Thắp lửa yêu thương bằng bữa cơm ấm áp

09:06, 29/06/2017

Xây dựng hạnh phúc gia đình luôn là vấn đề lớn ở mọi thời đại. Nhưng vấn đề lớn lao ấy lại được vun đắp bằng những việc tưởng như rất đơn giản, nhỏ nhặt hàng ngày - đó chính là những bữa cơm gia đình sum vầy, ấm áp yêu thương.

Xây dựng hạnh phúc gia đình luôn là vấn đề lớn ở mọi thời đại. Nhưng vấn đề lớn lao ấy lại được vun đắp bằng những việc tưởng như rất đơn giản, nhỏ nhặt hàng ngày - đó chính là những bữa cơm gia đình sum vầy, ấm áp yêu thương.
 
Gia đình ông Lương Bảo Ngọc và bà Trần Tuyết Lan cùng vào bếp “trổ tài” trong Hội thi nấu ăn “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Ảnh: Q.U
Gia đình ông Lương Bảo Ngọc và bà Trần Tuyết Lan cùng vào bếp “trổ tài” trong Hội thi nấu ăn “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Ảnh: Q.U
 
Ngôi nhà hạnh phúc của gia đình ông bà Lương Bảo Ngọc và Trần Tuyết Lan (Tổ dân phố 5 - Phường I) nằm ở phố Tây - Trương Công Định, một con phố trung tâm sầm uất, buôn bán tấp nập nhất nhì Đà Lạt. Ông Ngọc làm nghề kinh doanh buôn bán, bà Lan là cán bộ tư pháp của phường nay đã nghỉ hưu. Tưởng chừng cuộc sống đô thị hiện đại gấp gáp như cuốn người ta vào những bữa “cơm hàng, cháo chợ” chớp nhoáng, làm trôi đi nếp sống sum vầy bên mâm cơm gia đình; nhưng không phải thế, 32 năm xây dựng hạnh phúc với nhau không ngày nào bếp nhà ông Ngọc, bà Lan không đỏ lửa. 
 
Ông Ngọc kể, trước khi lấy vợ, ông sống với gia đình, mọi việc nội trợ nấu nướng đều do mẹ lo hết, ông chỉ đi làm, đến bữa về nhà là có cơm ăn. Thời gian đầu lấy vợ, mỗi bữa cơm thấy vợ đi làm về tất bật nấu nướng, ông liền xắn tay vào phụ giúp. Công việc ở cơ sở mỗi ngày thêm bận, rồi có thêm 2 cậu con trai, thấy vợ vất vả, mình kinh doanh ở nhà, ông tranh thủ dành thời gian nấu cơm cho vợ. Món ăn nào không biết, thức ăn gì nấu với gia vị gì là ông lại gọi điện hỏi mẹ mình. Dần dần, món gì ông cũng biết làm. Nấu nướng dần trở thành niềm vui của ông Ngọc, niềm vui như càng nhân lên khi vợ con ăn ngon miệng. Bà Lan đến tuổi nghỉ hưu, nhưng không nghỉ, bà được nhân dân Tổ 5 - Phường I tín nhiệm bầu làm tổ trưởng, bà lại thường xuyên bận việc làng việc nước, trong gia đình ông Ngọc là người đảm nhận việc bếp núc. Bếp của gia đình cũng là không gian sinh hoạt chính, chỗ nào cũng gọn gàng, ngăn nắp. Để có bữa ăn ngon, đủ chất, đảm bảo sức khỏe cho 4 người, ông Ngọc và bà Lan thường xuyên đổi món, ăn ngày nào đi chợ ngày ấy để thức ăn tươi ngon, nấu các món ăn vừa đủ cho cả nhà, để ngày hôm sau lại đổi sang món khác. 
 
Ông Ngọc quan niệm: Việc bếp núc, nội trợ không chỉ là việc của phụ nữ. Trong gia đình ai có rảnh hơn thì dành thời gian nấu nướng, chăm sóc các thành viên khác. Nhất là, khi người phụ nữ bước ra xã hội đảm trách rất nhiều vị trí quan trọng, thì người đàn ông ngoài công việc kiếm tiền, khi rảnh rỗi cũng có thể vào bếp cơm nước, sẻ chia gánh nặng việc nhà bếp núc cùng vợ. 
 
Bà Lan cho biết, trong ngày, mỗi người một việc, bữa cơm gia đình, đặc biệt bữa cơm tối luôn là khoảng thời gian mà 4 thành viên trong gia đình sum vầy ngồi ăn cùng nhau. Sau một ngày lao động, học tập và làm việc vất vả thì bữa ăn chính là thời gian các thành viên trong gia đình dành trọn vẹn cho nhau. Cùng trò chuyện, tâm sự, cha mẹ hỏi chuyện, tìm hiểu các mối quan hệ bạn bè, những mong ước của con, niềm vui nỗi buồn ở trường lớp; những vấn đề cuộc sống trong ngày được thảo luận, cùng nêu quan điểm về các vấn đề, từ đó cha mẹ nắm được suy nghĩ của con để uốn nắn những ý nghĩ chưa đúng... Thấy ba giỏi nấu các món ăn, hai cậu con trai cũng học làm theo, khi ba mẹ có việc bận vắng nhà, hai anh em lại cùng nhau vào bếp nấu món ăn mình ưa thích. Trong hội thi nấu ăn “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” nhân Ngày Gia đình Việt Nam do UBND TP Đà Lạt vừa tổ chức, gia đình ông Ngọc bà Lan được chọn đại diện Phường I tham dự hội thi. Trong không gian “trổ tài” bếp núc, tổ ấm của họ đã gây ấn tượng mạnh bởi cả nhà cùng vào bếp. Nhìn ông Ngọc làm bếp thuần thục là biết người đàn ông của gia đình. Ông làm luôn tay, buông việc nọ, bắt việc kia, lúc làm món mực chiên, khi làm món bồ câu xôi nướng, lúc trộn rau, khi chiên hoành thánh... rất chuyên nghiệp. Bà Lan lo món gỏi bắp bò và lẩu mắm với đủ thứ rau tươi, nấm nhìn đã thấy hấp dẫn. Hai cậu con trai chuẩn bị rau, gọt tỉa hoa lá từ rau củ, sắp dọn bàn ăn. Mỗi người một việc, không khí hòa thuận, ngập tràn hạnh phúc. Chỉ trong 60 phút một mâm cơm thịnh soạn thơm ngon gồm 6 món ăn đã dọn lên, với 2 món khai vị (hoành thánh chiên, tôm mực chiên, rau mầm trộn), 3 món chính (gỏi bắp bò - bánh tráng, bồ câu bó xôi nướng, lẩu mắm), 1 món tráng miệng (cooktail đủ loại trái cây với rượu). Tất cả đều được bày biện trang trí bằng hoa lá gọt tỉa công phu, đẹp mắt, ngon mà tinh tế với thông điệp “Bữa cơm gia đình nhắc nhở mỗi con người luôn có một tổ ấm để trở về”. Đoạt giải nhì hội thi không chỉ là niềm vui, hạnh phúc cho cả gia đình mà còn khẳng định những bữa cơm gia đình họ đang vun đắp đã níu giữ bước chân các thành viên trở về mỗi trưa, mỗi chiều. Từ đó, họ đang truyền cho các con lối sống, nền nếp gia đình để con mang theo khi trưởng thành và lập nên những gia đình hạnh phúc mới.
 
QUỲNH UYỂN