Ông "Barie" dưới đèo Prenn

09:06, 29/06/2017

Dưới chân đèo Prenn, ông Nguyễn Dũng (SN 1960) Tổ dân phố 19, Phường 3, TP Đà Lạt được người dân ví von là "lá chắn" cho người dân địa phương và người qua lại khu vực này. 

Dưới chân đèo Prenn, ông Nguyễn Dũng (SN 1960) Tổ dân phố 19, Phường 3, TP Đà Lạt được người dân ví von là “lá chắn” cho người dân địa phương và người qua lại khu vực này. 
 
Ông Dũng “Barie” bên những tấm bằng khen cao quý trong phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm. Ảnh: Đức Tú
Ông Dũng “Barie” bên những tấm bằng khen cao quý trong phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm.
Ảnh: Đức Tú
Đã bao năm trôi qua, ông Dũng vẫn nhớ lại như in lần truy bắt những thanh niên choai choai tổ chức đua xe và đến khi chúng đến nhà ông ném đá vào nhà, đập nát cửa ngõ, cổng rào thì người dân xung quanh mới vỡ lẽ, đó là sự trả thù nhắm vào một con người hết sức kiên định. Kiên định là vì sau sự việc đó, nếu người “yếu tim” sẽ phải tự nhủ mình rằng: thôi dừng lại. Nhưng sự  “gan lì” của một con người thời còn thơ dại đã trực tiếp làm nhiệm vụ giao liên dẫn bộ đội đánh nhiều trận đánh ác liệt và lớn lên trở thành một trinh sát trận địa có “nghề” thì điều đó không bao giờ làm ông nhụt trí. 
 
Năm 2011, một đối tượng trộm cắp xe máy khi đang đổ đèo Prenn, đến cuối đèo thì bị ông bắt giữ.  Trước đó ông đã nhận được chỉ thị phối hợp của lực lượng Công an thành phố để truy bắt. Ông mường tượng lại bằng lối phán đoán như đã được đào tạo bài bản: “Tôi đoán chắc chắn đối tượng muốn rời khỏi Đà Lạt đi về các huyện phía Nam để tiêu thụ chiếc xe mình đánh cắp thì phải đi qua đèo Prenn còn đèo Mimosa thì khả năng đối tượng đi là rất ít, vì đây là nơi có nhiều xe tải lưu thông và ít xe máy, nên khả năng bị phát hiện là rất lớn, còn đèo Prenn lại đông xe máy, cơ hội để ngụy trang và tẩu thoát là rất cao. Chính vì vậy tôi trực chiến ngay chân đèo, thấy đối tượng giống với đặc điểm mô tả thì tóm gọn, không để cho đối tượng có cơ hội vượt mặt”.
 
Hay, sự việc ông bắt đối tượng cướp giật trên đèo Prenn vào năm 2012, đối tượng lợi dụng đêm tối để chặn xe và thực hiện hành vi cướp giật với một phụ nữ. Ông  áp sát đối tượng, rồi khống chế,  quật ngã tên cướp xuống đường khiến kẻ cướp hết đường thoát. Người phụ nữ cảm ơn và xin đền ơn nhưng có sự đền ơn nào bằng sự bình an của chính những con người chân yếu tay mềm phải vượt đèo vào đêm tối. Bảo vật cuộc đời của ông, trong kháng chiến trường kỳ cũng như trong hòa bình chính là những tấm bằng khen cao quý mà các ban, ngành đã trao tặng để ghi nhớ một con người hết sức bình dị một lòng tự nguyện làm “gác chắn”. Mỗi tấm bằng khen, giấy khen là một kỷ niệm của “vị” Phó Ban Bảo vệ Tổ dân phố Phường 3, mà chắc hẳn khi nghe ông kể thì một tiểu thuyết gia có thể viết về ông lắm. Bắt cướp, đấu tranh phòng chống tội phạm, giáo dục con em địa phương là điều thường thấy ở ông Dũng “Barie” nhưng tham gia ứng cứu, đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời, bảo vệ hiện trường các vụ tai nạn giao thông ở con đèo Prenn thì ông cho là “nghĩa vụ”. Và, ông lý giải điều này một cách chân chất rằng, mình sinh sống ở dưới chân đèo, nếu có tai nạn giao thông thì mình phải kịp thời ngay, nhiều lúc “nước xa không cứu được lửa gần”, tính mạng của con người là trên hết, vì nhiều lúc trong một tích tắc là mình đã làm được nhiều việc lắm mà liên quan đến tính mạng của một con người đấy chứ. 
 
ĐỨC TÚ