(LĐ online) - Đại hội Đại biểu Hội Dược liệu tỉnh Lâm Đồng lần thứ III –nhiệm kỳ 2017 -2022 vừa diễn ra thành công tốt đẹp. PV Báo Lâm Đồng đã ghi nhận những lời tâm huyết của các đại biểu vì sự phát triển của công tác dược liệu địa phương.
(LĐ online) - Đại hội Đại biểu Hội Dược liệu tỉnh Lâm Đồng lần thứ III –nhiệm kỳ 2017 -2022 vừa diễn ra thành công tốt đẹp. PV Báo Lâm Đồng đã ghi nhận những lời tâm huyết của các đại biểu vì sự phát triển của công tác dược liệu địa phương.
* TS Nguyễn Hữu Toàn Phan – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên: “Trong 10 -15 năm tới nên tập trung phát triển từ 3 -5 cây thuốc quy mô lớn để tạo đột phá cho phát triển”
Trong 5 năm qua, Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên đã chủ trì và phối hợp thực hiện một số đề tài, dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dược liệu. Cụ thể như: đề tài cấp nhà nước “Điều tra, sàng lọc nguồn tài nguyên dược liệu thực vật tỉnh Lâm Đồng theo định hướng hoạt tính sinh học nhằm phát triển các loài có giá trị dược liệu cao”. Kết quả đã thu thập được 3.009 mẫu tiêu bản, xác định tên khoa học 1.003 loài thực vật. Trong đó có 399 loài cây thuốc và 604 loài có khả năng làm thuốc thuộc 162 họ thực vật. Như vậy, đề tài này đã bổ sung vào danh mục cây thuốc Lâm Đồng theo thống kê của DS Nguyễn Thọ Biên thêm 156 loài cây thuốc và theo danh mục của đề tài cấp tỉnh Lâm Đồng 201 loài cây thuốc. Đặc biệt, phát hiện được 3 loài thực vật mới có khả năng làm thuốc cho khoa học là: Magnolia lamdongensis, Magnolia tiepii, Schizostachyum langbianense.
Với danh mục đã xây dựng cùng với bộ tiêu bản của 1.003 loài thực vật là cơ sở dữ liệu quan trọng cho các nghiên cứu về sau nhằm định hướng bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu quý giá của Lâm Đồng. Trong đó, có nhiều loài quý hiếm ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, nhiều loài đặc hữu của Lâm Đồng, nhiều loài có dược tính cao có thể khai thác, phát triển phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nhiều loài dược liệu rất phù hợp với đất đai, khí hậu của Lâm Đồng như: Actiso, Thông đỏ, nấm Linh chi, Lan gấm, Đảng sâm… Trong đó, chỉ có cây Actiso được đầu tư khai thác thành chuỗi giá trị sản phẩm có chất lượng, còn lại các loài dược liệu khác chủ yếu trồng ở quy mô nhỏ chưa tạo ra thế mạnh đặc thù cho Lâm Đồng. Vì vậy, trong 10 -15 năm tới, chỉ nên tập trung phát triển từ 3-5 cây thuốc quy mô lớn để tạo đột phá cho phát triển.
* Thạc sĩ Tôn Thất Minh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà: “Chỉ có chuỗi giá trị mới giải quyết được bài toán phát triển dược liệu”
|
|
Ngày 30/10/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1976/QĐ-TTg về “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” với một số định hướng liên quan đến phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu thông qua phát triển vùng trồng dược liệu, gắn bảo tồn với khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học. Một trong các mục tiêu của quyết định này là xây dựng 5 vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia đại diện cho các vùng sinh thái. Do đó, Trung tâm nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà đã tham mưu cho lãnh đạo Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà chủ động phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để xây dựng đề án Vườn bảo tồn và cây thuốc quốc gia vùng Tây Nguyên. Các hoạt động sẽ bao gồm: quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu tại Tây Nguyên phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế; tập trung bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý, có giá trị; giữ gìn phát huy và tăng cường bảo hộ vốn tri thức truyền thống về sử dụng cây thuốc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên góp phần bảo tồn văn hóa Tây Nguyên.
Trung tâm nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà đã ký Biên bản ghi nhớ với các Công ty TNHH Cây thuốc Việt và Công ty TNHH Herbal Nutrition Care ATD để ứng dụng công nghệ cao vào nghiên cứu nhân giống, nuôi trồng một số loài dược liệu có tiềm năng thị trường và hợp tác phát triển sản phẩm các bên cùng quan tâm để đưa ra thị trường bao gồm cả đăng ký nhãn hiệu, gắn nhãn sản phẩm và tiếp thị.
Đồng thời, chúng tôi đã xây dựng dự án bảo tồn và phát triển một số loài dược liệu quý tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà với Tập đoàn Biodetection System BV, Hà Lan để xây dựng phòng thí nghiệm chuyên phân tích, kiểm nghiệm và chiết xuất dược liệu với chức năng phòng thí nghiệm là: quản lý, kiểm soát chất lượng của thực phẩm và thuốc; kiểm tra và sàng lọc các sản phẩm thực phẩm và cây thuốc; cấp Giấy chứng nhận sản phẩm; sản xuất sản phẩm từ cây thuốc.
Để phát triển dược liệu bền vững thì cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, phải tạo ra sự liên kết “5 nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý và nhà băng). Bởi hiện nay, người nông dân sản xuất dược liệu vẫn băn khoăn không biết bán dược liệu cho ai, bán theo tiêu chuẩn nào và bán như thế nào nên cần có chiến lược phát triển dược liệu tầm vĩ mô gắn với chuỗi giá trị. Đây là vấn đề rất mới, rất lớn đối với Việt Nam, chỉ có chuỗi giá trị mới giải quyết được một cách thuận lợi bài toán phát triển dược liệu.
* BSCKII Nguyễn Văn Trịnh – Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dược liệu Lâm Đồng: “Chất lượng dược liệu hiện nay có một số vấn đề đáng lo ngại”
Hàng năm, ngành Dược Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80 -85% nhập khẩu (chủ yếu nhập từ Trung Quốc), chỉ có khoảng 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc rõ ràng, đa số dược liệu vào nước ta theo con đường tiểu ngạch, không kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của dược liệu. Công tác trồng dược liệu còn mang tính manh mún, tự phát, chưa có sự tham gia của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, chưa áp dụng phương pháp khoa học, chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học, nông dân và nhà nước nên chất lượng chưa đảm bảo, ảnh hưởng tới sản xuất. Trong chăm sóc dược liệu người dân sử dụng rất nhiều phân hóa học và hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng dược liệu bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, tình hình chất lượng dược liệu hiện nay có một số vấn đề cần quan tâm:
Một số dược liệu không đạt về độ ẩm, tạp chất, định tính, hàm lượng hoạt chất (Hà thủ ô đỏ không có hoặc có rất ít Emodin, Hoàng cầm không đạt hàm lượng Baicalin, Cam thảo không đạt hàm lượng axít Glycyrhizic…). Một số dược liệu chứa các chất nguy hại như: Axít Aris-tolochic (tìm thấy trong Phòng kỷ, Mộc thông), Aflatoxin, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng; một số dược liệu được nhuộm màu, tẩm hóa chất để làm đẹp dược liệu như Hồng hoa, Chi tử nhuộm Rho-damin B… Ngoài ra, còn phát hiện một số dược liệu giả là các loại dược liệu có hình thái mô tả gần giống với dược liệu thật nhưng không có các đặc điểm thực vật và hóa học giống với dược liệu thật hoặc bộ phận dùng không đúng hay bị trộn lẫn dược liệu thật với thành phần khác theo các tỉ lệ khác nhau nhưng vẫn lấy tên là dược liệu thật. Thường hay gặp ở các dược liệu như Hoàng kỳ, Hoài sơn, Bạch linh, Đan sâm, Thăng ma… Dược liệu trộn các chất khác: trộn các chất làm tăng màu, tăng khối lượng như Hồng hoa và Chi tử trộn Rho-damin B làm tăng màu, Bạch linh làm giả hoàn toàn hay trộn lẫn với các loại bột khác ép thành bánh giống Bạch linh…
DIỆU HIỀN