai Lao” biết bao khó khăn, gian khổ. Năm 1969, khi vừa đủ lớn ở 17 tuổi, bà Sướng cũng nhập ngũ tham gia phục vụ ở cục tham mưu bộ đội Trường Sơn, đưa đón những đoàn khách vào ra chiến trường... 
 
Đất nước gần đến ngày thống nhất, họ đã gặp nhau ở quê trong một lần về phép. Những câu chuyện họ kể cho nhau nghe là chuyện chiến trường, là những chiến công của mình, là chuyện đồng đội chiến đấu anh dũng hy sinh bên Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn. Tình yêu nảy nở từ tình đồng chí, đồng đội; mộc mạc, đơn sơ, nhưng thủy chung, son sắt.
 
Sau khi học xong với thành tích xuất sắc, ông Hồ Đức Lung được giữ lại làm giảng viên giảng dạy bộ môn bản đồ chiến dịch, bản đồ địa hình quân sự và pháp luật. Năm 1976, họ nên duyên vợ chồng. Ngay sau khi cưới, ông được chuyển vào Đà Lạt công tác ở Học viện Lục quân. Dù ở xa, điều kiện thời đó đi lại khó khăn, chỉ có thể liên lạc với nhau qua những lá thư, nhưng họ luôn tin tưởng ở nhau. Năm 1978, bà Sướng theo chồng vào Đà Lạt, lần lượt 3 đứa con ra đời. 
 
Đất nước vừa thống nhất, cuộc sống vô cùng khó khăn. Bà Sướng cũng xin vào Học viện Lục quân làm công tác phục vụ giảng dạy ở phòng huấn luyện, rồi chuyển qua công tác hậu cần. Ngoài công việc ở Học viện, bà đảm đương việc chăm sóc con cái, cùng chồng bảo ban con học hành đến nơi đến chốn. Ngày công tác ở cơ quan, đêm về bà lại cải tạo khu đất quanh nhà, trồng rau, nuôi gà, nhận những khó khăn về mình để chồng yên tâm công tác. 
 
Là người tài hoa, vẽ bản đồ chính xác đúng tỷ lệ, viết chữ chuẩn mực, thượng tá Hồ Đức Lung từng đoạt nhiều giải thưởng trong cuộc viết chữ chuẩn và đẹp toàn quân. Với kiến thức sâu, rộng, ông đã góp phần đào tạo nên nhiều sĩ quan ưu tú cho nước nhà. 
 
Phụ nữ phải là người giữ lửa trong gia đình - đúng như lời bà Sướng nói, bà luôn sống lạc quan, vun đắp và trân trọng những gì mình đang có. Bà luôn là điểm tựa vững chắc cho chồng, các con, và bây giờ thêm các cháu. 3 đứa con (2 gái, 1 trai) trưởng thành. Đến khi lập gia đình riêng, bà Sướng lại dang rộng đôi tay, giúp con nuôi các cháu. 4 đứa cháu nội, ngoại đều được bà nuôi nấng chăm sóc để hỗ trợ các con dành thời gian làm tốt công việc của mình. Để tiện chăm sóc con cháu, ông bà còn hỗ trợ con cái đất làm nhà và ở chung với các con khi cháu còn nhỏ. Các gia đình nhỏ của các con, ai cũng lấy ông bà làm gương mà sống với nhau hòa thuận. 
 
Cả đại gia đình 11 người (2 ông bà cùng 5 con dâu - rể và 4 đứa cháu nội - ngoại) luôn hòa thuận, đầm ấm, thương yêu nhau. Mặc dù con dâu sống trong cùng một nhà, nhưng với bà Sướng dường như không có khái niệm mẹ chồng nàng dâu, ông bà coi con dâu là con gái, coi con rể như con trai, không phân biệt. 
 
Bữa cơm trong gia đình ông bà luôn là lúc mọi người xích lại gần nhau, đầy ắp những câu chuyện học hành của các cháu, dự định, công việc của các con, những tâm sự và cả tiếng cười. Cả 4 đứa cháu lớn lên bằng lời ru nâng giấc của ông bà qua những câu ca dao, tục ngữ, những bài học về đạo lý làm người. 
 
Không chỉ giữ cho gia đình mình hạnh phúc, ấm êm, với quan niệm “hạnh phúc của cộng đồng chính là hạnh phúc của mình”, sau khi nghỉ hưu vào năm 1997, thượng tá Hồ Đức Lung tiếp tục tham gia làm Khu phố trưởng Khu phố Chi Lăng suốt 11 năm. Bằng trách nhiệm của người lính trải qua chiến tranh, ông Lung đã xây dựng và vực dậy các tổ chức đoàn thể trong khu phố hoạt động vững mạnh như: Đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, hội nông dân. 
 
Bà Sướng cũng hoạt động tích cực trong các phong trào của khu phố. Hiện nay, bà là Chi hội trưởng Chi hội nông dân của tổ dân phố. Sống chan hòa trong tình làng nghĩa xóm, ông bà luôn được bà con trong tổ dân phố tin yêu, quý trọng. 
 
Đến thăm gia đình ông bà, ngôi nhà rộng rãi được bao quanh bởi một vườn cây và rau xanh mát, chúng tôi cảm nhận được không khí ấm áp, niềm vui hiện lên ánh mắt, nụ cười của từng thành viên trong gia đình. Bà Sướng trải lòng rằng, bà luôn cảm thấy mình là người hạnh phúc, với tổ ấm gia đình của mình, con cháu được như thế này, bà không mong gì hơn.
 
QUỲNH UYỂN