Trong nhiều năm nay, Cơ sở Cai nghiện ma túy Lâm Đồng (tiền thân là Trung tâm 05-06 Lâm Đồng) tại Đức Trọng đã giúp cho rất nhiều trường hợp cắt được cơn nghiện, tránh xa được con ma... túy, tái hòa nhập lại cộng đồng.
Trong nhiều năm nay, Cơ sở Cai nghiện ma túy Lâm Đồng (tiền thân là Trung tâm 05-06 Lâm Đồng) tại Đức Trọng đã giúp cho rất nhiều trường hợp cắt được cơn nghiện, tránh xa được con ma... túy, tái hòa nhập lại cộng đồng.
|
Các học viên cùng tham gia buổi học ngoài trời |
Những cuộc đời lầm lỡ
Với khuôn mặt bầu bĩnh, dáng người cao ráo, nói năng nhỏ nhẹ, chào hỏi lễ phép, nếu không gặp Trần Thị Thùy M. ở Cơ sở Cai nghiện ma túy (CNMT) Lâm Đồng này thì không ai tin rằng đó là một người đã từng nhiều năm bầu bạn với làn khói trắng chết người. Vậy nhưng, cô gái xinh xắn 24 tuổi người Hậu Giang này đã từng có hơn 7 năm sống chung cùng ma túy.
Được giới thiệu về cơ sở này, gia đình M. đã đưa cô lên đây cai nghiện. Chỉ mới vào đây chừng hơn 1 tháng nhưng với sự trợ giúp của nhân viên cơ sở, đến nay M. đã dần cắt được cơn, tỉnh táo lại, da bắt đầu hồng hào, tinh thần cũng khá ổn định.
M. là hậu quả của một gia đình tan vỡ, khi học chưa hết lớp 8 cô đã phải bỏ học theo mẹ lên TP Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc mưu sinh. Từ quê lên thành phố hào nhoáng, M. vào phục vụ ở các quán cà phê, sau đó theo một lớp học để trở thành người phối nhạc (DJ) rồi làm việc tại các câu lạc bộ đêm. Trong môi trường đầy cám dỗ đó, M. được mời mọc thử dùng ma túy với lời khuyên rất “có lý”: “Chỉ xem đó là liều thuốc giúp mình quên đi vất vả, làm việc hăng say và yêu đời hơn”. Yêu đời hơn đâu không thấy, cô đã dần biến thành nô lệ của làn khói trắng từ lúc nào không hay, bất chấp cản ngăn của người thân. Phải đến khi M. trở thành mẹ của một đứa bé thì cô mới giật mình nhìn lại. Cô đi cai nghiện vì không muốn con mình sau này cũng thế “Chỉ mong làm sao bỏ được nó để sớm về với con thôi” - M. rớm nước mắt.
Một trường hợp khác, anh Nguyễn Minh T., 36 tuổi, người TP Hồ Chí Minh, cũng đã có 8 năm làm bạn với khói trắng. Anh T. đã không ít lần ra vào các trung tâm cai nghiện ở TP Hồ Chí Minh nhưng đâu lại hoàn đó. Gia đình anh không bỏ cuộc, không ngừng vận động anh đi cai nghiện trở lại. Một năm trước, anh lên Đức Trọng tìm đến địa chỉ này dù khi đi anh không hy vọng gì nhiều. Nhưng chính ở đây, khi được chăm sóc, được đối xử tốt, được gia đình động viên hằng tuần, anh dần có chuyển biến.
Không chỉ tham gia đầy đủ các giờ điều trị, anh T. còn tích cực trong các hoạt động của cơ sở, cùng mọi người thi đấu thể thao, tham gia diễn văn nghệ. Có năng khiếu và đam mê âm nhạc, anh T. đứng ra dàn dựng chương trình, kêu gọi các bạn học viên cùng tập luyện và biểu diễn. Từ một người e dè, ít nói, anh được các học viên tin yêu bầu chọn làm trưởng nhóm đội tự quản chuyên giúp đỡ các học viên mới đến sớm hòa nhập với tập thể. “Tôi đã một năm ở đây rồi, ở thêm chừng vài tháng nữa cho dứt hẳn rồi về nhà, cố làm lại cuộc đời thôi”- anh cười.
Trên đường về lại cộng đồng
Trong vài năm gần đây, Cơ sở CNMT Lâm Đồng tại Đức Trọng chính là một trong những địa chỉ đi đầu trong cả nước về đổi mới công tác cai nghiện theo hình thức tự nguyện.
Với diện tích khá rộng (hơn 5 ha), được xây dựng bài bản, cảnh quan đẹp nên cơ sở đã thu hút được không ít người, không chỉ trong tỉnh, mà còn ở ngoài tỉnh đến đăng ký điều trị.
Tại đây, hiện có 108 học viên đang điều trị, khoảng 80% trong số này là người trong tỉnh, còn lại là ngoài tỉnh (sức chứa của cơ sở là 177 học viên). Tính từ đầu năm 2017 đến nay, cơ sở đã tiếp nhận 96 người đến đây điều trị.
Việc coi nghiện ma túy là một căn bệnh mãn tính và người nghiện ma túy là người bệnh trong thời gian gần đây đã xóa bỏ quan điểm người nghiện tha hóa về nhân cách, giảm bớt sự mặc cảm của người bệnh và gia đình; giúp người bệnh không còn cảm thấy tự ti về bản thân, an tâm tìm đến sự tư vấn, hỗ trợ điều trị ở các cơ sở cai nghiện.
Theo Ban Giám đốc, trong cai nghiện, cơ sở thực hiện đúng phác đồ trị liệu của Bộ Y tế với những bước cụ thể từ y tế, giáo dục, vật lý trị liệu, phục hồi nhân cách, tổ chức lao động trị liệu, rèn luyện thể dục thể thao…
Cùng đó, để giúp học viên cai nghiện thành công, cơ sở còn tư vấn tâm lý kết hợp tìm hiểu vấn đề riêng của họ, biết được lý do tại sao họ đến với ma túy để lựa chọn liệu pháp trị liệu hiệu quả nhất. Đến đây, các học viên được tôn trọng về đời tư, chủ động về thời gian điều trị, có thể chọn các dịch vụ giải trí theo yêu cầu như: đọc sách, tập thể hình, bóng bàn, cầu lông, Billard, karaoke,... Cùng đó, cơ sở còn thường xuyên phối hợp với các tổ chức xã hội trong tỉnh tổ chức các chương trình văn hóa - văn nghệ, giao lưu tại chỗ với học viên.
“Nhân viên công tác xã hội ở đây phải vừa là người thầy, vừa là người bạn của học viên. Mỗi học viên dù nghề gì, hoàn cảnh ra sao, có như thế nào thì mỗi nhân viên công tác xã hội vẫn phải có trách nhiệm, có suy nghĩ và hành động đúng chuẩn mực, gương mẫu” - ông Phạm Đức Cường, Trưởng phòng Điều trị nội trú cho biết.
Để tránh tái nghiện lại, những người trở về sau cai nghiện được cơ sở giới thiệu với các trung tâm tìm việc làm theo chương trình “Đồng hành cùng người sau cai nghiện”, giúp tìm công việc để sớm ổn định cuộc sống bình thường.
Trong 3 tháng đầu năm 2017, cơ sở đã điều trị cắt cơn cho 80 học viên, chữa bệnh cho 779 người và có 41 người đã được quay lại với gia đình, tái hòa nhập xã hội.
“Để cai nghiện thành công cần có nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là tính kiên định của người cai nghiện. Về phía chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực hết sức để giúp họ sớm vượt qua để sớm về lại cộng đồng” - ông Dương Đức Thành, Giám đốc Cơ sở khẳng định.
GIA KHÁNH - CẨM TIÊN