Nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của Lâm Đồng với tổng diện tích gieo trồng lớn; lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sử dụng rất cao nên khi bao gói thuốc BVTV chưa xử lý đúng quy định thì môi trường ngày càng ô nhiễm là tất yếu. Làm thế nào để mục đích đến năm 2020 thu gom và xử lý 80% bao gói thuốc BVTV?
Nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của Lâm Đồng với tổng diện tích gieo trồng lớn; lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sử dụng rất cao nên khi bao gói thuốc BVTV chưa xử lý đúng quy định thì môi trường ngày càng ô nhiễm là tất yếu. Làm thế nào để mục đích đến năm 2020 thu gom và xử lý 80% bao gói thuốc BVTV?
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S (giữa) cùng ra quân nhặt bao gói thuốc BVTV tại hồ ĐanKia. Ảnh: M.Đạo |
Mức độ sử dụng thuốc BVTV rất cao
Năm 2016, toàn tỉnh Lâm Đồng có tổng diện tích gieo trồng đạt 355.086 ha; tăng 103,27% so với năm 2015. Trong đó, cây hàng năm 126.587 ha; cây dài ngày 228.499 ha. Kế hoạch năm 2017, Lâm Đồng tăng diện tích gieo trồng khoảng 1,6-1,8% so với năm 2016. Theo đó, sẽ phát triển thêm gần 68,2 ha, bao gồm nông nghiệp công nghệ cao; tái canh, cải tạo cà phê và chuyển đổi các loại giống, nhằm tạo tốc độ tăng trưởng ngành trồng trọt của tỉnh đạt 6 - 6,5%.
Sản xuất nông nghiệp những năm gần đây có nhiều đối tượng dịch hại mới xuất hiện. Mặt khác, một số dịch hại thông thường bắt đầu kháng thuốc. Với diện tích gieo trồng lớn, diễn biến sâu bệnh như trên, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đang có xu hướng tăng lượng thuốc BVTV. Theo Chi cục Trồng trọt BVTV: “Mức độ sử dụng thuốc BVTV tại Lâm Đồng được đánh giá cao hơn so với các địa phương khác trên cả nước, năm sau có xu hướng tăng hơn so với năm trước”. Hàng năm, ước tính thuốc thương phẩm nông dân trong tỉnh sử dụng khoảng 8.000 - 10.000 tấn. Các loại cây trồng sử dụng thuốc BVTV nhiều nhất là chè, cà phê, các loại rau và hoa. Đặc biệt, phần lớn người dân ưu tiên sử dụng các nhóm thuốc có độc tố cao (nhóm II và III) kết hợp việc trộn từ 2-3 loại thuốc để phun một lần. Cùng đó, còn nhiều nông dân sử dụng thuốc với liều lượng tăng gấp 1,5-2 lần so với khuyến cáo.
Kết quả nghiên cứu của cơ quan chức năng và đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV cho thấy: tỷ lệ bao gói/khối lượng thuốc đối với chai nhựa khoảng 12-15%, gói và loại khác chiếm 3-5%; trong đó chai nhựa chiếm 70-80%, gói và các loại khác chiếm 20-30%. Như vậy, trên địa bàn Lâm Đồng mỗi năm có lượng bao gói thuốc BVTV thải ra môi trường khoảng 560-800 tấn.
Đây là chất thải nguy hại, nhưng hầu hết các vùng sản xuất chưa được các cấp, các ngành và người sản xuất thu gom, xử lý đúng mức. Kể cả tại các xã nông thôn mới; các khu vực sản xuất cây trồng ứng dụng công nghệ cao theo các tiêu chuẩn như UTZ, 4C, VietGAP, Organik; phần lớn vẫn còn tiêu hủy với rác thải sinh hoạt hoặc đốt. Đối với các cơ sở, nông hộ sản xuất đại trà, có đến 80% người sử dụng thuốc BVTV chưa thực hiện thu gom bao bì mà chủ yếu bỏ lại tại đất canh tác, lối đi, mương rãnh, ao hồ. Nếu có thu gom thì cũng thả xuống các khu vực như bờ sông, suối, khe núi, ven đường.
Không “đánh trống bỏ dùi”
Bao gói thuốc BVTV sau sử dụng luôn tồn dư một phần thuốc. Nếu vứt bao bì bừa bãi, thuốc sẽ khuếch tán vào nước tưới, nước mưa gây nên ô nhiễm cả nước ngầm và nước mặt. Nếu chôn lấp bao gói, thuốc cũng bị rửa trôi, thấm sâu nước ngầm, lan ra nguồn nước mặt. Trường hợp đem bao gói đốt không đúng quy trình an toàn nguy cơ phát thải Dioxins là rất lớn.
Đầu năm 2017, thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao sở TN&MT phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch báo cáo, đề xuất tỉnh ban hành. Ngày 19/6, UBND tỉnh tiếp tục có Văn bản số 3825/KH-UBND cụ thể hóa Kế hoạch thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh. Các giải pháp cụ thể là: tuyên truyền; phổ biến, cung cấp các thông tin, tài liệu về cách sử dụng, phương pháp thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV cho cộng đồng; điều tra cơ bản đặc điểm các vùng canh tác nông nghiệp tập trung, sử dụng thuốc BVTV; xác định và giao nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa ở từng địa phương và kiểm soát chất thải nguy hại. Đó còn là hợp đồng đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan; tăng cường đối thoại với các tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc BVTV; thanh tra, kiểm tra; đầu tư cơ sở hạ tầng...
Ngày 20/6, tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo quốc tế về thuốc BVTV tại Đà Lạt, gồm các Sở NN&PTNT và TN&MT, nhà khoa học của dự án... nhằm đánh giá lại sử dụng thuốc BVTV ở Lâm Đồng. Phía các nhà khoa học cho rằng cần đánh giá lại mức độ, tính chất ô nhiễm do thuốc BVTV thông qua phân tích các thành phần và chủng loại. Tuy nhiên, ngày 26/6, PV Báo Lâm Đồng trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt BVTV Lâm Đồng vấn đề này, ông Lại Thế Hưng cho biết, bản thân ông cũng không đồng ý các số liệu điều tra này vì chưa khách quan. Và ông Hưng còn cho biết thêm: Căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục có trách nhiệm tổ chức tập huấn cho người sử dụng thuốc BVTV và tổ chức cho các phòng nông nghiệp cấp huyện trực tiếp tổ chức thu gom bao gói tại điểm tập kết. Hiện Chi cục đang chờ Sở TN&MT được phê duyệt đề án từ UBND tỉnh để triển khai thực hiện, trong đó có phần kinh phí.
Còn Phó Giám đốc Sở TN&MT Lương Văn Ngự trăn trở với chúng tôi: Lâm Đồng vẫn là nền kinh tế nông nghiệp - du lịch; du lịch - dịch vụ là nền kinh tế động lực. Phát triển kinh tế dù là công nghiệp hóa, hiện đại hóa hay ứng dụng công nghệ cao thì vẫn đang sử dụng thuốc BVTV rất nhiều; do đó, tuy mục đích càng ngày càng giảm bớt nhưng không phải nói là giảm được ngay. Vấn đề sử dụng bao gói thuốc BVTV cần được tăng cường ý thức, trách nhiệm của người nông dân; tăng cường hiệu lực về quản lý nhà nước một cách căn cơ, chặt chẽ..., và không phải đụng đâu đốt đó hay chôn lấp không đúng quy định... Không thể thờ ơ, làm cho có. Ý thức, trách nhiệm trước vấn đề ô nhiễm từ bao gói thuốc BVTV phải thực sự sâu sắc trong nhận thức, chuyển biến thành những hành động cụ thể đối với cả cộng đồng. Mặt khác, phải triển khai đồng bộ, thường xuyên; làm từng ngày chứ không phải “đánh trống bỏ dùi”.
MINH ĐẠO